Hàng trăm năm qua, con người sinh sống trên châu thổ sông Cửu Long - với gần 750km đường bờ biển - đã tiến hóa cùng với hiện tượng xâm nhập mặn.
Nhưng vì sao khoảng gần 10 năm gần đây, tiếng than của người dân ngày một thê thiết hơn?
Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng - Thanh Hải và chảy qua sáu quốc gia, sông Mekong vốn có cơ chế tự điều hòa để nuôi dưỡng mọi sinh vật và duy trì các hệ sinh thái trong mùa hạn lẫn mùa mưa.
Khi con sông vĩ đại này hoạt động bình thường, nước ngọt sẽ dồi dào vào mùa mưa, chảy từ thượng nguồn ra biển cả, nhưng trước đó không quên ban tặng phù sa bổ dưỡng cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong mùa khô, lượng nước vẫn còn trong các hồ lớn, như Biển Hồ của Campuchia, sẽ chảy từ từ về đồng bằng, tiếp tục cuốn trôi nước biển dù không có giọt mưa nào.
Nhưng, ngày càng có nhiều những năm "khó sống"! Gần nhất là mùa khô lịch sử năm 2019-2020: bắt đầu sớm hơn so với trung bình nhiều năm, thời gian hạn mặn kéo dài gấp đôi so với mùa khô năm 2016, theo ghi nhận của Tổng cục Thủy lợi.
Nước mặn xâm nhập sâu hơn trong nội đồng, so với các đợt hạn mặn nghiêm trọng năm 1998, 2010 và 2016 (hình 1).
Hình 1: Hồ Hữu Lộc và cộng sự, "Intensifying saline water intrusion and drought in the Mekong Delta: From physical evidence to policy outlooks", 2021. (Bản vẽ đã được lược bớt một vài chi tiết)
Biến đổi khí hậu làm cho mưa nắng trở nên bất thường nhưng đồng thời, xâm nhập mặn còn liên quan đến nhiều yếu tố "nhân tai".
Đơn cử là chuyện nước từ thượng nguồn đổ về, nếu lưu lượng càng giảm, nước mặn sẽ càng tiến sâu vào đất liền. Bức tranh nguyên nhân và hậu quả được tóm lược trong hình 2.
Hình 2: Philip S.J. Minderhoud, “Sụt lún đồng bằng: Hiện trạng lún và dự báo tương lai ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam”, 2019
Năm 2020, nông dân trồng lúa ở các tỉnh bị xâm nhập mặn đã bị mất ít nhất 30% sản lượng thu hoạch do thiếu nước ngọt. Sau thảm họa này, nhiều nông dân đã chuyển sang mô hình luân canh tôm - lúa.
Bên cạnh yếu tố thị trường, nghiên cứu Dien và cộng sự (2019) nhận xét rằng: nước mặn trong vuông tôm sau mùa khô không thể bị nước ngọt "làm sạch" hoàn toàn. Nó tích lũy qua nhiều năm, thậm chí còn tăng nhanh do lượng mưa suy giảm.
Do đó, trớ trêu thay, có thể nói rằng mô hình tôm - lúa đang dẫn đến một số vấn đề môi trường khác, cuối cùng tăng thêm thách thức cho người nông dân.
Trong tương lai, nếu xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn - do mực nước biển dâng cao và hoạt động gây sụt lún mặt đất của con người, độ mặn có thể sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của loài tôm chăng?
Chúng ta có thể cố gắng hết sức để thích ứng với hạn mặn, nhưng việc giải quyết tận gốc rễ của vấn đề mới giúp ta tránh được các biểu đồ và số liệu tồi tệ hơn.
Bình thường nước sông Mekong chỉ nhiễm mặn trong khoảng một tháng, nhưng những năm gần đây thời gian nhiễm mặn thường lên tới 4-5 tháng.
Ghi nhận vào năm 2019 chẳng hạn, cho thấy từ giữa tháng 11 tới tháng 1-2020, nước mặn đã vào sâu hơn tới 30-40km so với mức trung bình hằng năm của mùa khô.
Khi vận hành bình thường, hệ thống sông Mekong sẽ ngập mỗi mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn sẽ chảy qua đồng bằng và vào biển.
Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, ước tính chiếm 30-35% nguồn cung cấp nước cho đồng bằng hạ nguồn, sẽ đầy tràn vào mùa mưa, rồi khi mùa khô tới, từ từ tuôn về đồng bằng.
Điều này giúp duy trì nước ngọt ở hạ nguồn dù không có mưa. Hồ Tonle Sap thường sẽ cạn vào khoảng tháng 3 cao điểm mùa khô, dẫn tới nước mặn cao hơn ở hạ nguồn, nhưng thường chỉ trong khoảng một tháng, trước khi lũ lại về.
Nhưng những năm vừa qua, hồ Tonle Sap thường không có đủ nước. Thủ phạm chính là các đập thủy điện ở thượng nguồn, vốn kiểm soát lượng nước và phù sa một cách nhân tạo trong mùa mưa, và hoạt động khai thác cát ồ ạt ở hạ nguồn, vốn đào sâu thêm lòng sông và gây sạt lở.
Cũng theo Sepehr, Đồng bằng sông Cửu Long hiện thiếu khoảng 10 tỉ m3 nước vào mùa khô so với bình thường.
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường, mùa khô đôi khi kéo dài và tình trạng "no dồn đói góp" giữa lụt và hạn khiến tình hình thêm phức tạp.
Nhưng "nếu các đập nước không được xây lên và hoạt động khai thác cát là hạn chế, đây đã không phải vấn đề lớn - Sepehr nói - ... Quy mô [khai thác cát] không chỉ là khổng lồ ở Việt Nam, mà cả ở Campuchia. Chúng ta đang nói tới khối lượng... 50-100 triệu tấn mỗi năm".
Cát này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng, nhưng hoạt động khai thác bừa bãi đào sâu thêm lòng sông, gây sạt lở, khiến nước biển dễ xâm nhập hơn cũng như làm đảo lộn hệ sinh thái lòng sông.
Theo Sepehr, nếu các bên liên quan tiếp tục khai thác theo kiểu hiện giờ, tình trạng xâm nhập mặn vào đồng bằng Mekong như hiện nay sẽ trở thành chuyện thường tình trong 10-20 năm nữa, kèm theo nhiều tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng khó lường.
"Toàn bộ... chuỗi thức ăn sẽ sụp đổ" - Sepehr cảnh báo. "Nhiều mô hình kinh doanh sẽ phải thay đổi. Các nông hộ và doanh hộ nhỏ sẽ khó lòng duy trì trạng thái cũ".
Sau nhiều tháng nắng gắt và không có mưa, hạn mặn xâm nhập ngày càng sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau và Bến Tre là hai tỉnh bị ảnh hưởng sớm và nặng nhất cho đến thời điểm này.
Xẩm tối, ông Lê Tuấn Anh ở ấp Thanh Tùng, xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) xách phân nửa xô nước, cái áo đầy bụi đất vắt một bên vai, vừa bước vừa lẩm bẩm: "Riết thua con gà, tắm có xô nước mà không cho".
Ông vừa đi làm cỏ mướn về, thấy vợ đang chờ đổi nước nên xin một xô để tắm nhưng vợ ông chỉ cho nửa xô.
Bà Giàu, vợ ông Tuấn Anh, phân trần: "Nước ngọt phải đi mua giá cao mà ngày nào ổng cũng tắm tới hai lần thì tiền đâu chịu nổi. Tiết kiệm vậy mà mỗi tháng đã tốn hơn 400.000 tiền đổi nước cho cả nhà ba người. Để ổng tắm thoải mái nữa thì hết tiền đong gạo".
Bà Giàu nói tháng này nắng, gặp nước mặn nên đất đai trong vùng không trồng trỉa được gì, nghề làm mướn của hai vợ chồng bữa có việc bữa không. Thu nhập mỗi tháng khoảng 3 triệu đồng mà tiền nước và tiền điện mỗi tháng đã tốn gần triệu bạc.
Ông Lê Thành Văn, trưởng ấp Thanh Tùng, cho biết ấp này đã có đường ống nước sạch kéo tới tận nhà dân nhưng do hạn mặn khắc nghiệt nên đã hơn ba tháng nay, toàn tuyến đường ven sông (gần 4km) của ấp bị cắt nước hoàn toàn.
Hạn mặn đã khiến cây cối trong ấp này héo khô, nuôi con heo, con gà cũng không được vì không có nước cho nó uống.
Cuộc sống của người dân mùa hạn mặn đảo lộn, tối ngày họ quanh quẩn chuyện đổi nước, tiết kiệm nước và không có tiền.
Những hộ kha khá còn mua lu, khạp để trữ nước mưa hoặc mua một lần vài khối để dùng, các hộ nghèo và cận nghèo của ấp không có nhiều thùng chứa nên phải xài nhin nhín chờ tới ngày ghe nước vô đổi lần sau.
Người dân xã Biển Bạch cho biết những tháng mùa mưa, nước máy dẫn tới nhà chỉ phải trả 7.000 đồng/m3, mỗi gia đình xài xả láng cũng chỉ trả khoảng 70.000 đồng/tháng là nhiều.
Nhưng vào mùa khô này, cả vùng thiếu nước, ghe chở nước ngọt tới bán, kêu giá nào người dân cũng phải đổi.
Ấp Thanh Tùng có nhóm 16 hộ sống biệt lập ở khu đất nuôi tôm nên các ghe nước không tiện đường đi. Cứ chục ngày, dân trong xóm phải đi rảo các kênh lớn, gặp ghe chở nước thì kéo về xóm để mỗi nhà đổi vài ba khối.
Để tiết kiệm nước ngọt, họ tắm, giặt, rửa chén bằng nước mặn ở vuông tôm rồi tráng sơ qua nước ngọt. Mỗi người chỉ được xài "tiêu chuẩn" một xô nước ngọt một ngày.
"Người lớn còn chịu được, chỉ tội mấy đứa nhỏ tắm nước phèn nước mặn riết nên da đen như tràm cháy, nổi mẩn ngứa khắp mình", một người dân trong xóm nói.
Tình trạng khát nước ngay cạnh những con kênh ăm ắp nước cũng xảy ra ở huyện Trần Văn Thời của Cà Mau. Ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Khánh Bình Tây, có hơn 1,5ha lúa đông xuân đang khô héo vì thiếu nước ngọt.
"Cuối năm, nghe giá lúa vụ này đang tăng cao tôi mừng thầm. Ai dè lúa đang làm đòng thì mặn xâm nhập, hết nước ngọt để bơm vô ruộng, lúa trổ bông không được rồi chết khô giữa đồng. Tôi phải xoay ra làm phụ hồ để có tiền chi phí cho bốn miệng ăn trong nhà", ông kể.
Gần đó, đám ruộng hơn 1ha của gia đình ông Huỳnh Tấn Hội cũng bỏ trống vì không có nước ngọt để tưới. Mỗi năm, gia đình ông Hội trồng xen canh lúa và rau màu nhưng năm nay thu hoạch lúa xong thì gặp nước mặn nên không trồng rau được. Ông Hội tính thu nhập của gia đình ông năm nay bị giảm hơn một nửa do hạn mặn, thiếu nước.
Hỏi chuyện thiếu nước mùa hạn mặn, bà Nguyễn Thị Phượng (51 tuổi, ở Ba Tri, Bến Tre) chỉ tay về dãy ống xi măng bên hông nhà, nói: "Nhìn đây là biết chúng tôi đã sống sót qua bao mùa hạn mặn, thiếu nước ra sao".
Nhà bà Phượng nằm cạnh một con kênh luôn đầy ắp nước nhưng chỉ sử dụng được khoảng sáu tháng mỗi năm, thời gian còn lại nước bị nhiễm mặn, không thể dùng vào bất cứ việc gì.
"Năm 2016, trong đợt hạn mặn lịch sử, gia đình tôi điêu đứng bởi trong nhà không còn giọt nước ngọt nào để dùng. Nước bình "cháy hàng", có tiền cũng không mua được, các xe bồn chở nước ngọt đến bán tận nhà cũng không thể mua nhiều vì không có chỗ chứa", bà Phượng kể lại.
Những mùa khô tiếp theo, bà Phượng chạy tiền mua bồn nước bằng nhựa, rồi cứ mỗi năm cho thợ đến đổ thêm một ống xi măng chứa khoảng 3 khối nước với giá hơn 2 triệu đồng.
Đến nay, các bồn, ống xi măng của nhà bà Phượng có thể chứa tổng cộng hơn 20 khối nước, coi như tạm an tâm để chống chọi qua mùa khô năm nay. "Bồn và ống tốn gần 20 triệu đồng, ngang giá một con bò giống", bà Phượng so sánh.
Gia đình ông Nguyễn Văn Hậu (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) nuôi đàn bò hơn 10 con nên phải xây một bể xi măng 20 khối để trữ nước ngọt bên cạnh mấy chục ống xi măng hứng nước mưa.
Những công trình chứa nước ngốn của gia đình ông Hậu vài chục triệu đồng, nhưng chỉ vừa đủ để gia đình ông và đàn bò vượt qua mùa khô hạn.
Ông Trần Văn Tuấn, chủ tịch UBND xã Biển Bạch (huyện Thới Bình, Cà Mau) xác nhận đã mấy tháng nay hàng trăm hộ dân của xã không có nước máy sử dụng do các trạm cấp bị thiếu nước.
Xã cũng biết người dân phải mua nước của các ghe với giá cao gấp nhiều lần so với giá nước máy nhưng chính quyền "không còn cách nào khác". Địa chất khu vực xã Biển Bạch không thể khoan được giếng để khai thác nước ngầm. Điều này khiến những hộ nghèo sẽ càng khó khăn hơn khi phải tốn rất nhiều tiền mua nước ngọt sinh hoạt.
Ông Vũ cho biết hạn mặn đã khiến nhiều kênh rạch khô cạn dẫn đến sạt lở, sụp lún. Tính đến nay Cà Mau có 131 tuyến kênh với hơn 500 điểm bị sụt lún, sạt lở (đều ở huyện Trần Văn Thời), thiệt hại ban đầu hơn 19 tỉ đồng.
Hầu như tất cả các tuyến kênh mương nội đồng vùng ngọt hóa ở tỉnh Cà Mau đều bị khô cạn, trơ đáy. Thiếu nước ngọt khiến đời sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hưởng nhiều đến đầu tư phát triển kinh tế.
Toàn tỉnh Cà Mau có 247 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có 92 công trình (hơn 37%) cấp nước hoạt động không hiệu quả hoặc dừng hoạt động phần lớn do thiếu nước.
Xem thêm: mth.13323728052304202-iam-av-yan-aux-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-o-nam-coun/nv.ertiout