Hãng tin Reuters (Anh) dẫn nguồn tin quan chức hôm 27/3 cho biết, Israel đã yêu cầu Nhà Trắng lên lịch lại cuộc họp cấp cao về kế hoạch quân sự cho thành phố Rafah ở phía Nam Gaza mà Thủ tướng Benjamin Netanyahu đột ngột hủy bỏ trước đó. Đây được đánh giá là động thái nhằm giảm căng thẳng giữa hai đồng minh.
Ông Netanyahu đã hủy chuyến thăm dự kiến tới Washington của phái đoàn cấp cao Israel sau khi Mỹ cho phép thông qua nghị quyết ngừng bắn ở Gaza của Liên hợp quốc hôm 25/3 - đánh dấu mức thấp mới trong mối quan hệ giữa Thủ tướng Israel và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Vào ngày 25/3, Mỹ đã bỏ phiếu trắng, trong khi 14 thành viên còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết ngừng bắn ở Gaza, trong đó cũng kêu gọi trả tự do vô điều kiện cho các con tin Israel còn lại và nêu bật "nhu cầu cấp thiết phải mở rộng dòng viện trợ" vào Gaza.
Đây là lần đầu tiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua được nghị quyết này kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng phát.
Việc đình chỉ cuộc họp của Mỹ - Israel trong tuần này đã gây ra trở ngại mới cho nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy ông Netanyahu xem xét các giải pháp thay thế cho kế hoạch tấn công vào Rafah - nơi trú ẩn cuối cùng của dân thường Palestine.
Hôm 27/3, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên: "Văn phòng Thủ tướng (Israel) đã đồng ý lên lịch lại cuộc họp bàn riêng về Rafah. Vì thế chúng tôi đang làm việc với họ để ấn định ngày".
Nguồn tin quan chức Israel ở Washington xác nhận rằng một cuộc họp mới đang được sắp xếp và ông Netanyahu đang xem xét cử phái đoàn của mình tới Washington sớm nhất vào tuần tới.
Reuters cho biết, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ tập trung vào kế hoạch tấn công của Israel vào Rafah - nơi có hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn.
Israel khiến Nhà Trắng bối rối
Tổng thống Biden đang phải đối mặt với áp lực không chỉ từ các đồng minh của Mỹ, mà còn từ các thành viên Đảng Dân chủ, yêu cầu kiềm chế phản ứng quân sự của Israel ở Gaza.
Quyết định bỏ phiếu trắng của Mỹ tại Liên hợp quốc diễn ra sau nhiều tháng Washington tuân thủ chính sách bảo vệ Israel. Động thái này được cho là thể hiện sự thất vọng ngày càng tăng của Mỹ đối với nhà lãnh đạo Israel.
Ông Netanyahu sau đó đã đưa ra lời chỉ trích gay gắt đối với Mỹ, gọi động thái của Washington là "sự rút lui rõ ràng" khỏi lập trường trước đó và sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực quân sự, cũng như các cuộc đàm phán của Israel nhằm giải thoát hơn 130 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza.
Các quan chức Mỹ vào thời điểm đó cho biết, chính quyền ông Biden đã cảm thấy bối rối trước phản ứng của Thủ tướng Netanyahu và coi đây là một phản ứng thái quá, đồng thời nhấn mạnh rằng Mỹ không có thay đổi nào trong chính sách của mình.