Tốc độ tăng GRDP ở mức âm
Ngày 28/1, theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm, nhịp độ tăng trưởng kinh tế của thành phố có xu hướng chậm lại do một số ngành chiếm tỷ trọng lớn vẫn tiếp tục đối mặt với khó khăn: sản xuất công nghiệp chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường bất động sản trầm lắng; lĩnh vực đầu tư và xây dựng chưa có nhiều điểm sáng...
Tuy nhiên, tiêu dùng trong dân ổn định, lĩnh vực du lịch tăng trưởng khá tích cực, đây chính là trụ đỡ chính giúp kinh tế của Đà Nẵng đứng vững trong quý I năm 2024.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I năm 2024 ước đạt 99,17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng nhẹ ở mức 0,14%, đây cũng là khu vực đóng góp chính cho tăng trưởng chung của thành phố; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng âm (-3,55%) và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 3,06% so với cùng kỳ năm 2023.
Với kết quả trên, quý I năm 2024, thành phố Đà Nẵng là một trong 6 địa phương của cả nước có tốc độ tăng GRDP ở mức âm. Xét trong khối các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng và Quảng Nam là 2 địa phương có quy mô GRDP (theo giá so sánh) đạt thấp hơn cùng kỳ.
Quy mô nền kinh tế quý I năm 2024 (giá hiện hành) ước đạt hơn 33.344 tỷ đồng, mở rộng 1.750 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực dịch vụ tăng thêm 1.759 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản gần 12 tỷ đồng; riêng khu vực công nghiệp và xây dựng thu hẹp quy mô 135 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục giảm tỷ trọng từ 1,53% trong quý I năm 2023 xuống còn 1,49% trong quý I năm 2024; khu vực công nghiệp và xây dựng cũng có xu hướng tương tự, từ 17,83% xuống còn 16,49%; ngược lại, khu vực dịch vụ tiếp tục được mở rộng từ 70,21% lên 71,80%; thuế sản phẩm từ 10,42% xuống còn 10,22%. Như vậy, cơ cấu nền kinh tế quý I tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ và thu hẹp các khu vực còn lại.
Lĩnh vực du lịch tăng trưởng khá tích cực
Cũng theo ông Vũ, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 3/2024 ước đạt 2.174 tỷ đồng tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 893,6 tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ ăn uống ước đạt 1.281 tỷ đồng, tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung quý I năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống ước đạt 6.401 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu lưu trú quý I ước đạt 2,572 tỷ đồng tăng 37,6%; doanh thu ăn uống ước đạt 3.829 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Số lượt khách phục vụ tại các cơ sở lưu trú trong tháng 3 năm 2024 ước đạt 672,5 nghìn lượt, tăng 5,6% so với tháng trước và tăng 16,0% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I năm 2024, tổng lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1.885 nghìn lượt, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 636 nghìn lượt, tăng 21,6%; khách trong nước đạt 1.249 nghìn lượt, tăng 24,3% so với cùng kỳ.
Số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm quý I ước đạt 1,31 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 1,68 ngày/lượt, khách trong nước là 1,06 ngày/lượt.
Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành tháng 3/2024 ước đạt 409 tỷ đồng, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 40,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung quý I/2024, doanh thu ước đạt 1.200 tỷ đồng tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Số lượt khách du lịch theo tour do cơ sở lữ hành phục vụ trong tháng 3/2024 ước đạt 79 nghìn lượt, tăng 2,9% so với tháng trước và giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước.
“Tính chung quý I/2024, khách do cơ sở lữ hành phục vụ ước đạt 235 nghìn lượt, tăng 11,2%; trong đó, khách quốc tế tăng 70,7% và khách trong nước giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước”, vị Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng thông tin.