Trước đó, sau vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng lên 8,8 tỉ đồng, Eximbank đã có thông báo triển khai xuống hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch liên quan đến các khoản phí dịch vụ.
Theo đó, với những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng, ngân hàng sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản. Trong khi đó, theo các chuyên gia ngân hàng, nên có quy định "cứng" về quy trình xử lý thẻ ngưng sử dụng nhiều năm.
Đủ kiểu "khóc cười" chuyện thẻ
Sau vụ nợ thẻ 8,5 triệu đồng bỗng lên 8,8 tỉ đồng được dư luận phản ánh, anh Thành (TP.HCM) kiểm tra và bất ngờ phát hiện đang nợ hai ngân hàng gần 5 triệu đồng. Trong đó, một ngân hàng thu phí quản lý từ 2005 tới nay tầm 4 triệu đồng và một tài khoản tại ngân hàng khác âm 780.000 đồng. "Ngân hàng yêu cầu phải nộp đủ tiền mới xóa tài khoản được", anh Thành nói.
Tương tự, anh L.B. (TP.HCM) cho biết đã mở tài khoản của ngân hàng Đông Á nhưng tám năm rồi không dùng. Khi ra kiểm tra mới đây, anh được ngân hàng báo nợ 250.000 đồng! "Lẽ ra các ngân hàng nên xóa các tài khoản thẻ không hoạt động trong một thời gian nhất định, thay vì cứ để đó rồi đòi thu phí", anh B. bức xúc.
Sau khi vụ nợ thẻ 8,5 triệu lên 8,8 tỉ đồng, anh Vĩnh Hưng (TP.HCM) chạy lên ngân hàng để hủy thẻ ATM. Sau khi nộp 50.000 đồng để hủy thẻ theo yêu cầu, anh Hưng đề nghị ngân hàng xác nhận bằng văn bản nhưng bị từ chối, chỉ xác nhận bằng miệng thôi nên anh khá lo lắng.
"Không biết tài khoản đã xóa thực chưa, sau này có bị kêu lên nộp phí duy trì thẻ hay không", anh Vĩnh Hưng lo lắng.
Trong thực tế, nhiều công ty bắt buộc nhân viên mới làm thẻ ATM với ngân hàng nơi công ty này giao dịch. Do đó, khi chuyển công ty khác, người lao động thường bỏ thẻ ATM cũ, dùng tài khoản mới ngân hàng khác. Điều này dẫn đến chuyện dở khóc dở cười mà nhiều người lao động lâm cảnh nợ ngân hàng, dù chẳng còn sử dụng dịch vụ.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đa số khoản nợ khách hàng mắc đến từ phí duy trì tài khoản. Sau một thời gian không phát sinh giao dịch, tùy từng ngân hàng khoảng 6-12 tháng, sẽ thu thêm phí duy trì tài khoản. Do không để ý chính sách này, nhiều khách hàng sẽ thấy "biến mất" số dư hoặc âm tài khoản lên đến tiền triệu sau thời gian dài ngừng sử dụng.
Trong khi đó, với thẻ tín dụng, người dùng sẽ phải trả phí thường niên - loại phí hằng năm để duy trì thẻ. Loại phí này ở mỗi ngân hàng khác nhau, dao động từ 120.000-500.000 đồng/năm, trừ một số nơi tung chính sách miễn phí để "chạy" KPI.
Các ngân hàng phải rà soát lại quy trình
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một ngân hàng cho biết với những trường hợp thẻ mà người dùng không sử dụng trong một thời gian dài, ngân hàng vẫn thường xuyên tương tác với khách hàng, qua các kênh như: SMS, email, noti app... để đảm bảo khách hàng cập nhật được chính sách phí đối với chủ thẻ.
Với những thẻ tín dụng đã phát hành nhưng chưa kích hoạt, chưa sử dụng, ngân hàng sẽ không thu bất cứ loại phí nào. Với những thẻ đã kích hoạt nhưng chưa sử dụng, có thể phát sinh hoặc được miễn phí thường niên, tùy vào chính sách loại sản phẩm khách hàng dùng.
"Chính sách phí từng thời kỳ đều được thông báo, tư vấn trước trong quá trình đăng ký mở thẻ và trong quá trình khách hàng sử dụng thẻ", vị này cho hay.
Trong khi đó, một lãnh đạo TPBank cho biết theo chính sách và điều khoản của ngân hàng, nếu thẻ chỉ tạm khóa, phí thường niên vẫn còn. Khi khách hàng tất toán, yêu cầu hủy thẻ, sẽ không còn phí thường niên. Với các thẻ lâu không phát sinh giao dịch, ngân hàng thực hiện email/SMS và gọi điện để trao đổi tới khách hàng.
"Trước và sau khi có công văn của Ngân hàng Nhà nước, TPBank đều niêm yết công khai biểu phí và các loại phí liên quan đến thẻ được thể hiện trong điều khoản sử dụng thẻ. Các biểu phí thường xuyên được cập nhật qua email/sao kê gửi khách hàng. Phí nếu có sẽ được thể hiện chi tiết trên sao kê/sổ phụ của khách hàng", đại diện ngân hàng này nói.
Theo ông Trần Nhật Nam - chuyên gia tài chính ngân hàng, đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có quy định chung về việc tài khoản ngừng bao lâu, ngân hàng thương mại sẽ phải đóng tài khoản đó (tài khoản rác). Do vậy, có những ngân hàng áp dụng chính sách "treo" tài khoản thẻ, không thu phí nếu tài khoản đó sau hơn 12 tháng không phát sinh bất kỳ giao dịch nào.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng vẫn "âm thầm" duy trì thẻ và thu phí, thể hiện sự "thiếu chuyên nghiệp" và không sòng phẳng.
Cũng theo ông Nam, thẻ ATM không phải là tài khoản nợ, do vậy không thể có số dư âm. Sau khi hết số dư tối thiểu (thông thường khoảng 50.000 đồng), ngân hàng vẫn tiếp tục trừ tiền là không hợp lý. "Ngân hàng Nhà nước nên có quy định chung về thời hạn đóng tài khoản hoặc tạm "treo" tài khoản ngừng sử dụng, tránh phát sinh chi phí cho người dùng", ông Nam đề xuất.
Cần chủ động hủy thẻ, đóng tài khoản nếu không sử dụng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khách hàng nên chủ động đóng cả thẻ và tài khoản khi không sử dụng để tránh phát sinh chi phí.
"Cần lưu ý, nếu chỉ đóng thẻ mà không đóng tài khoản, cũng dễ bị tính phí quản lý hoặc duy trì", một chuyên gia cảnh báo. Cũng theo vị này, không hệ thống nào có thể giúp mọi người biết mình đang có bao nhiêu tài khoản ở bao nhiêu ngân hàng. Do vậy, mỗi người nên tự rà soát, gọi tổng đài hoặc đến phòng giao dịch để kiểm tra và làm thủ tục.
Năm 2023, thiệt hại do vi rút máy tính gây ra đối với người dùng Việt Nam là khoảng 17.300 tỉ đồng (tương đương 716 triệu USD).