Nhưng khi lứa này chững lại, bóng đá Việt Nam bắt đầu tụt dốc.
Hệ quả đáng buồn đó phần nào đến từ công tác đào tạo trẻ khi không thể giới thiệu thêm những tài năng mới. Nhưng ngay cả khi đào tạo ra được tài năng, họ cũng không có nhiều cơ hội ra sân ở V-League để có thể thăng tiến về chuyên môn lẫn kinh nghiệm thi đấu.
Quá ít lò đào tạo chất lượng
So với trước đây, các CLB đã chú trọng đào tạo trẻ nhiều hơn. Các trung tâm hay học viện tư nhân cũng được mở ra nhiều hơn. Nhưng chất lượng đào tạo vẫn là một vấn đề lớn.
Với cơ ngơi hiện đại, PVF là trung tâm đào tạo bóng đá được LĐBĐ châu Á (AFC) cấp giấy chứng nhận 3 sao, mức cao nhất trong thang điểm đánh giá chất lượng của hệ thống đào tạo bóng đá trẻ tại châu Á. Nhưng bao năm qua, tài năng mà PVF đào tạo nên lại không nhiều. Nổi bật nhất đến giờ vẫn chỉ là Hà Đức Chinh, hay gần nhất là trung vệ Lê Ngọc Bảo. Việc chuyển đổi chủ sở hữu liên tục ở PVF cũng khiến chất lượng đào tạo tại đây ảnh hưởng không ít.
HLV Philippe Troussier từng làm giám đốc kỹ thuật ở Trung tâm PVF giai đoạn 2018-2021. Nhưng ông cũng không thể kiến tạo nên một thế hệ cầu thủ xuất sắc như mong muốn. Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG từng đào tạo nên khóa I và II xuất sắc như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh...
Nhưng sau khi bỏ tên Arsenal rồi JMG khỏi tên của học viện vì không còn kinh phí, những lứa sau không thể chen chân vào đội tuyển U23 hay đội tuyển quốc gia. Đó cũng là lý do việc sa sút của CLB Hoàng Anh Gia Lai ở V-League 2023-2024 hiện tại, khi phải vất vả đua trụ hạng.
Học viện Nutifood - JMG ra đời vào năm 2015. Nhưng lứa đầu tiên tốt nghiệp vào năm 2022 cũng chỉ có ba cái tên đáng chú ý. Trong đó, nổi bật nhất là tiền đạo Nguyễn Quốc Việt, chân sút từng được HLV Philippe Troussier triệu tập vào U23 Việt Nam tham dự SEA Games 32. Học viện Juventus Việt Nam ra đời năm 2018 cũng mang đến nhiều hy vọng cho bóng đá miền Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.
Nhưng đến giờ, học viện đã đổi tên, giáo án đào tạo không còn theo CLB Ý nữa. Những cầu thủ trẻ lứa đầu tiên cũng không có mấy cái tên được nhiều người biết đến.
Thực trạng đáng buồn
Ở V-League hiện tại, 3 CLB vẫn giữ được chất lượng đào tạo trẻ tốt là Hà Nội, Thể Công - Viettel và Sông Lam Nghệ An. Nhưng với 14 CLB đang thi đấu ở CLB V-League, con số này là quá ít.
Các CLB còn lại ở V-League đều có chất lượng đào tạo trẻ chỉ ở mức trung bình. Dù có chương trình liên kết với CLB Lyon (Pháp) đào tạo cầu thủ trẻ từ năm 2016, nhưng đến giờ bóng đá TP.HCM vẫn chưa hề có dấu hiệu khởi sắc khi chỉ có 3 cầu thủ từng vài lần khoác áo U16 và U17 Việt Nam. Lứa đầu tiên của chương trình hợp tác với CLB Lyon đa phần đang thi đấu cho đội trẻ TP.HCM ở Giải hạng nhì 2024. Nhưng kỳ vọng vào họ là không nhiều.
Thi đấu lâu năm ở V-League, nhưng CLB Hải Phòng đến giờ không hề có các tuyến trẻ theo như quy định của LĐBĐ VN (VFF) lẫn LĐBĐ châu Á (AFC). Kết quả là năm nào VFF cũng phải cấp phép ngoại lệ cho CLB Hải Phòng đủ điều kiện thi đấu ở V-League. Một CLB chuyên nghiệp mà không có một tuyến trẻ nào thì làm sao giúp bóng đá Việt Nam có thêm những tài năng mới.
Quan trọng hơn, việc mua bán suất thi đấu các giải vẫn còn tồn tại cũng khiến bóng đá Việt Nam không thể chăm chút cho đào tạo trẻ và hy vọng gì vào sự phát triển cho tương lai. Mới nhất, CLB Bắc Ninh có doanh nghiệp lớn tài trợ đã lấy suất tham dự Giải hạng nhì 2024 của CLB Gia Định. Họ mua về một loạt cầu thủ chất lượng để có thể giành quyền lên hạng nhất mùa tới.
Đi tắt - ngắt ngọn, đào tạo trẻ tại đây là con số 0 thay vì thi đấu ở Giải hạng ba và thăng hạng từ cầu thủ do mình đào tạo. Không chỉ CLB Bắc Ninh, Đại học Văn Hiến (lấy suất của Quảng Nam) và Tây Nguyên Gia Lai (lấy suất của Gamma Vĩnh Phúc) cũng làm điều tương tự ở Giải hạng nhì 2024.
Quan trọng hơn, có cơ sở vật chất để đào tạo trẻ là câu chuyện không dễ. Ngay 3 CLB Công An Hà Nội, Thể Công - Viettel và Hà Nội còn phải chen nhau thi đấu trên sân Hàng Đẫy. CLB có tiềm lực tài chính khiêm tốn hơn thì còn khó khăn nhiều như thế nào.
Thiếu thầy giỏi
Không chỉ sân bãi, ngay lực lượng HLV đào tạo cầu thủ trẻ ở nhiều CLB hay địa phương cũng yếu khi đa số là cựu cầu thủ ít tên tuổi hoặc tốt nghiệp bóng đá ở Trường đại học TDTT. Điều này là do chế độ đãi ngộ kém, khó thu hút người tài.
Không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi. Đó là một thực tế. Chưa kể giáo án huấn luyện nhiều nơi đã quá lạc hậu so với bóng đá thế giới, chỉ làm theo kinh nghiệm là chủ yếu. Đào tạo như thế, có được các tài năng chỉ trông chờ vào may mắn.
Đào tạo ra cầu thủ giỏi là chuyện không dễ với điều kiện còn nhiều hạn chế ở bóng đá Việt Nam. Sau đó, các cầu thủ trẻ cũng không có nhiều giải đấu trẻ để cọ xát và tiến bộ. Đó là lý do U19 Việt Nam từng thắng U19 Úc 5-1 với lứa Công Phượng.
Nhưng ở cấp độ đội tuyển quốc gia, hòa tuyển Úc chỉ là giấc mơ. Điều này do các cầu thủ trẻ Úc sau đó được thi đấu rất nhiều, còn cầu thủ trẻ Việt Nam thì không.
Vì vậy, để thay đổi thực trạng đáng buồn kể trên, bóng đá Việt Nam phải quyết liệt thay đổi trong việc đào tạo cầu thủ trẻ.
Sẽ khó đạt mục tiêu nếu đào tạo trẻ không tốt
Khi nói về giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang Seo từng chia sẻ: "Khi chúng ta muốn làm gì thì cần phải xem kế hoạch ấy có hệ thống rõ ràng chưa. Lúc này, bóng đá Việt Nam cần xem những cầu thủ mới, được đầu tư hay chưa và được đầu tư như thế nào.
Nếu không có hệ thống tốt thì kế hoạch chỉ là mong ước thôi bởi chúng ta không thể biến nó trở thành hiện thực. Bóng đá Việt Nam cần xem lại hệ thống đào tạo trẻ có đạt chuẩn hay không. Chúng ta chỉ đạt mục tiêu đề ra khi hệ thống này ổn định".
Khi dẫn dắt U19 Việt Nam, HLV Troussier từng đưa ra một góc nhìn khác về sự yếu kém trong đào tạo trẻ: "Việc bóng đá trẻ Việt Nam đặt nặng thành tích thì không thể toàn tâm toàn ý đào tạo, phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến thuật của các cầu thủ trẻ trên nhiều vị trí".
Thất bại của đội tuyển dưới thời HLV Philippe Troussier khiến bóng đá Việt Nam không chỉ tan giấc mơ dự World Cup mà còn để lại những hệ quả xấu. Nhưng làm gì để lấy lại vị thế của bóng đá Việt Nam mới là điều phải quyết liệt tính đến.