Bài toán giá tour ở Việt Nam thiếu sự liên kết ngay trong ngành du lịch, nói chi các ngành liên quan bởi kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng vẫn cứ "mạnh ai nấy làm".
Gần đây, việc vé máy bay tăng giá dấy lên nhiều tranh luận. Có ý kiến cho rằng vé máy bay là nguyên nhân đẩy giá tour du lịch lên cao. Điều này đúng không? Bài viết này, tôi có đôi điều trao đổi về việc này.
Giá tour du lịch bao gồm các dịch vụ: vận chuyển, lưu trú, ăn uống, tham quan, hoạt động (gala, huấn luyện, team building...), phí tổ chức (bảo hiểm, quà tặng, hướng dẫn viên, thuế, tiền lời...). Trong đó quan trọng nhất là vận chuyển.
Nếu không có dịch vụ vận chuyển, không thể tổ chức tour. Vận chuyển bao gồm vé máy bay, xe lửa, ô tô, tàu thuyền chiếm chi phí lớn nhất nhưng không thể chiếm tới 60 - 70% giá tour.
Tỉ lệ này còn tùy thuộc vào số ngày của chuyến đi, số lượng khách, thời điểm và chất lượng các dịch vụ như lưu trú, ăn uống, tham quan... Vé máy bay chỉ có thể chiếm 60 - 70% với các chuyến đi từ 1 - 2 ngày, kiểu đi họp, hội nghị, giải quyết công việc khẩn cấp.
Nếu tour nội địa từ 4 ngày trở lên, xa nhất là bay đi từ cực Bắc tới TP.HCM hoặc Hà Nội bay đi cực Nam, trừ cao điểm Tết Nguyên đán, chưa bao giờ vé máy bay chiếm tới 40% giá tour. Thông thường, các tour từ 6 - 7 ngày, giá vé máy bay tối đa chiếm khoảng 30% giá tour.
Tour đi Nhật, UAE 5 ngày, vé máy bay luôn dưới 1/3 giá tour. Tour châu Âu, Mỹ cũng vậy. Các tour thương mại đi Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc... được trợ giá từ các dịch vụ mua sắm, giá tour sẽ rẻ hơn, đặc biệt tour Thái Lan.
Có thời điểm khách Trung Quốc đến Thái, các công ty Trung Quốc còn được trả mỗi khách 50 USD.
Tour du lịch Thái Lan cực rẻ không phải vì vé máy bay rẻ mà vì các điểm mua sắm, giải trí liên kết miễn phí ô tô vận chuyển, giảm sâu dịch vụ lưu trú, ăn uống, thuế... và đưa vào giá tour.
Khoảng cách TP.HCM bay đến Thái Lan cũng quá gần, chỉ bằng TP.HCM - Đà Nẵng. Dân số Thái Lan chỉ bằng 2/3 Việt Nam nhưng Thái Lan hiện có 15 hãng hàng không. Việt Nam chỉ có 4 hãng (thực chất chỉ 2 hãng chính).
Nhiều tour đi Asean rẻ hơn tour trong nước là có thật nhưng không phải vì vé máy bay mà vì sự liên kết hỗ trợ nhau của ngành du lịch sở tại và các ngành liên quan. Muốn có giá tốt nhất, các công ty lữ hành phải mua sỉ, hàng mấy trăm suất trở lên, trả trước một phần các dịch vụ chứ không riêng gì vé máy bay. Bán không hết là ôm sô, lỗ sấp mặt.
Bài toán giá tour ở Việt Nam thiếu sự liên kết ngay trong ngành du lịch, nói chi các ngành liên quan bởi kinh tế Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng vẫn cứ "mạnh ai nấy làm".
Cũng cần phân biệt giá tour (tính bằng tiền) và giá trị tour (nội dung trải nghiệm và chất lượng dịch vụ). Khổ nỗi, giá tour nhìn là biết, giá trị tour thường sử dụng xong mới biết.
Khách hàng thông minh luôn xem xét kỹ dịch vụ, ràng buộc hợp đồng chi tiết, chọn thương hiệu, tham khảo ý kiến người đã sử dụng, so sánh giữa các đơn vị, chính sách khuyến mại thiết thực... Không có tour chất lượng mà giá rẻ, chỉ có giá hợp lý vì "tiền nào của đó".
Sắp vào cao điểm du lịch hè. Không loại trừ khả năng có công ty lập lờ dịch vụ, đẩy giá cao ngất. Phải "chọn mặt mua tour" để có những chuyến du lịch trải nghiệm như ý. Đừng đổ hết cho giá vé máy bay.
Trước tình hình giá vé máy bay tăng và khan hiếm máy bay ngay trong cao điểm đi lại, các doanh nghiệp du lịch được khuyến khích giới thiệu những đường tour mới, giảm phụ thuộc tour đường hàng không.