Trước đó, cổng đăng ký của đợt thi đã nhận đủ số lượng đăng ký chỉ sau 7 ngày với gần 3.500 thí sinh đăng ký sáu bài thi.
Dùng máy quét an ninh kiểm tra thí sinh đánh giá năng lực
Năm nay an ninh kỳ thi được thắt chặt. Trước khi vào khu vực phòng thi, tất cả thí sinh đều được kiểm tra bằng máy quét an ninh để đảm bảo các em không mang theo điện thoại, thiết bị điện tử. Có thí sinh phải cởi giày để kiểm tra trước khi vào phòng thi.
Theo quy định, thí sinh chỉ mang theo giấy tờ tùy thân và máy tính cầm tay. Thí sinh được phổ biến quy chế, hướng dẫn trả lời trên máy tính trước khi làm bài và sẽ được phát giấy nháp, bút viết trong phòng thi, nộp lại khi rời khỏi phòng.
Kỳ thi này thí sinh làm bài trên máy tính nhưng vẫn có nội dung tự luận.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Buổi thi đầu tiên sáng nay có 655/700 thí sinh dự thi môn toán (tỉ lệ 93,57%). Hầu hết thí sinh đến sớm. Công tác thi ổn, kỹ thuật máy tính được đảm bảo tốt. Thí sinh làm bài thi môn toán đến 9h30 sẽ kết thúc. Buổi chiều thi bài thi tiếng Anh".
Công bố kết quả thi đợt 1 từ ngày 15 đến 20-4
Đợt 1 kỳ thi năm nay có 3.420 thí sinh đăng ký dự thi ở sáu môn thi. Sáu bài thi đợt 1 gồm toán học (diễn ra sáng 29 và 31-3), hóa học (chiều 29-3), vật lý (chiều 30-3), sinh học (sáng 30-3), ngữ văn (sáng 30-3) và tiếng Anh (chiều 29, 30-3 và sáng 31-3).
Bài thi đánh giá năng lực toán học, vật lý, hóa học, sinh học gồm 35 câu trắc nghiệm khách quan và 15 câu hỏi ở dạng trả lời ngắn với thời gian làm bài 90 phút. Bài thi đánh giá năng lực môn ngữ văn gồm 20 câu trắc nghiệm khách quan và 1 bài viết luận chủ đề nghị luận xã hội với thời gian làm bài 90 phút.
Với môn tiếng Anh, thí sinh sẽ có 180 phút làm bài. Bài thi sử dụng dạng thức đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
Các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỉ lệ khoảng 70-80%.
Kết quả bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt được sử dụng trong phương thức xét tuyển kết hợp với kết quả học tập THPT và chiếm tối đa 30% chỉ tiêu của từng ngành.
Điểm xét tuyển được xác định là tổng điểm bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt (môn chính) được nhân hệ số 2, cộng với điểm hai môn còn lại trong tổ hợp là điểm trung bình môn trong 6 học kỳ ở THPT.
Tổng điểm được quy đổi về thang điểm 30 và cộng điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được làm tròn đến hai chữ số thập phân.
Bên cạnh đó, kết quả thi đánh giá năng lực chuyên biệt được bảo lưu để xét tuyển trong vòng 2 năm.
Đặc biệt, năm nay nhà trường đã tối giản hóa cách thức đăng ký để tạo sự dễ dàng cho các thí sinh đăng ký tham gia. Thí sinh chỉ cần nhập đầy đủ các thông tin cá nhân là có thể tạo được tài khoản đăng ký dự thi.
Thí sinh đã đăng ký dự thi thành công có thể nhận giấy báo dự thi bằng cách đăng nhập tài khoản của mình để biết địa điểm thi cụ thể, ngày giờ, phòng thi.
Kết quả của đợt 1 sẽ được công bố sau 2-3 tuần, tức ngày 15 đến 20-4.
Tiếp tục nhận đăng ký dự thi các đợt tiếp theo từ ngày 1-4
Từ ngày 1-4, kỳ thi sẽ tiếp tục nhận thí sinh đăng ký dự thi các đợt thi tiếp theo tại Gia Lai (4, 5-5), Long An (11, 12-5), Đà Nẵng (17, 18-5) và ngày 7-4 cho đợt thi tại TP.HCM (diễn ra ngày 21, 22, 23-5).
Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký một hoặc nhiều bài thi trong số các bài thi kể trên và tham gia dự thi 1 hoặc cả 5 đợt để tăng cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh muốn tìm hiểu thêm thông tin về kỳ thi cũng như đăng ký dự thi trực tuyến truy cập website https://dgnl.hcmue.edu.vn/. Các thông tin về cấu trúc đề thi, đề thi mẫu, hướng dẫn đăng ký thi và tin tức mới nhất về kỳ thi sẽ được cập nhật thường xuyên.
Kết thúc đăng ký dự thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đợt 1 năm 2024, có hơn 96.000 thí sinh đăng ký, nhiều hơn 8.000 thí sinh so với năm 2023.