1 vốn, hơn 4 lời
Cuối tháng 3/2024, vườn sầu riêng Ri6 của bà Lý Thị Thu Thủy - ở xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - bắt đầu chín, thương lái đặt cọc mua với giá 130.000 đồng/kg loại 1, cao hơn nhiều so với năm ngoái (83.000 đồng/kg). Vườn bà Thủy rộng 1,5ha, cho sản lượng hơn 35 tấn trái, doanh thu 4,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Văn Nhường - ở cùng xã - trồng 6 công sầu riêng Ri6, thu được 10 tấn trái, bán cho thương lái với giá bình quân 120.000 đồng/kg, tổng thu 1,2 tỉ đồng.
Nông dân huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang chăm sóc vườn sầu riêng |
Đưa chúng tôi đi xem khu vườn sầu riêng rộng hàng chục héc ta đang dày đặc trái trên cành, ông Trần Văn Chiến - Giám đốc Hợp tác xã Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long - cho hay, từ trước tết Giáp Thìn, giá sầu riêng đã lên rất cao và duy trì đến nay. Hiện tại, thương lái thu mua sầu riêng Ri6 với giá 120.000-130.000 đồng/kg, sầu riêng Thái 180.000-210.000 đồng/kg phục vụ xuất khẩu. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Ông nói: “Chi phí đầu tư cho sầu riêng khoảng 15.000-20.000 đồng/kg nên với giá bán này, người trồng sầu riêng trúng đậm, khó có cây nào sánh bằng”.
Ông cho hay, ban giám đốc hợp tác xã vừa tuyên truyền để các xã viên tuân thủ đầy đủ các quy định về canh tác, thu hoạch an toàn, đồng thời đẩy mạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng để nhất trí về thời điểm thu hoạch, sản lượng, tiêu chuẩn, giá cả… để đạt hiệu quả về nhiều mặt, nhất là bảo đảm tính bền vững trong xuất khẩu để đầu ra luôn ổn định.
Tuy giá sầu riêng đang rất cao nhưng mới đây, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được cảnh báo từ Vụ Kiểm dịch động - thực vật thuộc Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc có 30 lô sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc bị nhiễm kim loại nặng cadimi vượt mức cho phép. Cục Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Tiền Giang, Lạng Sơn, Đồng Nai, Đắk Lắk, TP Hà Nội cùng các doanh nghiệp xuất khẩu để thông báo về tình trạng trên.
Cục BVTV yêu cầu các cơ quan chuyên môn giám sát các doanh nghiệp vi phạm, khẩn trương truy xuất nguồn gốc các lô hàng bị cảnh báo, thẩm tra nguyên nhân các lô hàng trên bị cảnh báo và biện pháp khắc phục của doanh nghiệp, rà soát điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có lô hàng bị cảnh báo và gửi kết quả kèm hồ sơ liên quan để cục có cơ sở phản hồi cho phía Trung Quốc, tránh việc nước nhập khẩu có các kết luận ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Quản lý chặt từ trồng đến xuất khẩu
Theo Cục BVTV, các lô sầu riêng bị nhiễm kim loại nặng có thể xảy ra trong quá trình canh tác do sử dụng phân bón hoặc đất, nguồn nước tưới bị nhiễm cadimi. Cũng có thể trong quá trình sơ chế, làm sạch sầu riêng sau thu hoạch, các thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu dùng nước rửa nhiễm cadimi hoặc dùng hóa chất có cadimi…
Tháng 7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, trái sầu riêng phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, về kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng phải quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại mà phía Trung Quốc quan tâm, đặc biệt là ruồi đục trái và các loài rệp sáp, bảo đảm không có dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép. Sau đó, Cục BVTV đã tổ chức nhiều đợt tập huấn để các địa phương, nông dân, doanh nghiệp biết và thực hiện các quy định yêu cầu, tiêu chuẩn trên. Dù vậy, các vi phạm vẫn xảy ra.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, phía Trung Quốc từng có vài lần cảnh báo nhưng mức độ nhẹ, riêng lần này nặng hơn. Do đó, phía Việt Nam cần nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và khắc phục nhằm tránh những vụ việc tương tự. Nếu các vi phạm vẫn tiếp diễn, phía Trung Quốc có thể rút mã số xuất khẩu và mã số vùng trồng, sẽ ảnh hưởng đến uy tín sầu riêng Việt Nam.
Ông Võ Tấn Lợi - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Phương Ngọc (tỉnh Tiền Giang) - lo ngại: “Mỗi khi có những lô hàng sầu riêng vi phạm quy định thì các ngành chức năng phía Trung Quốc sẽ kiểm tra việc nhập khẩu nghiêm ngặt hơn. Chỉ cần bị ùn ứ ở các cửa khẩu vài ngày, sầu riêng sẽ chín, nứt trái, gây thiệt hại vô cùng lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu củaViệt Nam”.
Để khắc phục tình trạng vi phạm, Cục BVTV yêu cầu các doanh nghiệp rà soát toàn bộ hồ sơ, quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của doanh nghiệp, tổ chức khắc phục và áp dụng các biện pháp ngăn chặn; ngành quản lý nông nghiệp các địa phương tăng cường quản lý quy trình canh tác, nhất là các nơi được cấp mã số vùng trồng; các hợp tác xã và nông dân cần tuân thủ nghiêm các quy định về sử dụng phân bón, thuốc BVTV nhằm đảm bảo trái sầu riêng đạt chất lượng để xuất khẩu vào Trung Quốc và các thị trường khó tính khác.
Hạn chế việc trồng sầu riêng nhỏ lẻ, tự phát Với hơn 22.000ha sầu riêng, Tiền Giang là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cho biết sẽ tăng cường quản lý chặt từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế đến xuất khẩu. Đến nay, toàn tỉnh được cấp 72 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích khoảng 2.600ha, còn 213 hồ sơ đang chờ phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc kiểm tra, xét cấp mã số. Tỉnh có 66 cơ sở đóng gói được cấp mã số và 39 hồ sơ đang chờ kiểm tra. Để phát triển loài cây ăn trái này, sở sẽ quan tâm hơn đến vấn đề quy hoạch, vùng trồng; khuyến khích nông dân tham gia các hợp tác xã để sản xuất tập trung, bài bản, đầu tư khoa học kỹ thuật, có liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu; hạn chế việc trồng tự phát, nhỏ lẻ. |
Cả nước trồng khoảng 131.000ha sầu riêng Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng sầu riêng cả nước tính đến năm 2023 là khoảng 131.000ha, tăng 20% so với năm 2022, đạt sản lượng 1 triệu tấn trái, xuất khẩu thu về khoảng 2,3 tỉ USD, trong đó xuất sang Trung Quốc hơn 2,03 tỉ USD. Trong các năm tới, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Ngoài việc cạnh tranh với Thái Lan, dự kiến từ tháng 5/2024, Việt Nam sẽ cạnh tranh thêm với Malaysia về xuất khẩu sầu riêng tươi vào thị trường Trung Quốc. Lợi thế của Việt Nam là quãng đường vận chuyển sang Trung Quốc gần và sầu riêng nước ta được rải vụ, cho thu hoạch quanh năm, trong khi các đối thủ cạnh tranh chỉ thu hoạch theo mùa. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang hoàn tất các thủ tục để ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng cấp đông sang Trung Quốc, giúp tăng giá hơn nhiều lần so với xuất khẩu trái tươi. |
Xuất khẩu rau quả tăng mạnh Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 đạt 815,1 triệu USD, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó tăng mạnh nhất vẫn là thị trường Trung Quốc với 501,4 triệu USD, tăng 57,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đáng chú ý, Trung Quốc đã đồng ý mở cửa thêm cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam; đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục và xem xét mở cửa thị trường cho trái bơ, chanh leo. Điều này góp phần thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng tốc trong năm 2024, bởi trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm 61,5% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả. |
Huỳnh Lợi
Xem thêm: lmth.0894151a-hneb-pab-nav-gnuhn-iol-gnaht-gneir-uas/nv.moc.enilnounuhp.www