Ngày 29/3, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cùng Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch, nơi đây được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch của quốc gia, với sản phẩm chủ lực là du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch biển đảo... Tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch, nhưng tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, trong đó có những hạn chế về xây dựng tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù.
Quang cảnh hội thảo về du lịch, vào sáng nay 29/3, tại TP Cần Thơ |
Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, hiện thành phố đang phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của thành phố. Tuy nhiên, ngành du lịch TP Cần Thơ nói riêng và toàn vùng nói chung đang gặp những khó khăn, đó là sản phẩm và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về đặc thù của từng địa phương…
Đảo ngọc Phú Quốc - điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế |
TS Trần Hữu Hiệp - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long - cho hay, năm 2023, du lịch của vùng này có sự phục hồi và phát triển mạnh khi thu hút gần 45 triệu lượt khách, tăng 20,5%, doanh thu đạt hơn 45.700 tỉ đồng, tăng hơn 42,5% so năm 2022. Đến nay, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã công nhận 53 điểm du lịch tiêu biểu, góp phần tạo động lực phát triển du lịch bền vững. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch vùng chưa được đầu tư đúng mức cũng như khai thác có hiệu quả nhất.
TS Trần Hữu Hiệp đưa ra nhiều giải pháp phát triển du lịch của vùng trong thời gian tới |
TS Trần Hữu Hiệp đề xuất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng UBND các tỉnh, thành ở đồng bằng sông Cửu Long và các ngành liên quan cần hỗ trợ xây dựng tour, tuyến, điểm du lịch tiêu biểu và sản phẩm du lịch đặc thù cấp vùng.
Xây dựng chính sách điều phối liên kết vùng phát triển du lịch; nghiên cứu thành lập Ban điều phối phát triển du lịch của vùng; xây dựng kế hoạch hành động với lộ trình và bước đi, đặc biệt là những vấn đề cần ưu tiên thực hiện đến năm 2030.
Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long, trên cơ sở gắn bó lợi ích thiết thực của các chủ thể liên quan (tổ chức, doanh nghiệp, người dân…) với lợi ích chung của ngành. Việc liên kết không gian du lịch và tích hợp sản phẩm du lịch đặc thù vùng, cùng với phát triển hạ tầng, nhân lực du lịch… sẽ là các trụ cột của ngành “công nghiệp không khói” giúp du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ |
Bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ - đề xuất xây dựng khu trung tâm văn hóa ẩm thực bởi hầu hết khách du lịch khi đến miền Tây thì việc tìm hiểu ẩm thực là nhu cầu không thể bỏ qua. Ở miền Tây, ẩm thực chính là sự kết tinh văn hóa của cả một vùng miền, nên khách du lịch không những muốn thưởng thức mà còn muốn học hỏi, muốn nghiên cứu, tìm hiểu.
Việc hình thành một trung tâm văn hóa ẩm thực miền Tây không chỉ góp phần làm mới thêm sản phẩm du lịch cho cả vùng, mà còn là giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng, từ các món ăn mặn như, lẩu mắm, lẩu chua, cá kho, gỏi các loại bông… đến các món bánh dân gian như bánh bò, bánh đúc, chuối… Những món ẩm thực này là sự giao thoa văn hóa giữa vùng miền, giữa các nước lân cận, sẽ là những trải nghiệm thu hút khách du lịch.
Huỳnh Trọng
Xem thêm: lmth.9105151a-gnov-yk-uhn-a-uhc-neirt-tahp-od-cot-lcsbd-hcil-ud/nv.moc.enilnounuhp.www