Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình giá tháng 3 và quý I/2024. Hiện CPI tháng 3 giảm 0,23%, trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ có 7 nhóm giảm giá, 4 nhóm tăng giá.
Do nhu cầu tiêu dùng của người dân sau tết giảm nên nhóm hàng ăn uống và dịch vụ giảm. Trong đó, giá nhóm rau củ tươi, chế biến giảm sâu nhất với hơn 2,6%. Giá thịt heo giảm hơn 2,1%, giá thủy hải sản tươi sống giảm hơn 1,6%, thịt bò giảm 1,3%, thịt gia cầm giảm 1,7%. Các nhóm khác như ăn uống ngoài gia đình, giáo dục, giao thông, văn hóa giải trí, du lịch… đều giảm.
Nhóm tăng giá là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (tăng 0,29%), giá điện sinh hoạt tăng (0,47%), giá nước sinh hoạt tăng (2,1%), giá gas tăng 0,49% do điều chỉnh tỉ giá USD/VND. Các nhóm thuốc, dịch vụ y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình, hàng hóa đều tăng nhẹ.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3/2024 tăng 3,97%. Tính chung CPI cả quý I/2024 tăng hơn 3,77% so với cùng kỳ.
Giá gạo trong quý I/2024 tăng hơn 21% so với cùng kỳ - Ảnh: Thanh Hoa |
Chỉ số CPI trong quý I/2024 tăng là do có đến 10 nhóm hàng tăng giá so với cùng kỳ. Trong đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, nhu cầu tiêu dùng gạo trong dịp lễ tết tăng, làm cho giá gạo quý I/2024 tăng tới hơn 21% so với cùng kỳ năm trước. Từ đó kéo theo giá nhóm lương thực tăng cao nhất, tới 16,54%.
Giá các nhóm hàng ăn uống, dịch vụ ăn uống đều tăng trên 4%; thuốc, dịch vụ y tế, hàng hóa dịch vụ khác tăng hơn 6%; thực phẩm tăng gần 2%.
So với cùng kỳ năm trước, giá vàng tăng khá cao, hơn 22,71%. Chỉ số giá đô la Mỹ tăng hơn 4%.
Như vậy, lạm phát trong tháng 3/2024 tăng 0,03% so với tháng trước và tăng 2,76% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả quý I/2024, lạm phát cơ bản bình quân tăng hơn 2,81%. Song do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng hóa được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản nên mức lạm phát vẫn thấp hơn mức CPI bình quân chung.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.8205151a-ehn-maig-3-gnaht-gnud-ueit-aig-os-ihc/nv.moc.enilnounuhp.www