Sáng 29-3, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học góp ý đề án tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 100 của Ban Bí thư (khóa XI) về đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội tại TP.HCM.
Bà Phạm Thu Hà, viện trưởng Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, tham dự. Phía TP.HCM có ông Nguyễn Thọ Truyền, phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cùng lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre.
Phát biểu mở đầu, bà Phạm Thu Hà cho biết việc tổng kết 10 năm thực hiện kết luận 100 là nội dung rất quan trọng, được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa vào nội dung làm việc năm 2024.
Trao đổi về nội dung này, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thọ Truyền cho hay Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thường xuyên yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt coi trọng công tác dư luận xã hội.
Các cấp ủy Đảng chủ động xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, chuyên đề ở cấp mình nhằm tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả của công tác nghiên cứu, nắm bắt dư luận. Qua đó, nhiều nội dung phản ánh và kết quả điều tra dư luận xã hội có tính phản biện cao, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm sử dụng để giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhiều vấn đề, vụ việc.
TP.HCM thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giao ban dư luận xã hội, từ việc tổ chức định kỳ hằng tháng tại một địa điểm đến việc giao ban theo tuần, luân phiên ở các địa phương, đơn vị kết hợp tham quan các công trình kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm nhằm giúp lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội các cấp trực tiếp nhìn nhận, nắm bắt, hỗ trợ hiệu quả công tác định hướng dư luận xã hội.
Qua 10 năm thực hiện, TP đã xuất hiện một số mô hình, cách làm hay, hiệu quả như nhóm giải pháp, mô hình phát huy vai trò, trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của cộng tác viên dư luận xã hội các cấp; nhóm giải pháp, mô hình nâng cao chất lượng các hội nghị giao ban dư luận xã hội…
Dù vậy, ông Truyền nhìn nhận việc triển khai kết luận 100 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đặc biệt với TP lớn trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp mới, tác động sâu sắc đến tư tưởng, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Thông qua tọa đàm, phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM mong muốn tìm ra được giải pháp cho việc nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, điều tra dư luận xã hội.
TP.HCM đứng đầu cả nước trong điều tra, nghiên cứu dư luận xã hội
Trước đó, đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương do Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát kết quả 10 năm thực hiện kết luận số 100 với Thành ủy TP.HCM vào ngày 28-3 vừa qua.
Tại đây, ông Môn đánh giá cao việc thực hiện công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội của TP.HCM trong 10 năm qua. Nhận thức của các cấp ủy, hệ thống chính trị tại TP về công tác này sâu sắc hơn, trách nhiệm, từ đó quán triệt triển khai kết luận liên tục, đạt nhiều kết quả.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước trong điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội với phương pháp điều tra, phương pháp tổng hợp, phương pháp xử lý rất khoa học, khách quan, thực chất, có ứng dụng công nghệ vào vấn đề điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
TT - Ngày 24-4, tại hội thảo về vai trò của điều tra dư luận xã hội trong việc phục vụ hoạt động của Quốc hội (QH), bà Đỗ Thị Thanh Hà (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo trung ương) cho rằng QH cần thành lập cơ quan điều tra dư luận xã hội.