Năm ngoái, thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6 để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số khu công nghiệp thời điểm đó cắt điện có báo trước, với tần suất 1-2 lần một tuần. Gặp Thủ tướng hôm 19/3, một số đại diện doanh nghiệp nước ngoài gọi sự cố này là nghiêm trọng và đề nghị Chính phủ có phương án đảm bảo nguồn điện.
Tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 29/3, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói "năm nay sẽ không thiếu điện như 2023 và nguồn cung được đảm bảo trong các năm tới".
Rút kinh nghiệm năm ngoái, Bộ Công Thương cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đổi mới lập kế hoạch điều hành điện. Bộ cũng đưa ra các kế hoạch cung ứng, nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện, gồm phương án riêng cho những tháng cao điểm mùa khô, để đảm bảo cung ứng.
Trước đó, tại tọa đàm hôm 19/3, lãnh đạo EVN cho biết tập đoàn này sẽ tăng huy động các nguồn điện giá cao và năng lượng tái tạo để năm nay không thiếu điện. Cụ thể, EVN sẽ tăng mua nguồn điện than khoảng 145%, điện gió thêm 25% và mặt trời là 19% so với năm ngoái.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 11,97% trong quý đầu năm, cao hơn dự báo. Tuy nhiên, tình trạng nắng nóng gay gắt diện rộng do hiện tượng El Nino có thể gây sức ép về cung cấp đủ điện những tháng tới.
Để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương cho biết, ngành điện tập trung nguồn lực hoàn thành các công trình nguồn, lưới điện, đặc biệt là đảm bảo đúng tiến độ dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối kéo điện ra Bắc.
Bộ cũng theo dõi nhu cầu sử dụng điện, diễn biến thời tiết, thủy văn để ứng phó theo các kịch bản từng quý, tháng 2024. Ngoài ra, các cơ chế tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư năng lượng tái tạo, hay cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA)... cũng được cơ quan này đẩy nhanh hoàn thiện. Việc này nhằm đảm bảo cung ứng điện trong mọi tình huống, không để xảy ra thiếu điện.
Liên quan tới đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết định giá bán lẻ xăng dầu tại dự thảo nghị định mới của Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cho hay quy định này nhằm đưa giá nhiên liệu trong nước "gần thị trường hơn".
"Nhà nước sẽ đưa ra công thức tính giá chung, từ đó doanh nghiệp đầu mối tự đưa ra giá bán tối đa. Giá bán lẻ tới người tiêu dùng không cao hơn mức trần này", bà Hiền nói.
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương thừa nhận thời gian qua quỹ này bộc lộ nhiều bất cập, nên cần thay đổi các quy định quản lý, điều hành.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân bổ sung, Bộ Công Thương sẽ lấy ý kiến về việc bỏ hay duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu, trước khi trình Chính phủ quyết định.
Phương Dung