Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành thủy sản và 10 năm ra mắt lực lượng kiểm ngư, ngày 29-3.
Dẫn câu ngạn ngữ "Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền", ông Hoan nhấn mạnh trọng trách gìn giữ, bảo vệ, phát triển bền vững vùng nước vùng biển rộng lớn của quê hương luôn có sự đóng góp, chung sức, chung lòng của ngành thủy sản, lực lượng kiểm ngư, cùng bà con ngư dân, cộng đồng doanh nghiệp, người dân gắn bó với ngành nghề thủy sản…
Ghi nhớ lời gửi gắm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ", ông Hoan khẳng định 65 năm qua, ngành thủy sản vững bước phát triển nhanh, toàn diện và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước, đóng góp quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Năm 2024 cũng đánh dấu hành trình 10 năm lực lượng kiểm ngư Việt Nam bắt đầu hoạt động, tích cực hỗ trợ ngư dân trên biển, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, với bao công việc quan trọng, ý nghĩa…
"Qua những thành tựu đạt được, ngành thủy sản, cùng với lực lượng kiểm ngư, tự tin hướng tới những mục tiêu lớn hơn, dài hạn hơn, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển..." - ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng thủy sản thành ngành kinh tế có quy mô và tỉ suất hàng hóa lớn, có thương hiệu uy tín, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng cạnh tranh cao và bền vững...
"Phía trước chúng ta là hải trình hướng đến mục tiêu vì một nền thủy sản minh bạch, trách nhiệm, bền vững và hội nhập, vì thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau.
Phía trước chúng ta là ba trụ cột trong chiến lược kinh tế thủy sản giảm khai thác, tăng nuôi trồng và bảo tồn biển.
Phía trước chúng ta là chiến lược tam ngư, cấu trúc lại ngành thủy sản dựa trên ngư nghiệp, ngư dân, ngư trường.
Phía trước chúng ta là phát huy sức mạnh của thiết chế cộng đồng quản lý nguồn lợi thủy sản, một thiết chế phát huy sức mạnh của cộng đồng.
Phía trước chúng ta là cùng nhau hành động để tháo gỡ thẻ vàng chống khai thác IUU trong thời gian sớm nhất" - ông Hoan nhấn mạnh.
"Chúng ta giống như những hòn đảo giữa biển khơi, tách biệt trên bề mặt nhưng kết nối dưới tầng sâu. Chúng ta cùng nhau kết nối thành hệ sinh thái vì ngành thủy sản Việt Nam bền vững" - ông Hoan nói.
Ngành thủy sản bứt phá vượt bậc
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết trong 65 năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển và hội nhập với nhiều thành tựu nổi bật. Đặc biệt, trong giai đoạn từ năm 1995 đến nay, ngành thủy sản đã có những bứt phá vượt bậc.
Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn, gấp 7,1 lần so với năm 1995, nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn, gấp hơn 5 lần so với năm 1995.
Với sự năng động sáng tạo, vượt qua bao khó khăn thử thách, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỉ USD năm 1999 và gần 11 tỉ USD năm 2022, đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.
Trưa 16-3, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cà Mau đã kết thúc nhưng nhiều học sinh vẫn 'vây' thầy cô bày tỏ những trăn trở nghề nghiệp, trong đó rất nhiều em muốn theo ngành nông, lâm, thủy sản.