Trước tình hình hạn mặn đang xảy ra ở miền Tây, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cho biết bộ đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn mặn gây ra.
Cảnh báo hạn mặn vẫn còn gay gắt
. Phóng viên: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình hạn mặn ở miền Tây từ đầu mùa khô đến nay so với các năm qua?
+ Ông Lương Văn Anh: Theo số liệu quan trắc của các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ đầu mùa khô đến nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2023 nhưng không nghiêm trọng như các năm xâm nhập mặn lịch sử 2015-2016, 2019-2020.
Nguyên nhân xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm và sâu hơn so với trung bình nhiều năm là do ảnh hưởng của hiện tượng El Niño khiến lượng mưa trên lưu vực sông Mekong và ở ĐBSCL bị thiếu hụt, dẫn đến nguồn nước sông Mekong về ĐBSCL thiếu hụt 10%-15%.
Trên cơ sở dự báo chuyên ngành, Bộ NN&PTNT đã có thông báo khuyến cáo từ tháng 9-2023 về nguy cơ có khoảng 56.260 ha lúa vụ đông xuân và 43.300 ha cây ăn trái thuộc vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Với các giải pháp đã được triển khai, toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo đã được đẩy sớm thời vụ. Hiện số lúa này đã được thu hoạch hoặc trong giai đoạn chín (cắt nước), bảo đảm không bị thiệt hại, các vùng cây ăn trái vẫn được bảo đảm an toàn.
Tuy nhiên, có một số diện tích lúa được người dân xuống giống muộn, không theo khuyến cáo (sau ngày 31-12-2023), tổng cộng khoảng 20.510 ha lúa ở các tỉnh Tiền Giang (30 ha), Bến Tre (730 ha), Trà Vinh (13.000 ha), Sóc Trăng (6.030 ha), Long An (720 ha), tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn; trong đó có 621 ha lúa thuộc tỉnh Sóc Trăng đã bị thiệt hại.
Về nước sinh hoạt, có khoảng 50.500 hộ dân (chiếm 3,6% tổng hộ dân) bị thiếu nước sinh hoạt (Bến Tre 12.000 hộ, Kiên Giang 20.000 hộ, Sóc Trăng 6.400 hộ, Bạc Liêu 4.900 hộ, Cà Mau 3.900 hộ, Long An 3.300 hộ). Đây là các khu vực dân cư thuộc vùng nguồn nước dưới đất bị suy giảm, nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung có độ mặn vượt ngưỡng cho phép hoặc các hộ dân chưa được cấp nước từ công trình cấp tập trung và thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng.
Thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn mặn
. Với tình hình hạn mặn như trên, tại từng tỉnh, việc ứng phó với hạn mặn được Bộ NN&PTNT thực hiện ra sao, thưa ông?
+ Để ứng phó với nguy cơ ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện, Bộ NN&PTNT cũng có nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp với từng vùng, địa phương và thực tế đã mang lại hiệu quả tích cực.
Trước hết, Bộ NN&PTNT đã dự báo và cung cấp thông tin sớm về tình hình hạn mặn từ tháng 9-2023 và liên tục được cập nhật theo tuần/tháng, bao gồm việc xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng, làm cơ sở để tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng phó.
Trên cơ sở các thông tin này, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chủ động tổ chức các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, đến nay thiệt hại ở mức rất thấp so với tác động của hạn hán, xâm nhập mặn.
Toàn bộ diện tích lúa có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn được đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, tháng 11, kết thúc trong tháng 12-2023. Các diện tích cây ăn trái được chủ động tích trữ nước, bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao. Đến nay, toàn bộ diện tích cây trồng được khuyến cáo thuộc vùng ảnh hưởng được bảo vệ an toàn.
Bên cạnh đó, bộ cùng các cơ quan, địa phương liên quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đơn cử như hỗ trợ các thiết bị, dụng cụ trữ nước, thiết lập các điểm cấp nước công cộng; cấp nước luân phiên, đấu nối hòa mạng giữa các trạm cấp nước, mở rộng tuyến ống, khoan bổ sung giếng khai thác, sử dụng thiết bị lọc mặn, quan trắc độ mặn để vận hành công trình hợp lý.
Không thể dẫn nước từ sông Đồng Nai về miền Tây
Liên quan đến đề xuất dẫn nước từ sông Đồng Nai về miền Tây (tỉnh Bến Tre) để chống hạn mặn, ông Lương Văn Anh cho hay lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã đưa ra hai lý do không thực hiện giải pháp này.
Thứ nhất, nguồn nước ở lưu vực sông Đồng Nai đang thiếu. Dù lưu vực sông Đồng Nai đã có hồ thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… hiện thiếu 5 tỉ m3 nước mỗi năm. Đây là vấn đề rất quan trọng và trong quy hoạch thủy lợi sắp tới bộ vẫn tiếp tục nghiên cứu, tính toán các giải pháp để dẫn nước từ sông Bé qua hệ thống thủy lợi Phước Hòa về cho khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Thứ hai, ngay tại Bến Tre đang có đủ giải pháp để người dân Bến Tre và Tiền Giang có đủ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt. Ở bắc Bến Tre, bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre (dự án JICA 3). Theo kế hoạch, đến hết năm 2025 cơ bản sẽ xong, khi đó có một số cống lớn như cống Bến Tre, cống Thủ Cửu… đi vào hoạt động sẽ đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất.
Ở nam Bến Tre, bộ sẽ dùng vốn đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2026-2030 để làm cống Vàm Thơm và cống Vàm Nước Trong, khi làm xong sẽ đảm bảo nước cho khu vực. Như vậy, ở Bến Tre thì không cần phải chuyển nước từ nơi khác về vì ngay tại chỗ có đủ giải pháp để có nước.
Đến nay, số lượng hộ dân bị ảnh hưởng thấp hơn nhiều so với năm 2019-2020 (chỉ bằng khoảng 50%) và mức độ ảnh hưởng đến các hộ dân cũng ở mức thấp. Thời gian ảnh hưởng ngắn, chỉ diễn ra vài ngày cao điểm giữa tháng 3-2024, do các hộ dân đã chủ động tăng thiết bị trữ nước kết hợp sử dụng nước tiết kiệm.
Dự án đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tấn Thành được Bộ NN&PTNT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công ba tháng, đưa vào vận hành và khai thác sớm đã góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho vùng diện tích khoảng 12.580 ha và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ khoảng 800.000 người dân của tỉnh Tiền Giang.
Đến nay, thực tế các giải pháp được triển khai đã giúp sản xuất nông nghiệp không bị thiệt hại (trừ một số diện tích không lớn canh tác lúa không theo khuyến cáo) và ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt ở mức độ không lớn.
Tăng cường vận hành các công trình thủy lợi
. Dự báo diễn biến xâm nhập mặn trong thời gian tới như thế nào? Những vùng nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, mức độ ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
+ Ở vùng các cửa sông Cửu Long, xâm nhập mặn có khả năng đã qua đỉnh điểm. Dự báo trong thời gian còn lại của mùa khô, các đợt xâm nhập mặn xuất hiện ở mức thấp hơn đợt nửa đầu tháng 3 nhưng vẫn tương đối cao, thời gian ảnh hưởng kéo dài đến hết tháng 4-2024. Các đợt xâm nhập mặn cao dự kiến xuất hiện vào các ngày từ 7 đến 11-4 và từ 22 đến 25-4.
Ở vùng hai sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn tiếp tục tăng, có khả năng đạt đỉnh điểm trong tháng 4-2024 và tiếp tục duy trì ở mức cao đến tháng 5-2024. Thời gian các đợt xâm nhập mặn cao vào các ngày từ 7 đến 10-4, từ 22 đến 25-4 và từ 6 đến 10-5.
Trong thời gian còn lại của mùa khô, trường hợp các hồ chứa phía thượng lưu vận hành giảm xả bất thường thì xâm nhập mặn có thể tăng cao hơn dự báo.
Dự báo tác động của hạn mặn đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh giảm dần so với hiện tại nhưng vẫn ở mức tương đối cao. Để bảo đảm giảm thiểu tối đa thiệt hại, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo người dân tiếp tục theo dõi sát diễn biến xâm nhập mặn và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng địa phương, cơ quan chuyên môn để chủ động ứng phó với xâm nhập mặn.
Đặc biệt, đối với thời gian còn lại của mùa khô năm 2024, tuyệt đối không xuống giống lúa vụ hè thu ở các vùng đang tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn, chỉ tổ chức xuống giống khi có mưa, nguồn nước bảo đảm cung cấp ổn định. Tiếp tục tăng cường việc vận hành các công trình thủy lợi để lấy, tích trữ nước ngọt tối đa vào hệ thống kênh mương, ao, đầm, khu trũng phục vụ sản xuất, dân sinh. Tại các vùng cây ăn trái tiếp tục thực hiện trữ nước trong các ao, hồ phân tán, bảo đảm đủ nguồn nước cung cấp để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng trong thời gian bị ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
. Xin cảm ơn ông.•