Lý giải cho việc đặt kế hoạch doanh thu giảm so với năm 2023, ông Tùng cho biết, xu hướng về phí môi giới, phí giao dịch và lãi suất đã và đang giảm, tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường giữa các công ty. FPTS phân tích rằng đây là xu hướng nên công ty không thể đi ngược xu hướng. Do xu hướng về phí giao dịch giảm nên doanh thu sẽ giảm tương ứng.
Ông Tùng nhấn mạnh, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán trong ngành đang rất khốc liệt cả về khách hàng, thị phần, lãi suất... Thêm vào đó là cạnh tranh về nhân sự, các công ty chứng khoán đang tích cực thu hút những nhân lực giỏi và tài năng của các công ty đối thủ bằng những chính sách hấp dẫn. Trong bối cảnh như vậy, FPTS đã có chính sách để giữ nhân lực giỏi của mình. ESOP là một chính sách mà nhiều công ty đã thực hiện thành công, hài hoà về lợi ích giữa người lao động và cổ đông. Chính sách của công ty nêu rõ khi công ty phát triển, sẽ chia sẻ một phần nào đó đối với người lao động. Trong thị trường chứng khoán, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Khi công ty tăng trưởng lợi nhuận thì người lao động sẽ có ESOP để đảm bảo.
Năm 2023, FPTS đạt tổng doanh thu 921 tỷ đồng, hoàn thành 119,61% kế hoạch năm, giảm 12,51% so với thực hiện năm 2022. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 510 tỷ đồng, hoàn thành 121,44% kế hoạch năm, giảm 20,07% so với thực hiện năm 2022.
Dựa trên kết quả hoạt động kinh doanh năm 2023 và dự báo thị trường năm 2024, Công ty đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 với doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính giảm 8,29% so với năm 2023, tương đương 845 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế giảm 17,65%, tương đương 420 tỷ đồng.
Đại hội đã thông qua phương án phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu cho cổ đông hiện hữu với khối lượng dự kiến là 85.825.994 cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành là 10:4; dự kiến phát hành 5.529.950 cổ phiếu ESOP với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trước câu hỏi về đà tăng nóng của cổ phiếu FTS, ông Tùng cho biết: Cổ phiếu tăng trưởng dựa trên kỳ vọng của nhà đầu tư. Tuy vậy trong tương lai, việc nâng hạng thị trường thành công hay hệ thống KRX được triển khai sẽ đem lại nguồn vốn đầu tư mới, khối lượng giao dịch tăng lên. So với các thị trường chứng khoán trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại tương đối nhỏ bé và còn nhiều tiềm năng trong tương lai.
“Việc định giá cổ phiếu dựa trên rất nhiều yếu tố. Trên thực tế, lượng cổ phiếu của FPTS lưu thông không nhiều. Chúng tôi không định giá cổ phiếu của công ty là bao nhiêu cho phù hợp và cũng không mua bán cổ phiếu của Công ty”, ông Tùng cho biết.
Hiện cổ đông lớn nắm giữ hơn 60% cổ phiếu của Công ty. Ông Tùng cho biết, 2 cổ đông lớn của công ty là SBI (Nhật Bản) và FPT. “Chúng tôi có sự phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ từ các cổ đông này. SBI là công ty đến từ Nhật Bản và họ cũng làm trong mảng tài chính, nên chúng tôi học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ họ. FPT giúp chúng tôi học hỏi và chia sẻ được nhiều vấn đề công nghệ”, CEO FPTS cho biết.