1. "Nhờ mọi người chia sẻ giúp, có anh này thất lạc một gói hàng chứa 30 cuốn hộ chiếu. Mỗi người một tay chia sẻ để ai nhặt được biết mà gửi về cho họ".
Đó là dòng tin được chia sẻ tràn khắp các trang mạng xã hội ở Đà Nẵng từ chiều đến tối 28-3. Câu chuyện anh bưu tá đánh rơi kiện hàng chứa 30 cuốn hộ chiếu kèm visa của một công ty du lịch lan nhanh.
Lực lượng công an và người dân nơi những tuyến đường mà anh bưu tá đi qua cũng hỗ trợ trích xuất camera để tìm giúp. Ngay trong đêm, từ thông tin đọc được trên mạng, một người tốt đã tìm đến trả lại 30 cuốn hộ chiếu nhặt được bên đường.
Anh Nguyễn Thành (phó giám đốc Tổng công ty Du lịch Hanoi - chi nhánh Đà Nẵng) bày tỏ: "Tình người khiến cho tôi vô cùng xúc động, trân quý và biết ơn".
Điều đặc biệt, khi chúng tôi tìm đến anh Tuấn là người đã nhặt được 30 cuốn hộ chiếu và mang trả lại, anh chỉ bảo rằng không có gì là to tát cả, việc nhặt của rơi trả lại người mất là lẽ thường tình. Anh từ chối chụp hình cũng không muốn nói nhiều về việc mình làm.
2. Bốn năm về trước, 29 cuốn hộ chiếu đựng trong chiếc túi ni lông đã được tìm thấy ngay trong đêm nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng mạng Đà Nẵng và những người nhặt rác tại bãi rác Khánh Sơn.
Anh Hậu là nhân viên của một công ty lữ hành, người bị thất lạc túi đồ năm đó, kể lại trong túi đồ bị thất lạc của anh ngoài 23 chiếc mũ du lịch còn có 29 cuốn hộ chiếu của du khách Đà Nẵng sẽ đi Hàn Quốc trên chuyến bay đêm mùng 1 Tết Canh Tý 2020.
Anh Hậu rối bời, đi dọc con đường Lê Duẩn để mong tìm lại túi hộ chiếu. Lúc ấy có người nhìn thấy anh với tấm bảng tìm đồ thất lạc đã đăng bài tìm kiếm giúp anh trên trang Quản lý đô thị Đà Nẵng. Biết tin, lãnh đạo Xí nghiệp quản lý bãi rác Khánh Sơn nhanh chóng rà lịch điều vận xe và khoanh vùng được khu vực thất lạc và tìm ra lái xe thu gom tuyến.
Dưới ánh sáng bãi rác và ánh đèn pin le lói, hàng chục người dân đang làm việc tại bãi rác này cũng lục tung bãi rác để tìm kiếm. Đến 24h, một phụ nữ tìm thấy 27 cuốn hộ chiếu đựng trong túi ni lông. Hai cuốn còn lại được người dân nhặt trên đường và cũng đã hoàn trả về với công ty của anh Hậu.
Thế nhưng khi nhận lời cảm ơn từ anh Hậu và công ty lữ hành, bà con bãi rác Khánh Sơn và những người quản lý bãi rác này chỉ nói đây là công việc bình thường, số giấy tờ đó có thể không là gì với chúng ta nhưng với người bị mất là cả công việc và cuộc sống. Giúp được nhau là vui rồi.
Để lòng tốt thêm trọn vẹn
Những chuyện cảm động về lòng tốt nhặt của rơi trả lại người mất được đăng trên Tuổi Trẻ mang đến cảm xúc ấm lòng. Từ chuyện em học sinh đến người dân lao động nhặt được túi tiền, vàng trị giá hàng trăm triệu đồng đã nhanh chóng giao nộp chính quyền. Một sinh viên bất ngờ nhận được số tiền lớn do người khác chuyển khoản nhầm đã tìm cách liên hệ trả lại.
Cộng đồng mạng cũng bày tỏ lòng khâm phục với một tài xế xe ôm công nghệ ở miền Tây Nam Bộ đã lên mạng xã hội tìm nữ hành khách đã chuyển khoản thanh toán cuốc xe cho mình dư đến 60 triệu đồng. Số tiền thừa đã hoàn lại "chính chủ" khi chị này vẫn chưa phát hiện mình chuyển nhiều hơn tiền của cuốc xe. Anh đã nhẹ nhàng từ chối nhận ít tiền gọi là "quà cảm ơn", chỉ nhận đúng số tiền cho chuyến xe.
Thật ấm lòng khi đọc trên mạng xã hội những dòng thông báo rất cẩn thận: tìm người đánh rơi những giấy tờ, nhờ cư dân mạng chia sẻ giúp. Chi tiết vui lòng liên hệ số điện thoại... Trong số những tài sản nhặt được, có khá nhiều giấy tờ quan trọng như giấy phép lái xe, CCCD, thẻ ATM, bằng tốt nghiệp đại học...
Người nhặt được cũng thấu hiểu nỗi lo lắng của chủ nhân bị mất giấy tờ tùy thân, nên đã làm tất cả những gì có thể, với mong muốn trả lại đúng người đúng vật.
Xuất phát từ lòng tốt và ý nghĩ giúp tìm kiếm chủ sở hữu thuận lợi hơn nên một vài người nhặt được giấy tờ đã chụp ảnh và đăng tất cả hình ảnh những gì đang nắm giữ lên mạng, mong nhanh chóng kết nối được với người đang tìm lại tài sản thất lạc.
Đây là việc không nên. Cần thận trọng hơn khi chụp hình và chia sẻ những thông tin cá nhân của người khác trên mạng. Với người bình thường những thông tin này chẳng cần quan tâm, song với kẻ xấu đây lại là cơ hội hiếm có để lợi dụng cho ý đồ phi pháp.
Thay vì đăng ảnh "nguyên xi" ảnh CCCD trên mạng xã hội, người nhặt được chỉ cần ghi ngắn gọn họ tên, tuổi, địa chỉ cùng với thời gian, địa điểm phát hiện giấy tờ. Bấy nhiêu là quá đủ giúp cho người làm mất đồ vật nhận ra và liên lạc. Hiệu quả nhất vẫn là giao nộp cơ quan chức năng, vừa đúng quy định vừa bảo đảm an toàn cho người bị thất lạc giấy tờ.
“Chuyện thất lạc hộ chiếu không ít, nhưng tìm thấy 30 cuốn hộ chiếu từ sức mạnh của lòng tốt hợp thành chính là câu chuyện tựa cổ tích”. Bạn đọc bình luận về chuyện hàng ngàn người Đà Nẵng hợp sức tìm 30 cuốn hộ chiếu trong đêm.