Trong xu hướng chuyển đổi số và hiện đại nền hành chính, việc sáp nhập cũng là đúng đắn khi tinh gọn được bộ máy và giảm biên chế.
Khi bộ máy nhà nước cồng kềnh sẽ kém hiệu quả, việc điều phối các nguồn lực khó khăn, chất lượng quản lý nhà nước không đồng đều...
Sáp nhập các đơn vị hành chính nhỏ lẻ là một chủ trương cần thiết để khắc phục những khuyết điểm nói trên, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Tuy nhiên, một chủ trương cho dù đúng đắn đến mấy khi triển khai thực hiện vẫn sẽ phát sinh 1.001 vấn đề cụ thể. Một trong những vấn đề đang được dư luận quan tâm hiện nay là việc đặt tên cho những đơn vị hành chính mới sau khi sáp nhập.
Dưới đây là những lời phàn nàn chủ yếu về việc đặt tên cho những đơn vị hành chính mới hiện nay.
Thứ nhất là thiếu sự tham gia của người dân. Nhiều người cho rằng họ không được tham gia vào quá trình lựa chọn tên gọi mới cho địa phương hoặc việc lấy ý kiến được thực hiện một cách hình thức. Về cơ bản, người dân cảm thấy họ không có tiếng nói trong việc quyết định tên gọi cho địa phương của mình.
Thứ hai là có trường hợp tên gọi mới không phù hợp. Đã xảy ra tình trạng có những ý kiến sau khi địa phương thống nhất đặt tên đã cho rằng tên gọi mới không phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương; tên gọi mới quá xa lạ, khó nhớ, khó phát âm, khó viết; tên gọi mới không thể hiện được đặc điểm của địa phương; tên gọi mới gây nhầm lẫn với các đơn vị hành chính khác.
Thứ ba là bất tiện cho người dân. Việc thay đổi tên gọi địa phương nếu không phù hợp sẽ gây khó cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi và người dân tộc thiểu số. Việc thay đổi tên gọi địa phương dẫn đến những bất tiện trong giao dịch, liên lạc, làm thủ tục hành chính...
Thứ tư là lãng phí ngân sách nhà nước. Việc thay đổi tên gọi địa phương tốn kém nhiều chi phí cho việc in ấn, tuyên truyền, thay đổi biển báo... Nhiều người dân cho rằng việc này là lãng phí ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn.
Như chúng ta thấy chỉ mỗi việc đặt tên cho đơn vị hành chính mới thôi đã rất khó khăn và phức tạp. Việc này vì vậy cần được thực hiện một cách cẩn trọng, có sự tham gia của người dân và đảm bảo các tiêu chí: phù hợp với lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương; dễ nhớ, dễ phát âm, dễ viết; thể hiện được đặc điểm của địa phương; tránh gây nhầm lẫn với các đơn vị hành chính khác.
Lắng nghe dân là một bước quan trọng trong việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập. Việc này không chỉ thể hiện tinh thần dân chủ mà còn đảm bảo sự đồng thuận xã hội.
Lắng nghe dân cũng giúp các địa phương tìm kiếm được tên gọi phù hợp. Người dân là những người hiểu rõ nhất về lịch sử, văn hóa, truyền thống của địa phương. Ý kiến của họ sẽ giúp tìm kiếm được tên gọi phù hợp với đặc điểm của địa phương, được đa số người dân đồng tình.
Lắng nghe dân giúp tránh những lãng phí không cần thiết. Việc đặt tên cho địa phương cần tốn kém nhiều chi phí cho việc in ấn, tuyên truyền, thay đổi biển báo... Do đó việc lắng nghe sẽ giúp tránh những lãng phí không cần thiết.
Lắng nghe dân còn sẽ giúp đảm bảo tính dân chủ, sự đồng thuận xã hội, tìm kiếm được tên gọi phù hợp, tăng cường niềm tin của người dân đối với Nhà nước.
Cuối cùng, lắng nghe dân quan trọng không chỉ đối với việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới mà còn đối với cả chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính và mọi chủ trương, chính sách khác của Đảng và Nhà nước.
Diên Khánh vốn là địa danh có từ 282 năm (từ năm 1742). Hiện nay, đó là tên huyện và cũng là tên thị trấn thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Người dân Khánh Hòa bất ngờ trước thông tin thị trấn Diên Khánh sẽ mang tên mới.