Ngày 30.3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) báo cáo về tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tuần thứ 12 (từ ngày 18 - 24.3) tại TP.HCM.
Theo đó, trong tuần 12, TP.HCM ghi nhận 118 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 12 là 1.620 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: H.Nhà Bè, Q.6 và Q.8.
Qua theo dõi thống kê, báo cáo của HCDC cho thấy, tình hình dịch bệnh tay chân miệng tại TP.HCM giảm trong 2 tháng đầu năm 2024 và bắt đầu gia tăng từ đầu tháng 3.2024. 3 quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 cao nhất vẫn là Q.6, Q.8 và H.Nhà Bè.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết, số ca điều trị bệnh tay chân miệng hiện vẫn đang ở mức thấp. Mùa cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng là từ tháng 6 hằng năm.
Về dịch bệnh sốt xuất huyết, trong tuần 12, TP.HCM cũng ghi nhận 117 ca mắc bệnh, giảm 1/6 so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 12 là 2.191 ca. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao, gồm: Q.1, Q.7 và Q.Tân Phú. Đây cũng là 3 quận liên tục có số ca mắc trên 100.000 dân cao nhất từ đầu tháng 3 đến nay.
Theo HCDC, người dân cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế để phòng chống các loại dịch bệnh. Trong đó, vệ sinh tay, vệ sinh nơi ở, vệ sinh môi trường và diệt muỗi, diệt lăng quăng vẫn là những biện pháp cơ bản, hiệu quả trong phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.
HCDC cũng cảnh báo các loại dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đang diễn biến phức tạp thời gian này và cần phòng ngừa, như: bệnh dại, bệnh cúm A/H5N1. Ngoài ra, bệnh sởi dù có vắc xin phòng ngừa cũng đã xuất hiện ổ dịch ở một số địa phương, bệnh lao đang đe dọa sức khỏe cộng đồng…