Một trưởng khoa đào tạo lái xe đã nêu vấn đề như vậy với các giáo viên của mình. Đây là câu hỏi không dễ trả lời, trong khuôn khổ các quy định về đào tạo lái xe ở nước ta hiện nay.
Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ
Có thể nói hoạt động dạy cũng như học nhìn chung đều xoay quanh các mục tiêu hoặc chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, môn học, bài học. Đây là những năng lực mà người học có được sau khi học xong.
Trong giáo dục nghề nghiệp, năng lực được cấu thành từ ba yếu tố là kiến thức, kỹ năng và thái độ. Như vậy, dạy là ít nhất làm sao cho người học hình thành được kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết của nghề nghiệp.
Tuy nhiên, chương trình đào tạo lái xe nước ta hiện nay hầu như không có mục tiêu hay chuẩn đầu ra. Mặt khác, lại phân chia lý thuyết và thực hành riêng, không dạy học tích hợp như giáo dục nghề nghiệp, nên có lẽ dạy và học lái xe hiện nay chỉ tập trung vào mục đích vượt qua kỳ sát hạch cấp GPLX.
Nếu có gì hơn ngoài điều này, chẳng hạn như kỹ năng lái xe phòng thủ hay lái xe sinh thái, đều hoàn toàn phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm và tâm huyết của cá nhân giáo viên lái xe.
Ma trận mục tiêu đào tạo lái xe ôtô (GDE) tại Tây Ban Nha (Molina và cs., 2014)
Kiến thức và kỹ năng - Nhận thức nguy cơ - Khả năng tự đánh giá
Từ nhiều năm qua, Mục tiêu đào tạo lái xe châu Âu (GDE) đã được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu cũng như đào tạo lái xe trên thế giới. Khác với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, GDE có thành phần nhận thức nguy cơ và tự đánh giá thay cho thái độ.
Khả năng nhận thức nguy cơ, từ cả bản thân mình lẫn môi trường giao thông xung quanh, sẽ giúp người lái xe đưa ra những quyết định thao tác đúng đắn và đảm bảo an toàn.
Đây là yếu tố hầu như không có trong những nghề nghiệp phổ biến khác, vốn không diễn ra trong môi trường giao thông công cộng.
Còn tự đánh giá khả năng lái xe của mình một cách liên tục không những giúp tài xế vận hành xe an toàn mà còn giúp không ngừng phát triển năng lực lái xe. Bởi lái xe là một trong những hoạt động "tự hoàn thiện" qua thời gian, như tâm lý học giao thông xác định. Đây cũng là một trong số 5 năng lực trong Tiêu chuẩn quốc gia về lái xe ô tô của Vương quốc Anh: "Xem lại và điều chỉnh hành vi lái xe trong suốt cuộc đời."
Như vậy, dạy lái xe nghĩa là tập trung vào 3 thành phần của GDE theo từng cấp độ hành vi lái xe, càng cao thì càng tốt. Dĩ nhiên, ở nước ta hiện nay, điều này cũng hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực và tâm huyết của cá nhân giáo viên lái xe.
Học tập lấy khách hàng làm trung tâm
Để đạt được mục tiêu, câu hỏi dạy và học như thế nào cũng cần phải được đặt ra. Bởi phương pháp, cách thức dạy học có ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả, đặc biệt là hình thành sự tự tin, chủ động của người học trong việc học cũng như lái xe sau này.
"Học tập lấy khách hàng làm trung tâm" (Client Centred Learning) là phương pháp được sử dụng ngày càng phổ biến trong đào tạo lái xe ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Khái niệm này tương tự "lấy người học làm trung tâm" hay "giáo dục cá nhân hóa" được nói đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua.
Theo phương pháp này, tùy thuộc vào đặc điểm tâm lý và tính cách, mỗi người sẽ học lái xe theo cách khác nhau và theo tốc độ khác nhau. Khi học theo cách thức và tốc độ của mình, người học sẽ có khả năng ghi nhớ thông tin cũng như luyện tập tốt hơn. Do vậy, tùy theo từng cá nhân, giáo viên sẽ thiết kế lộ trình hướng dẫn phù hợp.
Đồng thời, giáo viên cũng sẽ tìm cách khuyến khích người học chủ động và chịu trách nhiệm về việc học của mình sớm nhất có thể trong tiến trình học tập. Qua đó, hình thành cho người học khả năng nhận thức nguy cơ và tự đánh giá trong suốt cuộc đời lái xe.
Những điểm chính của học tập lấy khách hàng làm trung tâm trong đào tạo lái xe:
Làm việc cùng học viên để giúp họ đặt ra mục tiêu cụ thể và thực tế
Lắng nghe cẩn thận và tìm hiểu những mối quan tâm lo lắng của học viên để tìm cách tốt nhất giúp họ đạt được mục tiêu của mình
Khuyến khích người học tự đánh giá kết quả học tập của mình thay vì giáo viên đánh giá
Xây dựng mối quan hệ tin cậy, tôn trọng và xây dựng với người học, từ đó dễ dàng tìm ra giải pháp hỗ trợ họ học tập.
Dù rất thuận lợi, do đào tạo theo nhóm nhỏ, nhưng đáng tiếc rằng phương pháp này hầu như không thể thực hiện được với chương trình đào tạo lái xe quy định cứng về thời lượng, số km xe chạy như ở nước ta.
Có thể thấy rằng việc tổ chức giao thông trên "đường cao tốc phân kỳ đầu tư" thực chất không khác đường cao tốc.