Để làm được phụ tá nha khoa, chúng tôi phải học thuộc lòng tên thuốc và thiết bị để đưa cho bác sĩ khi cần.
Học gì cũng được nhận làm... phụ tá nha khoa
Ngày 11.3, sau nhiều ngày tìm kiếm trên các hội nhóm tìm việc phụ tá nha khoa tại TP.HCM, chúng tôi liên hệ được một phòng khám nha khoa (PKNK) đăng tuyển dụng. Khi chúng tôi nói không có kinh nghiệm làm việc thì người tuyển dụng nhắn lại "không sao em", và yêu cầu có mặt khoảng 30 phút sau để phỏng vấn xin việc.
Chúng tôi đến PKNK T.Đ (ở đường Lạc Long Quân, P.10, Q.Tân Bình) để phỏng vấn. Vì chưa có kinh nghiệm, nên chúng tôi được đề nghị nhận vào làm vị trí học việc phụ tá với mức lương 4 triệu đồng/tháng.
Ngày 12.3 là ngày đầu làm việc, có mặt tại PKNK T.Đ lúc 8 giờ, chúng tôi được yêu cầu quét dọn, vệ sinh phòng khám (PK) và các dụng cụ khám chữa răng. Sau đó, chúng tôi được dạy về cách nhận biết và phân loại các loại dụng cụ và thuốc sử dụng để chữa răng và làm các dịch vụ thẩm mỹ răng.
Vào làm việc tại nha khoa T.Đ sau chúng tôi 2 ngày là một người tên L. (21 tuổi) cũng chưa có kinh nghiệm phụ tá nha khoa. L. cho biết mình là sinh viên năm 3 ngành kiến trúc, đang bảo lưu để đi làm. Khi thấy chúng tôi bất ngờ vì sao học kiến trúc lại đi làm phụ tá nha khoa, L. nói "làm nghề gì có thể kiếm được tiền thì làm thôi".
Thời gian làm việc của PKNK T.Đ từ 8 - 20 giờ hằng ngày. Mỗi ngày chúng tôi làm các công việc như rửa, vệ sinh dụng cụ, hỗ trợ pha thuốc trám răng, hỗ trợ bác sĩ (BS) khám và chữa răng… Vì không có chút kiến thức nào về nha khoa nên chúng tôi phải học thuộc các tên thuốc, dụng cụ để khi BS cần thì phải lấy ngay lập tức.
Ngay ngày đầu tiên đi làm, chỉ sau vài giờ đứng xem, chúng tôi đã được cho hỗ trợ các BS làm việc bằng cách hút nước bọt cho khách hàng và chuẩn bị một số dụng cụ đơn giản. Sau 2 ngày làm việc thì chúng tôi được chỉ cách sử dụng máy chụp phim răng, pha thuốc trám răng…
Chỉ việc cho chúng tôi là 2 nữ phụ tá (tên N. và D.). Theo chia sẻ từ phụ tá N., chị vào làm được hơn 3 tuần, vì chị sắp nghỉ việc nên PK đang cần gấp phụ tá. Chị N. cũng cho biết mình học đại học ngành dược nên bây giờ muốn tìm một công việc khác liên quan đến chuyên ngành hơn. Riêng phụ tá D. tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng và làm việc tại đây hơn 1 năm nhưng cũng chưa có chứng chỉ hành nghề. Chị D. cho biết lúc mới vào làm cũng chưa có kinh nghiệm về phụ tá nha khoa. Sau hơn 1 năm làm việc tại PK này, chị đã thành thạo tất cả các công việc phụ tá và có thể chỉ công việc cho những người mới.
Dù là "dân tay ngang", nhưng chúng tôi và anh L. đã được các BS và phụ tá khác động viên: "Học vài bữa là quen tay ngay, vài ngày là phụ được mấy ca đơn giản rồi. Đến vài tháng là thành thạo việc". Để thuận tiện cho chúng tôi, hai nữ phụ tá N. và D. đã đưa các công thức và dụng cụ chuẩn bị cho từng ca khám chữa bệnh để chúng tôi chụp lại, về nhà học thuộc.
Xưng bác sĩ, nhưng nói "đang chờ nhận bằng"
Vào làm việc cùng lúc với chúng tôi là một người xưng là BS tên H.V.L (22 tuổi), khi được hỏi trước kia đã làm việc ở đâu, BS này nói đã từng làm việc tại nhiều PK khác. Tại PKNK T.Đ, chúng tôi ghi nhận có 3 người xưng là BS đang làm việc ở đây.
Những người xưng BS này đều mặc áo blouse trắng nhưng không có bảng tên hay thông tin giới thiệu nào. Nhiều tài liệu hay hóa đơn điều trị đều chỉ ghi mỗi tên BS điều trị như BS L., BS Đ. và BS G. Sau nhiều ngày làm việc tại PKNK này, chúng tôi đã biết được họ và tên đầy đủ của 3 BS chính (tự xưng) làm việc ở đây là P.N.Đ, N.T.G và H.V.L (BS L. vào làm cùng thời điểm với chúng tôi).
Chúng tôi tìm trên cổng thông tin tra cứu khám chữa bệnh của Sở Y tế TP.HCM, thật bất ngờ khi không có một ai trong 3 BS trên có chứng chỉ hành nghề. Riêng BS H.V.L (22 tuổi) nói với chúng tôi rằng vẫn "đang chờ nhận bằng" và kinh nghiệm còn ít nên chưa thể làm nhiều dịch vụ khó.
Theo ghi nhận nhiều ngày, PKNK T.Đ có tổng cộng 3 ghế nha khoa, trung bình mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 - 15 khách hàng.
Ghi nhận từ ngày 11 - 20.3, các BS tại đây thường xuyên làm các dịch vụ như cạo vôi răng, trám răng, nhổ răng và dịch vụ nha khoa thẩm mỹ như làm răng sứ, răng giả, cắm implant...
Ngoài BS Đ., 2 BS còn lại đều biết khá ít kỹ thuật trong việc làm răng sứ và cắm implant. BS Đ. biết nhiều kỹ thuật hơn và thường chỉ lại các kỹ thuật làm răng thẩm mỹ cho các BS mới. Trong lúc Đ. làm răng sứ hoặc cắm implant cho khách thì 2 BS còn lại đứng nhìn để học các thao tác.
Ngày 15.3, trong thời gian nghỉ trưa, nghe BS L. nói rằng không biết nên mài răng theo chiều xuôi hay chiều ngược thì BS Đ. nói: "Hồi giờ mấy ca mài răng theo chiều xuôi là 10 ca viêm hết 10 ca, còn mài theo chiều dọc thì chỉ viêm 3, 4 ca thôi".
"Chốt" dịch vụ với khách để được tiền hoa hồng
Ngoài ra, BS G. còn chia sẻ với BS L. rằng nếu các BS chốt được khách làm implant thì sẽ được tiền hoa hồng rất cao, khoảng mười mấy triệu đồng.
Bên cạnh lương cứng, mỗi tháng các BS còn nhận được phần trăm hoa hồng các ca làm răng sứ, cắm implant. Do vậy, lúc khám cho khách hàng, BS ở đây thường giới thiệu các dịch vụ làm răng sứ hoặc cắm implant.
Ngày 14.3, một khách hàng nữ đến để được tư vấn làm lại răng sứ vì chiếc răng sứ (làm tại một PK khác) đã cũ, khiến chị đau nhức. Khi nghe khách hàng muốn làm răng sứ, BS G. lập tức đưa các mức giá của răng sứ, tư vấn: "Dòng này là sứ tầm trung chất lượng tốt hơn răng sứ cũ của em, mỗi răng 5 triệu đồng, anh bảo hành cho em 7 năm, nếu răng em có vấn đề gì sau này thì anh sẽ hỗ trợ luôn".
Sau khi chụp phim, khám và soi răng, BS Đ. cho biết răng của nữ khách hàng đã lấy tủy 3 chiếc nên khá yếu; vì vậy nên làm 3 chiếc răng sứ cùng một lúc. Tuy nhiên, khi nữ khách hàng chỉ muốn tư vấn làm một chiếc răng vì tài chính chưa đủ thì các BS tại đây khuyên nên làm luôn 3 răng vì nó đã dính chùm; nếu cắt ra thì răng mới sẽ yếu và khó bền được. (còn tiếp)