Dù vậy các chợ đêm, phố đêm đang đặt ra thách thức làm thế nào để tạo sự khác biệt, thu hút và giữ chân du khách nhằm tạo điểm nhấn cho du lịch địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Bởi thực tế không ít các tuyến phố đêm, chợ đêm được mở ra với kỳ vọng lớn nhưng đến nay đang rơi vào cảnh đìu hiu.
Phố đêm nở rộ
Theo chủ tịch UBND quận 6 Lê Thị Thanh Thảo, địa phương "chấp bút" cho đề án phố đêm Chợ Lớn, mục tiêu của đề án này không phải chạy theo phong trào mà hướng tới phố đêm phải tồn tại và phát triển. Bà Thảo cho rằng để một mô hình phố đêm giữ được nhiệt, hoạt động hiệu quả thì người quản lý, điều hành phải có sự quyết tâm và trách nhiệm.
Theo đó, phố đêm này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và phát triển du lịch gắn với điểm nhấn là chợ Bình Tây - công trình di tích kiến trúc, điểm du lịch của TP. Phố đêm này cũng kết hợp các giá trị văn hóa - xã hội khu vực Chợ Lớn (quận 5, 6, 8, 11), làm phong phú và đa dạng các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của quận, của TP đến người dân và du khách.
Mô hình chợ đêm, phố đêm không còn mới ở TP.HCM nữa nhưng vẫn được đánh giá là "mảnh đất" đầy tiềm năng của du lịch TP. Sau dịch COVID-19, phát triển kinh tế đêm được TP.HCM xác định là một trong những giải pháp chiến lược thúc đẩy sự phục hồi của ngành du lịch. Trong đó, chợ đêm, phố đêm được các địa phương áp dụng để giữ chân du khách về đêm.
Hai năm gần đây không chỉ các quận trung tâm mà các huyện ngoại thành đã hình thành nhiều tuyến phố đêm, mở rộng không gian phát triển kinh tế, dịch vụ, thương mại về đêm của TP.
Các địa phương như TP Thủ Đức, quận 12, quận Tân Phú, huyện Cần Giờ… đã "nhập cuộc" từ sớm như cho ra mắt phố đêm Thảo Điền, phố đêm An Sương, phố đêm Nguyễn Nhữ Lãm, phố đêm Cần Thạnh… Cùng với đó, các quận 1, 3, 7, huyện Bình Chánh… cũng đã đề xuất hình thành các tuyến phố đêm.
Về phía tây TP, huyện Bình Chánh cũng đang đề xuất thí điểm phố đêm Trung Sơn. Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Huỳnh Cao Cường cho biết huyện đang hoàn thiện đề án thí điểm phố đêm Trung Sơn lần 2 để trình sở ngành góp ý và trình UBND TP.
Huyện Bình Chánh là địa phương tiếp giáp với nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn TP và tỉnh Long An, có tiềm năng thu hút khách du lịch từ trung tâm TP.HCM và các tỉnh đến tham quan, mua sắm.
Việc xây dựng phố đêm Trung Sơn như một yếu tố tất yếu góp phần phát triển kinh tế, kết hợp các loại hình sinh hoạt văn hóa, thương mại dịch vụ, vui chơi giải trí, là nơi giới thiệu các sản phẩm OCOP của huyện và TP.HCM với du khách trong và ngoài nước.
Nhiều chợ đêm đến đêm lại vắng
Tối 29-3, phóng viên Tuổi Trẻ đi chợ đêm ở một số chợ lớn tại TP.HCM như chợ đêm Bến Thành (quận 1), chợ Hồ Thị Kỷ (quận 10), chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp)…
Hiện nay chợ đêm Bến Thành mở cửa đón khách từ 19h đến 24h hằng ngày. Chợ đêm với các mặt hàng như trang sức, thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm, ẩm thực.
Tuy nhiên ở các cửa chính Đông - Tây - Nam - Bắc, các gian hàng bán không còn tấp nập, nhộn nhịp, những "ô cửa" buồn tênh từ sau dịch COVID-19 vẫn im ỉm…
Có mặt lúc 20h, lối vỉa hè quanh các cửa chính hướng đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (quận 1), người qua lại ít, lối đi thông thoáng.
"Nếu không thấy ki ốt sáng đèn, những du khách lần đầu đến TP.HCM không biết ở đây có chợ đêm. Chợ không còn nhộn nhịp như xưa" - ông Võ Anh Tuấn, xe ôm ở góc đường Lê Thánh Tôn, nói.
Bán hàng ở đây gần bảy năm, cả gia đình sống bằng "hũ gạo" tại chợ đêm Bến Thành, nhưng chị Nguyễn Thị Hòa (bán hàng lưu niệm) cho biết so với trước đây mỗi đêm kiếm gần triệu đồng sau khi trừ hết các chi phí, bây giờ không riêng chị mà tiểu thương khác chỉ mong huề vốn để duy trì công việc.
"Bây giờ người ta lên mạng mua hàng, bán hàng thì livestream chứ đâu có ai ngồi đây. Chợ ngày vắng hoe như thế nào thì chợ đêm cũng được mấy "mống" thôi…", chị Hòa nói.
Trong khi đó từng được biết đến là một khu chợ hoa đầu mối lớn nhất TP.HCM, chợ Hồ Thị Kỷ (đường Lý Thái Tổ, quận 10) lại nổi tiếng với danh xưng "thiên đường ẩm thực" sầm uất của giới trẻ. Nhưng theo nhiều người bán hàng, người "chật như nêm" ở chợ đêm chỉ còn là câu chuyện của những năm về trước.
Đến nay dù vẫn được đánh giá là một trong những chợ đêm hoạt động tốt, lượng khách cũng không còn quá đông đúc như trước. Có mặt khoảng 21h, khung giờ được cho là giờ cao điểm tại chợ Hồ Thị Kỷ nhưng bãi giữ xe còn trống rất nhiều.
Khách tại đây đa số là giới trẻ, gia đình và lác đác khách quốc tế. Đồ lưu niệm, ăn uống ẩm thực… được bày bán với khoảng 50 gian hàng. Theo quan sát, khách vào chợ đêm Hồ Thị Kỷ chủ yếu để ăn uống.
"Chợ ở đây mở cửa từ hơn 15h, 22h30 là đóng vì không có người đi nữa. Nhiều bàn trống lắm, khách vào quán chỉ bằng 1/3 lúc trước. Hồi trước còn có giới trẻ đi chợ đêm ăn uống nhiều, giờ bạn trẻ đi qua chỉ nhìn nhìn, không vào quán", một nhân viên quán hải sản Candy cho hay.
Tại chợ đêm Hồ Thị Kỷ, nhiều người đều biết quán bánh khọt Tùng Lan. Mới 21h, lửa bếp nguội tanh, có sáu bộ bàn nhỏ nhưng chỉ một bàn có khách. Chị Trần Hoàng Lan, chủ quán, nói: "Tôi ráng cầm cự hết năm. Tình hình này kéo dài thì phải rời chợ đêm. Hồi trước vào đây, chắc nịch là chỗ bán buôn an toàn, khách ở chợ đêm và mình có ki ốt thì khách đến. Càng ngày càng thưa, đặc biệt mấy tháng trời đứng khách. Người đi vậy chứ người ta dòm dòm thôi à. Tôi muốn buông nhưng cũng không biết nơi nào ngon để nhảy vào".
Tương tự ở chợ đêm Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), thủ phủ của thời trang giá rẻ. Chợ đêm hoạt động tấp nập nhất vào khoảng 18h đến 23h, chủ yếu nhiều mặt hàng thời trang như quần áo, giày dép, phụ kiện… nhưng cũng thưa người mua sắm.
Anh Lý Anh Hùng, người nghỉ làm công ty để thuê sạp bán ở đây từ sau dịch COVID-19, cho biết mới hết dịch người ta mua sắm nhiều, nhưng càng về sau càng giảm, bây giờ giới trẻ ít mê chợ Hạnh Thông Tây như trước.
"Mua cái gì cũng lên Shopee, lên mạng. Chúng tôi cũng thích nghi bằng cách đăng ký bán thêm trên sàn thương mại điện tử để gỡ gạc, phụ chi phí bán ở chợ đêm. Giờ nghỉ sang sạp thì biết ở nhà làm gì, nên vẫn bán và nghĩ thêm cách để doanh số đến từ nhiều nguồn", anh Hùng nói.
Quy hoạch lại và gắn với vai trò doanh nghiệp
Theo một giảng viên khoa du lịch (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM), chợ đêm ở TP.HCM chưa có sự độc đáo nên đi chợ đêm… nhiều người vẫn nghĩ ngay đến việc đi ăn uống, không có yếu tố đặc sắc.
"Bạn tôi ở nước ngoài sang du lịch, em gái tôi khuyến cáo đừng dẫn tới chợ đêm. Tức chợ đêm không có yếu tố thú vị, đặc sắc.
Chợ đêm cần phải đáp ứng được nhu cầu khám phá của du khách. Trong khi hiện nay chợ đêm nào cũng giống nhau, như kiểu chợ ăn uống. Đó là chưa kể vấn đề vệ sinh, an ninh, giao thông còn rất sơ sài. Thiếu chỗ giữ xe và nhà vệ sinh công cộng", nữ giảng viên khoa du lịch đánh giá.
Do đó, các chợ đêm hay phố đêm cần tổ chức lại, không chỉ là ẩm thực hay mua sắm quần áo, hàng lưu niệm... mà cũng rất cần các mặt hàng mang tính sáng tạo, có đăng ký bản quyền, giá cả hợp lý, là cơ hội để quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao.
Giảng viên này nói thêm: "Chẳng hạn như cần nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách du lịch, tiềm năng cụ thể mỗi khu vực để đẩy lên thành yếu tố đặc sắc.
Thiết kế chợ đêm phải thông thoáng, không gian sạch đẹp, an ninh; kết hợp khu vui chơi, ca nhạc, trò chơi dân gian, nghệ thuật đường phố.
Tất cả cần ở sự thống nhất trong chỉ đạo, đồng bộ cả về luật pháp, quản lý dịch vụ an toàn và cơ sở hạ tầng. Nếu làm tốt, chợ đêm sẽ là động lực kinh tế, du lịch, văn hóa giúp tăng việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước".
Ông Lê Trương Hiền Hòa, phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cũng thừa nhận chợ đêm ở các địa phương lúc mới mở rất đông khách, về sau thưa vắng dần. Theo ông, để duy trì chợ đêm gắn với phát triển du lịch rất cần phần quy hoạch và gắn thêm vai trò doanh nghiệp vào vận hành.
"Với chợ đêm, cần có quy hoạch chung và đánh giá sản phẩm tại địa phương. Mỗi vùng miền có mỗi sản phẩm, gắn đặc trưng với địa phương đó, nhưng tôi biết có sản phẩm giới trẻ cũng không còn thích nên sức hút của chợ đêm ít nhiều bị ảnh hưởng.
Vì thế, quy hoạch mỗi vùng miền không nên vùng nào cũng có sản phẩm chợ đêm. Ngoài địa phương có vai trò của địa phương, cần có thêm vai trò của doanh nghiệp. Sở cùng doanh nghiệp phát triển sản phẩm địa phương, có nhà tài trợ vận hành", ông Hòa nêu giải pháp.
Cũng theo ông Hòa, hoạt động ăn uống ở chợ đêm đóng góp kinh tế không nhiều nhưng từ kinh nghiệm đánh giá mô hình chợ đêm ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp sẽ phát huy sự duy trì chợ đêm. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ quy hoạch vị trí, chiếu sáng, quảng cáo, giải trí…
TP.HCM thiếu một thương hiệu chợ đêm
Theo Sở Du lịch TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2024 đã có gần 1 triệu lượt khách quốc tế đến TP, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, lượng khách du lịch nội địa đến TP.HCM cũng tăng mạnh với trên 5 triệu lượt, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước.
Còn năm 2023 ngành du lịch TP đã đón được gần 5 triệu lượt khách quốc tế và gần 35 triệu lượt khách nội địa.
Từ thống kê này, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch chỉ ra rằng kinh tế đêm đóng góp khoảng 70% doanh thu cho ngành du lịch, đồng nghĩa khi các TP lên đèn là lúc du lịch đêm "thức giấc", trong đó có chợ đêm.
"Phải nghiêm túc nhìn nhận và tổ chức lại chợ đêm để tránh "căn bệnh trầm kha" mới mở đông đúc, về sau thì thưa vắng. TP.HCM thiếu một thương hiệu chợ đêm mà chỉ có đến nơi đó du khách mới được cảm nhận, được trải nghiệm", một chuyên gia đánh giá.
Cần có nét đặc trưng riêng
Tại quận 12, thời điểm phố đêm An Sương ra mắt đã thu hút từ 8.000 - 10.000 khách đến tham quan, vui chơi mỗi tối. Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo UBND quận 12 cho biết sau sáu tháng "sáng đèn", mặc dù lượng khách giảm gần một nửa nhưng đây vẫn là địa điểm thu hút du khách.
Từ khi có chợ đêm, khu vực này có thêm một số quán cà phê, quán ăn, các hộ dân bán tự phát xung quanh khu vực chợ. Lượng khách tới tham quan vui chơi giải trí không chỉ người dân quận 12 mà còn thu hút được lượng khách từ các quận lân cận.
Một trong những thành công khác của phố đêm An Sương là đã giải quyết việc làm cho hơn 600 lao động, trong đó có chính sách cho hộ nghèo, sắp xếp hàng rong vào phố đêm để việc mua bán đi vào nề nếp. Người dân cũng có khu vực để tập thể dục, không xuống lòng đường như trước đây.
Còn ở ngoại thành, đầu năm nay huyện Cần Giờ đã khánh thành phố đêm Cần Thạnh, hoạt động đều đặn ba ngày cuối tuần để thu hút du khách ở lại đêm tại huyện. Với 108 gian hàng, phố đêm chủ yếu kinh doanh hải sản tươi sống, đồ ăn nhanh, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết phố đêm Cần Thạnh không chỉ là điểm vui chơi của người dân địa phương mà còn thu hút du khách đến với huyện. Phố đêm cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và được kỳ vọng là đầu mối tiêu thụ nông sản, hải sản cho nông dân và ngư dân Cần Giờ. Huyện cũng đang kêu gọi đầu tư để phát triển thêm các dịch vụ vũ trường, bar, karaoke, massage, khu vui chơi giải trí để cùng phố đêm thúc đẩy kinh tế đêm tại địa phương.
Nhiều phố đêm nở rộ nhưng không phải nơi nào cũng hiệu quả như kỳ vọng. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng nhìn nhận có phố đêm hoạt động hiệu quả như Hồ Thị Kỷ (quận 10), nhưng cũng có nơi sức sống không mạnh, không bền như Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Kỳ đài Quang Trung (quận 10). Vấn đề đặt ra cho các địa phương khi làm phố đêm là phải khảo sát và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Ông Dũng dẫn chứng quanh khu vực nhà thờ Đức Bà (quận 1) không bao giờ thấy vắng, kể cả 2h-3h sáng vẫn đông nghịt bạn trẻ. Nơi này không phải phố đêm hay phố ẩm thực, không có tổ chức bài bản, chỉ đơn giản trải vài tấm bạt, bán mấy ly cà phê mà vẫn thu hút được đông người dân và du khách. Vậy nên khi làm phố đêm, các địa phương cần tìm hiểu và tạo ra nét đặc trưng riêng để thu hút người dân.
Theo phó chủ tịch TP, hiệu quả về mặt kinh tế mà các phố đêm mang lại là điều quan trọng. Nhiều nơi khi làm đề án rất bài bản nhưng khi làm thì quản lý không xuể. Đồng thời, để các phố đêm trên toàn TP có sự kết nối, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu bài toán kinh tế đêm cho đồng bộ, để mỗi đêm riêng của từng địa phương thành đêm chung của cả TP.
Khánh Hòa tổ chức chợ đêm Nha Trang mở cửa đến 0h nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của người dân và du khách khi đến với phố biển.