Phụ trách huấn luyện các đội tuyển trẻ quốc gia từ năm 2022 đến nay và sau 2 chuyến tập huấn ở Đức cùng U19 Việt Nam và U17 Việt Nam mới đây, huấn luyện viên (HLV) Hoàng Anh Tuấn chia sẻ về việc cải thiện chất lượng đào tạo trẻ.
Hai vấn đề cốt lõi
Ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: "Đầu tiên là số lượng trận đấu. Mình không có giải trẻ kiểu League (sân nhà - sân khách) như người ta. Thứ 2, trình độ của HLV. Thầy không giỏi thì làm sao trò giỏi được. Đây là hai vấn đề cốt lõi phải giải quyết nhanh".
Theo ông Tuấn, hệ thống giải trẻ của Việt Nam giờ đã khá hơn trước, nhất là 3 giải U15, U17 và U19 đều tổ chức đá vòng tròn 2 lượt ở vòng loại.
Dù vậy số lượng trận đấu tăng lên không đáng kể. Muốn có thể tổ chức nhiều giải trẻ hơn thì phải có tiền. Chưa kể đặc điểm vị trí địa lý của Việt Nam cũng khó để có thể đá theo kiểu League.
"Đi máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội mất 2 tiếng, thêm 2 tiếng làm thủ tục ở sân bay, 1 tiếng đi xe nữa là mất 5 tiếng. Đó là đi máy bay, còn ngồi xe thì cầu thủ trẻ sức đâu mà đá", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng cho rằng cơ sở vật chất, dinh dưỡng cũng là điều đáng bàn trong việc cải thiện thể chất cầu thủ Việt Nam.
Ông nói: "Đầu tư dinh dưỡng cho kình ngư Ánh Viên ngày trước rất tốn kém. Đằng này, một đội bóng có 30 cầu thủ thì kinh phí làm sao chịu nổi. Do đó, mấu chốt để bóng đá trẻ phát triển vẫn là cải thiện số trận và chất lượng HLV để các em tiến bộ".
Cải thiện thế nào?
Để cải thiện số trận thi đấu, HLV Hoàng Anh Tuấn cho rằng với kinh phí hạn hẹp, chúng ta có thể tổ chức giải trẻ theo kiểu từng khu vực nhỏ, đến vùng rồi mới đến giải quốc gia.
"Từng khu vực nhỏ thì việc di chuyển giữa các đội sẽ không xa, sáng tới đá, chiều về, không tốn nhiều kinh phí.
Ở cấp độ trẻ thì chủ yếu phát triển về mặt chuyên môn chứ không đòi hỏi nhiều về thể lực nên di chuyển về luôn trong ngày không phải là vấn đề. 6 đội ở từng khu vực nhỏ thi đấu với nhau 2 lượt thì cũng được 10 trận. Nếu tổ chức thêm giải trẻ vùng, rồi quốc gia thì số trận thi đấu sẽ còn được nâng lên rất nhiều", ông Tuấn nói.
Để nâng cao trình độ HLV, CLB phải tìm HLV giỏi hoặc nâng chất đội ngũ đào tạo trẻ. "Ở nhiều CLB, giáo án tập luyện ở các tuyến trẻ vẫn còn theo kiểu ngày xưa, không cập nhật theo phương pháp huấn luyện của bóng đá hiện đại.
Muốn giải quyết vấn đề này thì cần phải cải thiện trình độ của đội ngũ HLV ở các tuyến trẻ. Theo đó, các HLV phải học những khóa chuyên sâu, những khóa chứng chỉ huấn luyện về bóng đá. Đặc biệt, họ phải biết đá bóng.
Ở đào tạo trẻ đây là điều quan trọng, vì như thế mới thị phạm và hướng dẫn cho cho các em. Và nếu có kinh nghiệm thi đấu chuyên nghiệp thì càng tốt. Ở Đức, mỗi tuyến ở CLB đều có một danh thủ trong ban huấn luyện để phối hợp huấn luyện giữa chiến thuật hiện đại và kinh nghiệm thi đấu", ông Tuấn nói thêm.
Thực tế thời của hai HLV Park Hang Seo và Philippe Troussier, nhiều cầu thủ khi lên đội tuyển Việt Nam vẫn còn phải mất thời gian chỉnh sửa cả về kỹ thuật nhận bóng, tư duy quan sát, chạy chỗ... thay vì có nhiều thời gian hơn để lắp ráp đội hình và hoàn thiện chiến thuật.
Đầu tư hơn cho cơ sở vật chất
Bên cạnh đội ngũ HLV giỏi, đào tạo trẻ cũng cần cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên, đó là điều rất khó bởi nhiều CLB chuyên nghiệp còn chưa có sân tập riêng, phải tập trên sân thi đấu chính. Do đó, các đội trẻ phải tập trên sân cỏ nhân tạo, sân xi măng hoặc xuống biển tập trên cát.
Dẫn dắt CLB Thanh Hóa từ mùa 2023, HLV Velizar Popov đã rất nhiều lần phàn nàn về mặt sân Thanh Hóa xấu đến nỗi cầu thủ đi bộ cũng có thể dính… chấn thương. Ông Popov nói: "CLB cần cải thiện, thay đổi chuyện này ngay lập tức. Trong khoảng 3 tháng vừa qua, tôi chưa cho các học trò tập chiến thuật hoàn chỉnh một buổi nào tại đây vì sợ chấn thương. Sẽ rất thần kỳ nếu CLB Thanh Hóa cứ thắng với mặt sân tệ như thế này".
Đa số bạn đọc của báo Tuổi Trẻ đều ủng hộ phương án nên chọn HLV ngoại cho tuyển Việt Nam, sau sự ra đi của HLV Philippe Troussier.