Phim Việt "ra thế giới" theo hình thức nào cũng cần khuyến khích, ủng hộ, đừng buông những lời dè bỉu dạng như "có vậy mà cũng đòi ra thế giới", "chưa đủ trình ra thế giới".
Bởi khi một bộ phim được tổ chức nước ngoài lựa chọn - dù là để chiếu rạp thương mại kiếm tiền hay chiếu ở liên hoan phim cho giới phê bình, giới chuyên môn - đó vẫn là một sự lựa chọn thông qua ban bệ, giám tuyển, phục vụ lợi ích nhất định cho họ về kinh doanh hoặc về uy tín, danh tiếng.
Khi xem phim Việt vẫn chỉ là khán giả Việt
Riêng về dòng phim thương mại, trước Mai của Trấn Thành, đã có hơn 10 phim Việt được chiếu rạp thương mại quốc tế, tạo thành một luồng phim chiếu rạp quốc tế - điều mà nhiều nhà làm phim đã bày tỏ mong muốn với Tuổi Trẻ từ nhiều năm trước.
Đó là: Hai Phượng của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, Lật mặt 5 và Lật mặt 6 của đạo diễn Lý Hải, Kẻ ăn hồn và Chuyện ma gần nhà của Trần Hữu Tấn, Bố già và Nhà bà Nữ của Trấn Thành;
Người vợ cuối cùng và Thiên thần hộ mệnh của Victor Vũ, Thang máy của Peter Mourougaya (đạo diễn nước ngoài làm phim Việt Nam), Đất rừng phương Nam của Nguyễn Quang Dũng...
Không phải phim nào cũng đạt doanh thu triệu USD ở nước ngoài như Mai và Bố già. Và dù là ở nước ngoài nhưng những khán giả đến rạp xem phim Việt Nam vẫn chủ yếu là người Việt, gốc Việt.
Điều này không có gì đáng để dè bỉu, chỉ đơn giản là nền điện ảnh của chúng ta chưa thực sự nổi tiếng, các phim cũng có tính địa phương quá cao nên chưa thu hút khán giả quốc tế.
Phim Mai của Trấn Thành hiện thu hơn 540 tỉ đồng (tính cả thị trường quốc tế), hiện vào top 20 phim ăn khách nhất thế giới năm 2024 (nhiều khả năng sắp tới có thể tụt hạng nhưng đây vẫn là một tín hiệu vui).
Các phim trăm tỉ khác của Việt Nam cũng đạt mức hàng triệu USD theo tỉ giá hối đoái, không tệ so với một nền điện ảnh thương mại vẫn còn non trẻ (phim thương mại đầu tiên là Gái nhảy, ra mắt cách đây 21 năm).
Với các thị trường điện ảnh lớn và lâu đời khác, đặc biệt là càng về những năm gần đây, những bộ phim được xếp vào nhóm xuất sắc nhất thường không phải là những phim có doanh thu cao nhất.
Điều đó tồn tại ở mọi nền điện ảnh chứ không riêng Việt Nam. Bởi luôn có một độ chênh nhất định giữa đỉnh cao nghệ thuật điện ảnh và phạm vi, giới hạn thưởng thức của số đông.
Oppenheimer - bộ phim vừa đại thắng Oscar vừa thu gần tỉ USD - vẫn là trường hợp hiếm cân bằng được hai yếu tố.
Còn Barbie - bộ phim thu 1,38 tỉ USD, ăn khách nhất thế giới năm 2023 và ăn khách nhất lịch sử 100 năm của hãng Warner Bros., lại nhận rất nhiều ý kiến trái chiều về chất lượng và trượt rất nhiều giải thưởng điện ảnh quan trọng.
Và con đường khác
Và không chỉ cần dòng phim thương mại, điện ảnh Việt vẫn cần ra thế giới theo một con đường khác nữa qua dòng phim nghệ thuật.
Liên tiếp những năm qua, Việt Nam có Ròm đoạt giải cho phim đầu tay hoặc phim thứ hai xuất sắc (New Currents) tại LHP Busan, Bên trong vỏ kén vàng đoạt giải Camera vàng tại LHP Cannes, Cu Li không bao giờ khóc đoạt giải Phim đầu tay xuất sắc tại LHP Berlin...
Điều đáng nói là vẫn còn nhiều phim nghệ thuật Việt đã và đang trong quá trình sản xuất và nhờ những thành công nhất định trong các năm qua, tiếp tục nhận được sự chú ý từ các ban tổ chức LHP.
Một điểm chung nữa, đó vẫn là những thành tích dành cho phim đầu tay, những bộ phim khởi đầu sự nghiệp. Luồng phim nghệ thuật Việt Nam tỏa sáng ở nước ngoài vẫn trông đợi độ trường sức trong sáng tạo từ các nhà làm phim tài năng này.
Chiếu ở Mỹ, phim Mai của Trấn Thành nhận ý kiến đa chiều. Có lời chê phim chưa đủ tầm ra thế giới, nhưng một cây bút phê bình trên Rotten Tomatoes khen phim gợi nhớ đến Past Lives.