Ly kỳ cuộc khai quật phát hiện Linga
Theo Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, Linga bằng vàng này được phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học năm 2013 tại di tích cụm tháp Po Dam, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.
Ông Nguyễn Xuân Lý - nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận - nhớ lại cuộc khai quật dài 2 năm do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Bảo tàng Bình Thuận thực hiện tại tháp Po Dam.
Cuộc khai quật này đã đưa lên khỏi lòng đất một số lượng kiến trúc, di vật cực kỳ phong phú, đa dạng về các loại hình, với nhiều thông tin mang lại hiểu biết mới về một nhóm đền tháp thuộc loại cổ nhất của nghệ thuật kiến trúc Champa hơn 1.300 năm trước.
Theo ông, vào buổi chiều trung tuần tháng 6 năm 2013, khi nhóm công nhân đang đào các lớp đất bên ngoài tường nhóm tháp Bắc bỗng phát hiện vật có màu vàng nằm sâu khoảng 50cm dưới lớp đất trộn sỏi, gạch bể.
Ban đầu ai cũng biết hiện vật này là vàng nhưng không rõ là vật gì, chức năng như thế nào và tại sao lại chôn ở đó... Do tính bảo mật, di vật được "hộ tống" về Bảo tàng tỉnh Bình Thuận ngay trong đêm.
Thông qua việc giám định, các nhà khoa học khẳng định đây là đầu chiếc Linga bằng vàng ròng (vàng có độ tinh khiết cao, không như vàng non trong những chiếc chén phát hiện ở tháp Pô Klong Garai năm 1984 ở Ninh Thuận).
Tác phẩm được chế tác độc đáo
Ông Lý phân tích thêm so với những Linga bằng vàng phát hiện trong di tích Champa hay văn hóa Óc Eo thì Linga bằng vàng ở Po Dam có kích thước, khối lượng và hàm lượng vàng lớn hơn nhiều lần.
Tuy nhiên giá trị chính của Linga ở Po Dam không nằm ở chỗ 78,3630g vàng ròng mà ở cấu trúc chiếc Linga, xuất xứ, niên đại, tính hiếm và nghệ thuật chế tác thủ công.
Linga được chế tác bằng phương pháp đúc từ khuôn chứ không phải bằng phương pháp gò hay dập nổi như đa phần di vật vàng phát hiện ở văn hóa Óc Eo hay ở khu đền tháp Cát Tiên - Lâm Đồng. Điều đặc biệt là Linga phát hiện trong địa tầng khai quật.
Những chi tiết trên Linga hình tròn, thân trong và ngoài trơn nhẵn, dưới đế chạy những đường viền mỏng… thể hiện rất tinh tế, chứng tỏ xưa kia những người thợ thủ công Chăm đã đạt đến một trình độ khá cao trong nghệ thuật kim hoàn.
Đến nay Linga vàng ở Po Dam là một trong những tác phẩm hiếm hoi được biết đến trong nghệ thuật Champa nói chung và Bình Thuận nói riêng.
Cùng với những di vật độc bản khác như bia ký, chiếc thước đồng, gương đồng, bộ nhạc khí… thì Linga vàng là một phát hiện quan trọng của cuộc khai quật này.
Nghiên cứu về văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng của Vương quốc Champa trong những giai đoạn hưng thịnh cho thấy mỗi vị vua sau khi lên ngôi hay lập được một chiến công hiển hách thường cho xây mới hay tu bổ các tháp cũ, đúc tượng vàng dâng hiến cho thần Shiva là vị thần tối cao.
Đó là món quà quan trọng và quý giá nhất mà các vị vua Champa dâng lên thần Shiva. Linga vàng ở Po Dam cũng là trường hợp như thế. Thần Shiva ở tháp Po Dam chính là hiện thân ở ngẫu tượng Linga - Yoni bằng đá thờ ở nhóm tháp Bắc mà Henri Parmentier đầu thế kỷ XX đã khảo tả.
Tháng 1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận chiếc Linga bằng vàng ròng này là Bảo vật quốc gia. Dự kiến dịp Lễ hội Kate năm 2024, tỉnh Bình Thuận sẽ tổ chức lễ công bố quyết định này tại di tích tháp Pô Sah Inư, TP Phan Thiết.
Linga là dương vật, biểu tượng của sự sinh sản, của nguồn sống.
Trong Bà la môn giáo, Linga tượng trưng cho thần Shiva với tư cách là nguyên lý nhân - quả (phá hủy và tái sinh), là sự sinh sản, là những vật thờ quan trọng trong các di tích kiến trúc tôn giáo cổ thuộc văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam và các nền văn hóa - quốc gia cổ đại khác trong khu vực Đông Nam Á.
Linga là loại hình hiện vật tiêu biểu cho dấu ấn lịch sử mạnh mẽ của văn hóa Ấn Độ đối với vùng đất Nam Bộ và khu vực Đông Nam Á, đặc biệt trong nửa sau thiên niên kỷ I Công nguyên.
Đây còn là bằng chứng quan trọng trong nhận diện lịch sử phát triển của các hoạt động trao đổi thương mại, tương tác, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa cư dân bản địa với văn hóa Ấn Độ, phản ánh quá trình truyền bá - ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến vùng đất này trong lịch sử.
Việc này chứa đựng những thông tin khoa học quan trọng, có giá trị lớn đối với công tác nghiên cứu và nhận thức các vấn đề văn hóa - lịch sử liên quan đến di tích Po Dam và văn hóa Champa.
TTO - Ngày 18-8, Sở Văn hóa - thể thao tỉnh Bình Định tổ chức báo cáo sơ bộ kết quả khai quật phế tích Châu Thành (phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn) đợt 2 và 3 với nhiều hiện vật từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 6.