Theo tờ Philstar của Philippines, Tổng thống Marcos đã ký sắc lệnh 57 "để giải quyết toàn diện" các vấn đề xuyên suốt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển.
Sắc lệnh này được ký hôm 25-3 nhưng mới được công bố hôm nay 31-3.
Sắc lệnh này nhấn mạnh bất chấp các nỗ lực, Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với một loạt thách thức nghiêm trọng đe dọa không chỉ sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước "mà còn cả sự tồn tại hòa bình của người dân Philippines", bao gồm cả quyền cơ bản như quyền được sống trong hòa bình và tự do, không sợ bạo lực hay bị đe dọa.
Việc ban hành sắc lệnh diễn ra sau khi Tổng thống Marcos cho biết Philippines sẽ thực hiện các biện pháp nhằm chống lại "những cuộc tấn công bất hợp pháp, cưỡng ép, hung hãn và nguy hiểm" của lực lượng hải cảnh cùng dân quân biển Trung Quốc.
Nhà lãnh đạo Philippines cũng tuyên bố nước này sẽ "không im lặng hay khuất phục" sau các vụ đối đầu giữa tàu công vụ Philippines với tàu Trung Quốc.
Theo sắc lệnh 57, Hội đồng giám sát bờ biển quốc gia (NCWC) sẽ được đổi tên và tổ chức lại thành Hội đồng hàng hải quốc gia.
Đây sẽ là cơ quan cấp trung ương, chịu trách nhiệm xây dựng các chính sách và chiến lược nhằm đảm bảo khuôn khổ phối hợp hiệu quả cho an ninh hàng hải.
Số lượng cơ quan hỗ trợ hội đồng được tăng từ 9 lên 13, bao gồm cả cơ quan vũ trụ và Viện Hàng hải và Luật Biển của Đại học Philippines.
Một số thành viên của hội đồng bao gồm người đứng đầu các bộ Quốc phòng, Nông nghiệp, Năng lượng, Tài nguyên và môi trường, Cơ quan điều phối tình báo quốc gia...
Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về Biển Tây Philippines (cách Manila gọi Biển Đông - PV) sẽ trực thuộc hội đồng. Lực lượng này chịu trách nhiệm điều phối, đồng bộ hóa và triển khai năng lực của các cơ quan chính phủ khác nhau để đạt được "hành động thống nhất" trên Biển Đông.
Ban Thư ký NCWC cũng được đổi tên thành Văn phòng tổng thống về các vấn đề hàng hải, với nhiệm vụ cung cấp các tư vấn, nghiên cứu, hành chính và kỹ thuật cho hội đồng.
Sắc lệnh 57 cũng cho biết Trung tâm hàng hải quốc gia là nơi thu thập và phổ biến thông tin liên quan đến an ninh hàng hải.
Mối quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh đã xấu đi dưới thời ông Marcos, khi ông tăng cường quan hệ quốc phòng với Washington và cứng rắn trước các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông.
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bác bỏ yêu sách của các nước khác bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS 1982.
Hiện Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì. Bộ Ngoại giao và truyền thông Trung Quốc trong nhiều tuần qua đã cáo buộc Philippines khiêu khích, kích động đối đầu và phá hoại hòa bình, ổn định trên Biển Đông.
Thời gian qua Philippines tố tàu hải cảnh Trung Quốc và các tàu khác đã "quấy rối", "ngăn chặn" và thực hiện các hành động "nguy hiểm" nhằm vào tàu Philippines ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết nước này muốn giải quyết các tranh chấp trên biển với Trung Quốc một cách hòa bình, nhưng Bắc Kinh "hãy dừng quấy rối chúng tôi".
Trong khi đó Mỹ (đồng minh hiệp ước của Philippines) lên án việc Trung Quốc liên tục cản trở các tàu Philippines thực hiện quyền tự do hàng hải trên biển và làm gián đoạn hoạt động tiếp tế cho quân nhân ở bãi Cỏ Mây.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Washington giữ vững cam kết bảo vệ đồng minh Philippines nếu Manila bị tấn công vũ trang ở Biển Đông.
Hiệp hội Phóng viên nước ngoài của Philippines (FOCAP) bác bỏ và lên án tuyên bố của Trung Quốc sau khi Bắc Kinh nói Manila đưa nhà báo lên tàu ở Biển Đông để ngụy tạo các video nhằm khiến mình trông giống nạn nhân.