Sáng 28-2, tại bến chờ xe buýt Công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM), khi chiếc xe buýt đang dần vào bến, nữ tiếp viên nhắc đi nhắc lại câu nói: “Bà con đeo khẩu trang chỉnh tề mới rước lên xe buýt, lộ hai lỗ mũi cũng không được, mùa dịch mà…”.
Tập thói quen đeo khẩu trang
Ngồi chờ tại bến xe từ sáng sớm, bà Hồ Ngọc Hoa (55 tuổi) cho biết bà bắt xe buýt số 34 đi về quận 7. Nhà bà ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Bà thích đi xe buýt vì rộng rãi, thoải mái, an toàn lại rẻ. Chỉ tấm vé trên tay, bà Hoa cười bảo từ đây về quận 7 có 6.000 đồng thôi.
Nay ra Công viên 23-9 bắt xe buýt, được nhận khẩu trang, nước rửa tay miễn phí, bà mừng lắm. “Phường tôi cũng tặng, tôi để chai nước rửa tay to ở nhà để cả nhà xài chung. Đi về nhà, trước khi bế cháu… phải rửa tay sạch sẽ. Mới đầu bắt đeo khẩu trang cũng khó chịu lắm, thở không được, ngứa lỗ mũi nhưng đeo riết cũng quen rồi. Giờ ra đường cũng không biết ai bệnh hay không, đeo khẩu trang là chắc ăn nhất” - bà Hoa nói.
Cũng ngồi tại trạm xe buýt, chị Sáu lại hài hước hơn kể chuyện giờ không mang khẩu trang ra đường giống như chẳng mặc áo quần. Lấy chiếc khẩu trang vừa được tặng trong túi áo ra thay cho chiếc khẩu trang đang mang bị rộng rớt xuống mũi. “Họ tặng chai nước rửa tay với khẩu trang. Chai nước rửa nhỏ nhỏ, xách đi đâu cũng tiện, làm gì cũng phải rửa tay sạch, nhất là nhà có cháu nhỏ” - chị Sáu nói.
Anh Lê Đức Thành gửi tặng món quà nhỏ cho hành khách đi xe.
Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Không mang khẩu trang: Không phục vụ!
Tiếp viên Nguyễn Hồng gắn bó với công việc này đã hơn ba năm nay. Mùa dịch COVID-19, việc đeo khẩu trang là yêu cầu bắt buộc. Những ngày đầu, việc yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi lên xe buýt còn gặp nhiều khó khăn do thói quen của người dân.
Tiếp viên Hồng kể chị nói với hành khách rằng tình hình dịch đang căng thẳng, quý khách vui lòng mang khẩu trang để tiếp viên dễ làm việc. Thêm vào đó là người dân cũng dần ý thức được nên sau này hãn hữu chỉ vài trường hợp hành khách say xỉn mới quên hoặc tỏ ra khó chịu.
“Đa số người dân đều chấp hành đầy đủ. Với những trường hợp không chấp hành thì mình để dành vài cái cho thêm” - chị Hồng cười rồi tạm biệt để bắt đầu hành trình.
Ông Mai Đức Chinh, nhân viên phục vụ xe buýt tuyến 72 (Công viên 23-9 - Hiệp Phước), cho biết đa phần người dân đều chấp hành vì sức khỏe của bản thân và gia đình. Năm nay ông đã ngoài 60 tuổi, là năm thứ tư ông gắn bó với nghề. “Hành khách cũng có ý thức phòng chống dịch lắm. Thi thoảng, hiếm lắm mới có vài trường hợp quên, mình nhắc nhở. Họ không có thì mình có trang bị vài cái thêm, mình tặng bà con” - ông Chinh nói.
Chạy liên tục giữa trời nắng nóng để tặng khẩu trang, nước rửa tay cho người dân, anh Lê Đức Thành (Trung tâm Quản lý giao thông công cộng) chia sẻ: “Thời gian đầu người ta không quen, mình vận động, nhắc nhở thì người dân hưởng ứng. Nếu đã nhắc nhở mà hành khách vẫn không tuân thủ, chúng tôi có quyền từ chối tiếp nhận và phục vụ”.
Trao tặng khoảng 2.000 khẩu trang y tế… Sáng 20-2, tại bến chờ xe buýt Công viên 23-9 đã diễn ra lễ “Khởi động hưởng ứng Tháng Thanh niên”. Chương trình do Đoàn thanh niên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Ban thường vụ Đoàn GTVT, Thành đoàn với sự đồng hành của nhãn hàng Aiken phối hợp tổ chức. Ông Nguyễn Văn Long, Bí thư Đoàn Sở GTVT, cho biết những hoạt động mà đoàn thanh niên sẽ thực hiện bao gồm: Phun khử trùng toàn bộ bến xe của Công viên 23-9, Bến xe Chợ Lớn, Bến xe quận 8; trao tặng khoảng 2.000 khẩu trang y tế, nước sát khuẩn y tế cho tiếp viên, tài xế, hành khách đi xe buýt. Chương trình nhằm nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19 trong cộng đồng. |