Ông Nguyễn Phương Đông - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố khẳng định, một trong những yếu tố ngành bán lẻ có doanh thu tăng bất chấp dịch COVID-19 là nhờ có nguồn hàng dồi dào, sản xuất công nghiệp không bị đứt gãy và hệ thống phân phối phát triển đa dạng.
Theo khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), đối với các doanh nghiệp (DN) thuộc nhóm ngành bán lẻ, có gần 42% DN chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19; 50% DN đánh giá tác động nghiêm trọng vừa phải và hơn 8% DN bị tác động ít, không đáng kể.
Nguồn hàng dồi dào, hệ thống phân phối phát triển đa dạng là một trong những yếu tố ngành bán lẻ tăng doanh thu trong mùa dịch COVID-19. |
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op (SGC) cho biết, 2020 là năm hết sức khó khăn cho nhà bán lẻ Việt Nam. "Ngay từ khi có thông tin về dịch, SGC đã xây dựng ít nhất 4 kịch bản khác nhau để thích ứng với hoàn cảnh mới và tất cả các kịch bản đề ra là đều không có lời. Thế nhưng, thú vị là kết thúc năm 2020, SGC đã có lãi", ông Đức nói.
Theo đó, SGC đã gấp rút tăng trữ lượng các mặt hàng thiết yếu, khẳng định vai trò chủ lực của mình trong việc cung ứng hàng hóa để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đặc biệt là các sản phẩm phòng dịch và các mặt hàng thiết yếu hằng ngày của người dân.
Bên cạnh đó, những kế hoạch kinh doanh SGC đưa ra từ đầu năm không thực hiện được đã thay bằng những kế hoạch chuyển hướng, ứng phó nhanh để phù hợp với tình hình thực tế bằng việc áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ theo xu hướng của Cách mạng công nghiệp 4.0 như thanh toán không tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc, phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng điện toán đám mây...
Năm 2020, SCG đã đạt doanh số hơn 36.000 tỷ đồng, giữ được mức tăng trưởng doanh số bình quân hằng năm hơn 26%. Năm 2021, SGC đã đặt mục tiêu phấn đấu phát triển mạng lưới đến 1.500 điểm bán và đa dạng hóa các loại hình bán lẻ.
Có thể thấy, dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều DN bị thiếu hụt nguồn vốn kinh doanh, đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi phần lớn nguồn hàng, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất có xuất xứ từ Trung Quốc, dẫn đến không ít DN ngành bán lẻ rơi vào tình trạng khó khăn. Mặc khác, thu nhập người lao động bị giảm sút do mất việc, giảm việc, khiến họ phải cắt giảm chi tiêu cũng đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu của ngành bán lẻ.
Trong điều kiện dịch COVID-19 hiện vẫn còn diễn biến khá phức tạp tại nhiều địa phương, ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao bộ phận Retail Intelligence của Nielsen Việt Nam cho rằng, bức tranh bán lẻ trong năm 2020 có nhiều thay đổi và sang năm 2021 vẫn tiếp tục thay đổi mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là người mua hàng. Vì vậy, việc nắm bắt thị trường của các đơn vị bán lẻ là hết sức quan trọng.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam, hộ gia đình có thu nhập 6 triệu đồng trở xuống bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu do ảnh hưởng của dịch bệnh; nhóm có thu nhập từ 8 - 20 triệu đồng cũng buộc phải điều chỉnh chi tiêu, chuyển từ các sản phẩm cao cấp sang sử dụng các mặt hàng bình dân hơn, chủ yếu rơi vào nhóm thực phẩm, thức uống; nhóm thu nhập cao, chi tiêu nhiều hơn do sử dụng các khoản dành cho du lịch, nghỉ dưỡng... "Trong năm 2021, thị trường bán lẻ ở kênh hiện đại vẫn tiếp tục là kênh tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh", ông Dũng nói.
Nếu như trước đây, NTD thường chọn đi chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để đến mua sắm, thì khi dịch COVID-19 xảy ra, NTD chuyển sang mua hàng online nhiều hơn. Nắm bắt hành vi tiêu dùng này, hiện các nhà bán lẻ cũng đã tập trung khai thác sâu các kênh bán hàng trực tuyến, các tiện ích (app) qua ứng dụng di động, tích hợp đa kênh phương tiện trong thương mại điện tử... Đây cũng là xu hướng mà các đơn vị bán lẻ đang tập trung khai thác trong điều kiện dịch COVID -19 vẫn còn hoành hành, ngành bán lẻ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Xem thêm: /933236-hcid-aum-gnort-el-nab-hnagn-auc-gnouh-uX/et-hniK/nv.moc.dnac