Sau 3 ngày liên tiếp nhận được cuộc gọi từ những đối tượng giả danh là công an, một người phụ nữ đã mất gần 2 tỷ đồng theo kịch bản mà các đối tượng đã tạo dựng.
"Anh ta nói hiện nay tôi đang bị truy nã và yêu cầu tôi phải chuyển tất cả số tiền vào số tài khoản của cơ quan điều tra", người phụ nữ cho biết.
Mặc dù đã nhiều lần từ chối cuộc gọi và nói là không có tiền nhưng các đối tượng dường như biết rất rõ lịch trình làm việc gần đây của nạn nhân, đồng thời cũng biết chính xác số tiền gần 2 tỷ đồng đang gửi tiết kiệm của nạn nhân.
Các đối tượng tội phạm thường xuyên khai thác các dữ liệu cá nhân, đặc biệt là thông tin liên quan đến tài khoản, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng để lừa đảo người dùng.
Trong vụ việc mới đây xảy ra tại quận Đống Đa, Hà Nội, một người phụ nữ này cũng đã mất 6 tỷ đồng vì hành vi giả danh như trên. Tinh vi hơn, lấy lý do bảo mật thông tin, các đối tượng đã yêu cầu nạn nhân tải và cài ứng dụng app giả danh Bộ Công an, trong app cũng yêu cầu nạn nhân phải nhập mã OTP.
"Họ yêu cầu tôi sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android tải phần mềm VN84, sau đó các đối tượng yêu cầu tôi điền thông tin cá nhân và số tài khoản ngân hàng, mã OTP", người phụ nữ cho hay.
Số liệu từ Bộ Công an cho biết, khoảng 3 năm lại đây, cơ quan công an đã ghi nhận hàng trăm vụ việc lừa đảo qua điện thoại. Các đối tượng đã thiết lập tổng đài gần giống với số của các cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát… để đe dọa các nạn nhân và chiếm đoạt tài sản từ vài ba trăm triệu cho đến hàng chục tỷ đồng. Các vụ việc có nhiều diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm trên là do tính bảo mật thông tin cá nhân tại Việt Nam chưa cao, rất dễ bị đánh cắp.
Bộ Công an khuyến nghị người dân không nên chia sẻ nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
"Các đối tượng tội phạm cũng thường xuyên khai thác các dữ liệu cá nhân, đặc biệt là thông tin liên quan đến tài khoản, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng để lừa đảo người dùng. Chúng tôi khuyến nghị người dân không nên chia sẻ nhiều thông tin cá nhân lên mạng xã hội", Đại tá Trương Sơn Lâm, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, nhấn mạnh.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, để hạn chế các tội phạm hoạt động trên không gian mạng tương tự như vụ việc trên, cần xây dựng bộ hành lang pháp lý phù hợp với thực tiễn, để có cơ sở xử lý.
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, trong thời gian tới Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan sẽ có những đề xuất, kiến nghị, rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp hơn với thực tiễn.
VTV.vn - Thời gian gần đây, những nhóm người yếu thế, nhẹ dạ đang là những con mồi béo bở mà các đối tượng lừa đảo tập trung nhắm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.69785848010301202-iv-hnit-gnout-neib-oad-aul-ed-na-gnoc-hnad-aig/et-hnik/nv.vtv