Hãng tin Channel News Asia cho biết lực lượng cảnh sát Thái Lan đã sử dụng vòi rồng và xịt hơi cay trong cuộc đối đầu với người biểu tình ở Bangkok hôm 28-2, bên ngoài tư dinh Thủ tướng nước này.
Ước tính có khoảng 2.000 người biểu tình đã tuần hành từ Tượng đài Dân chủ trong khu phố lịch sử của Bangkok tới khu vực mà lực lượng cảnh sát nước này tập trung lập rào chắn trước nơi Thủ tướng Prayut Chan-o-cha sống.
Một số người biểu tình đội mũ bảo hiểm và mang theo cờ đỏ, cố gắng vượt qua các chướng ngại vật và dây thép gai bao quanh khu vực. Các cuộc ẩu đả đã nổ ra sau đó giữa lực lượng biểu tình với phía cảnh sát chống bạo động bảo vệ con đường vào tư dinh Thủ tướng.
Cảnh sát sử dụng xe vòi rồng để giải tán đám đông biểu tình đang hướng về tư dinh Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ở Bangkok hôm 28-2. Ảnh: AFP
"Họ sử dụng mọi thứ để ngăn chặn người biểu tình: khiên, dùi cui, nước cùng một số hóa chất và đạn cao su" - một người biểu tình chia sẻ.
Cảnh sát Thái Lan đã sử dụng xe vòi rồng và xịt hơi cay trong nỗ lực giải tán đám đông biểu tình. Đây là lần đầu tiên lực lượng cảnh sát phải sử dụng vũ khí phi sát thương tại một cuộc biểu tình ở Bangkok trong vài tháng nay.
Quang cảnh hôm 28-2 trở nên hỗn loạn khi những người biểu tình bị trúng hơi cay la hét xin nước và nước muối để tẩy rửa lớp hóa chất trên mặt. Một số mặc áo mưa trong khi những người khác giơ tay lên trời hoặc giơ cao ba ngón tay - biểu tượng của sự phản kháng và tiếp tục biểu tình.
Người dân theo dõi những người biểu tình tuần hành tới tư dinh Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ở Bangkok vào ngày 28-2. Ảnh: AFP
Phong trào biểu tình ở Thái Lan nổ ra vào tháng 7-2020, thu hút sự tham gia của khoảng hàng chục nghìn người trong những lúc cao điểm, nhưng đã lắng hơn trong những tháng gần đây sau sự bùng phát của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai ở nước này.
Tuy nhiên, vụ việc bốn thủ lĩnh biểu tình bị bắt hồi tháng 1, với cáo buộc vi phạm Điều 112 của Bộ luật Hình sự và tội gây rối theo Điều 116 sau khi tham gia biểu tình tại khuôn viên Đại học Thammasat tháng 9 năm ngoái, đã khiến người dân phẫn nộ.
Điều 112 của luật hình sự Thái Lan cấm phỉ báng hoàng gia, trong đó quy định những ai "phỉ báng, lăng mạ hoặc đe dọa nhà vua, hoàng hậu, người thừa kế, hoặc các quan nhiếp chính" sẽ bị phạt tù với mức án từ ba tới 15 năm.
Theo CNA, bốn thủ lĩnh nằm trong số 58 người biểu tình phải đối mặt với các cáo buộc nghiêm trọng và có khả năng chịu tới 15 năm tù cho mỗi tội danh nếu bị kết tội.
Những người dân biểu tình yêu cầu chính quyền viết lại hiến pháp do quân đội soạn thảo và công khai kêu gọi cải cách chế độ quân chủ, vốn là một điều cấm kỵ ở quốc gia này.