Cơn sốt tiền ảo Pi đang lên cao
Chánh Trung
(TBKTSG Online) - Bitcoin tăng giá đã khiến nhiều người đổ xô tham gia vào các dự án tiền ảo trong đó có dự án Pi Network đang được giới thiệu rầm rộ tại Việt Nam. Các hoài nghi về những điểm còn mập mờ của Pi Network khiến những người ủng hộ và phản đối tranh cãi gay gắt.
Quảng cáo rầm rộ về Pi xuất hiện ngày càng nhiều trên Facebook. Ảnh: Chánh Trung |
Cộng đồng tiền ảo Pi phát triển phi mã
Cộng đồng tiền điện tử Việt Nam từ cuối năm 2020, đầu năm 2021 đã lên cơn sốt về một loại tiền điện tử mới nổi của Pi Network với thông tin tràn ngập khắp các nhóm (group) Faebook. Trên trang chủ của Pi, họ giới thiệu Pi là một loại tiền điện tử chuyên dụng dành cho các thiết bị di động, có thể khai thác ngoại tuyến dễ dàng mà không tốn năng lượng nhờ sử dụng giao thức đồng thuận Stellar.
Ông Vũ Văn Thành, một người chơi Bitcoin tại TPHCM: “Trên thế giới có hơn 8 ngàn đồng tiền ảo khác nhau. Có đồng tiền thành công, có giá trị cao tuy nhiên cũng có hàng trăm dự án phát triển “lẹt đẹt”, giá trị đồng tiền dưới 1 đô la thậm chí chỉ có giá trị 0.001 đô la. Tại Việt Nam cũng có hàng chục loại tiền điện tử ra đời, 2/3 số này là lừa đảo, không có có thật như các dự án BTCV, DRK, iFan, Pincoin, Bitconnect… Những dự án này đã lừa đảo của người dùng từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đô la. Nhiều người bán đất, bán nhà tham gia vào các dự án này nhưng cuối cùng tay trắng. Một số dự án là có thật nhưng không có vốn, không đủ công nghệ, kế hoạch cụ thể… nên sau một thời gian giới thiệu thì giờ giá trị đi xuống, sống “vất vưởng” mà không ai quan tâm. Vì vậy nếu ai muốn tham gia thị trường này thì nên tìm hiểu kỹ nếu không chỉ mất thời gian, mất tiền vô ích”. |
Nhiều chuyên gia, những người chơi tiền ảo lâu năm hoài nghi về dự án này khi nó xuất hiện từ tận 2017 nhưng đến nay vẫn chẳng có gì mới mẻ ngoài những lời tự giới thiệu hấp dẫn.
Theo tự giới thiệu của Pi Network, đây là một nền tảng tiền điện tử dựa trên kỹ thuật Blockchain được phát triển bởi những tiến sĩ từ đại học Mỹ danh tiếng Stanford. Đây là một loại tiền điện tử chỉ có thể khai thác thông qua App (ứng dụng) trên điện thoại thông minh (smartphone).
Pi Network cho biết, ưu điểm nổi bật của họ là người tham gia có thể tắt app hay tắt kết nối mạng (offline) mà vẫn có thể khai thác tạo ra đồng Pi mỗi 24 tiếng. Việc khai thác Pi không lãng phí quá nhiều tài nguyên (phần cứng, điện) như những ứng dụng đào tiền ảo (coin) miễn phí khác.
Việc tạo ra đồng Pi dựa trên Blockchain với giao thức đồng thuận Stellar (Stellar Consensus Protocol - SCP) và hệ thống vòng tròn bảo mật của Drake.
Trên mạng xã hội Facebook có hàng chục nhóm về Pi được lập ra, có những nhóm có thành viên lên đến 500.000 người. Các thành viên này liên tục đăng tải các bài viết giới thiệu kiểu "Pi có thể sẽ là một Bitcoin thứ 2, một cơ hội mới cho những ai lỡ chuyến đò Bitcoin”.
Có rất nhiều người đặt niềm tin vào việc Pi cũng sẽ có diễn biến tương tự Bitcoin nên đổ xô tham gia, rủ rê bạn bè, người thân cùng tham gia. Không chỉ quảng bá rầm rộ về tiền ảo Pi trên mạng xã hội, cộng đồng những người tham gia Pi Network còn chỉ trích những ai có ý kiến trái chiều về dự án này.
Bên cạnh đó những chuyên gia cũng phân tích kỹ thuật những dấu hiệu chưa rõ ràng của dự án này. Chủ dự án Pi Network không công khai mã nguồn của dự án nên không ai biết họ có sử dụng giao thức đồng thuận này hay không.
Dù đây không phải là điều bắt buộc với một dự án Blockchain, nhưng công khai mã nguồn có thể chứng minh họ rằng là một dự án khai thác đồng coin thực sự.
Các thắc mắc về Pi sau khi khi công bố đã bị công đồng Pi tấn công, chỉ trích gay gắt đến mức có một số chuyên gia phải xóa bài viết, thậm chí đóng cả Facebook cá nhân.
Chuyên gia Blockchain: Nhiều điểm chưa rõ ràng
Liên quan đến những nguy cơ tiềm ẩn của phần mềm đào tiền ảo Pi Network, TS Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ tịch CLB FinTech (thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Trưởng Lab Blockchain (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) cho biết: Đến thời điểm này chưa có giao dịch nào được thực hiện, vậy thì đào có tác dụng gì?. Đào là một quá trình để xác thực các giao dịch, mà chưa có Ledger/Blockchain chưa có giao dịch thì không rõ đào xác thực cái gì.
Ngay cả việc xác thực dựa trên “vòng tròn tin tưởng” cũng là một khái niệm mơ hồ, không có bảo đảm toán học cho nó. Bạn có tài khoản nhưng không có Private Key, không có địa chỉ ví thì sau này làm sao mà bạn chuyển tiền hay tiêu tiền được, tiền mã hóa bao giờ cũng phải có Private Key mới sử dụng, khác với loại ví điện tử như MoMo/ZaloPay... thì không cần Private Key vì những ví này không phải dựa trên Blockchain.
Tiền mà bạn đào được vì không có Mainnet hay Testnet, không có chỗ nào để lưu (chưa có Ledger hay Blockchain) thì có nghĩa là tiền của bạn chỉ lưu ở mỗi máy của bạn hoặc trên máy chủ (server) tập trung. Mà trên server thì admin tha hồ thay đổi, họ muốn tạo ra bao nhiêu Pi mà chẳng được, ai mà biết được (mã nguồn thì đóng).
Một nguyên tắc bất di bất dịch trong Blockchain là minh bạch, nhưng dự án hiện đã có app mobile (Pi Network) và Backend Server thì tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét?, tại sao phải đóng?, câu trả lời hiện vẫn chưa có. Với việc đóng mã nguồn ai sẽ là người kiểm soát, liệu chủ dự án có tự thưởng cho mình hàng tỉ Pi hay không?”.
Phần mềm của Pi Network còn chứa nhiều thư viện có chức năng hiển thị quảng cáo từ Google, Facebook và TikTok. Với hơn 13 triệu người dùng đang sử dụng ứng dụng Pi Network thì số tiền quảng cáo (nếu có) thu được sẽ không nhỏ. Lượng dữ liệu mà Pi Network thu thập có thể đem lại giá trị rất lớn cho các nhà sáng lập dự án nếu họ bất chấp quyền riêng tư của người dùng đem bán cho bên thứ ba, các chuyên gia công nghệ tài chính cho hay.
Mở cả sàn mua bán hàng hóa bằng Pi
Giao diện sàn thương mại được lập ra để trao đổi hàng hóa bằng tiền ảo Pi. Ảnh: Chánh Trung |
Không chỉ rầm rộ quảng cáo trên mạng xã hội, một trang thương mại sử dụng đồng Pi có tên Pimar***.vn còn được thành lập để người sở hữu đồng tiền này thanh toán, mua bán và trao đổi hàng hóa. Trang này quảng cáo: “Tỉ giá đồng Pi Network dựa vào sự đồng thuận của các Pioneer.
Tùy vào khu vực, quốc gia mà đồng Pi sẽ có giá trị khác nhau. Hiện tại ở Việt Nam, đa số các Pioneer đang đồng thuận giá 1 Pi gần bằng 100.000 đồng. Danh sách cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng đồng Pi bao gồm tất cả các cá nhân, cửa hàng đồng ý trao đổi, thanh toán sản phẩm, dịch vụ của mình trên Pimar***.vn. Các tỉ lệ trao đổi bao gồm: trao đổi bằng 100% đồng Pi, 50% Pi + 50% VNĐ, 40% Pi + 60% VNĐ, hoặc 30% Pi +70% VNĐ.
Danh mục hàng hóa được niêm yết trên trang này có các sản phẩm điện tử, thời trang, ô tô, xe máy, cho đến thực phẩm, dịch vụ... Về cách giao dịch, trang này khuyến nghị các bên nên thực hiện trực tiếp. Ngoài ra, còn có các hình thức trung gian qua một tài khoản Pi hoặc theo cách gián tiếp, người mua tự liên hệ với bên bán để xác nhận thông tin, tình trạng sản phẩm cũng như thỏa thuận phương thức thanh toán, phí giao hàng”.
Qua kiểm tra chúng tôi nhận thấy trang thương mại sử dụng đồng Pi này không công bố thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức cụ thể nào. Tuy nhiên, phần giới thiệu cho biết trang này thuộc sở hữu và vận hành bởi “tập thể những người tiên phong tại Việt Nam”, cách gọi thường thấy của các nhà đầu tư Pi.
Sau một thời gian hoạt động từ năm 2020 đến ngày 27-2-2021 vừa qua, trang này đột nhiên thông báo: “Do Pi Network chưa được nhà nước công nhận là đồng tiền dùng để thanh toán nên website đã gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm đã đăng”. Dù đã gỡ bỏ các sản phẩm song đến ngày 28-2 chúng tôi kiểm tra thì các bài viết giới thiệu về Pi vẫn còn tồn tại trên trang này.
Quy định tại Khoản 6, Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng thì các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 50-100 triệu đồng. |
Xem thêm: lmth.oac-nel-gnad-ip-oa-neit-tos-noc/911413/nv.semitnogiaseht.www