Tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước
Song Nghi
(TBKTSG Online) - Từ ngày 1-3-2021, Tổng cục Thống kê triển khai tổ chức điều tra thu thập thông tin tổng điều tra kinh tế năm 2021 trên phạm vi cả nước. Tổng điều tra được triển khai 5 năm một lần, có quy mô lớn và độ phức tạp nhất của ngành thống kê.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tổng điều tra lần này được tổ chức theo Quyết định số 307/QĐ-TTg ngày 27-2-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra kinh tế Trung ương cho biết, kết quả tổng điều tra là một trong những cơ sở quan trọng biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP), Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) và các chỉ tiêu thống kê chính thức của các chuyên ngành thống kê.
Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021 Trước đó, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 752/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021 gồm 18 thành viên; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng và ban hành phương án Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021; tổ chức điều tra thí điểm để hoàn thiện về nghiệp vụ và công tác tổ chức chỉ đạo, triển khai cuộc Tổng điều tra; tổ chức chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra theo đúng phương án được phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định thành lập Tổ Thường trực Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021 giúp việc Ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Kinh tế Trung ương năm 2021 sử dụng con dấu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ. |
Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi năm gốc so sánh, phục vụ biên soạn các chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội; xây dựng dàn mẫu chủ về cơ sở kinh tế cho các cuộc điều tra chọn mẫu trong giai đoạn tiếp theo của ngành thống kê, các Bộ, ngành và địa phương.
Tổng điều tra thực hiện trên phạm vi cả nước đối với tất các đơn vị điều tra thuộc các loại hình kinh tế, ngành kinh tế (trừ hoạt động của Đảng Cộng sản, tổ chức chính trị - xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc).
Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin là: thông tin định danh của cơ sở; ngành hoạt động sản xuất, kinh doanh; loại hình hoạt động; thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; thông tin về kết quả và chi phí xuất kinh doanh; thông tin về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin; thông tin về tình hình tiếp cận tài chính, hội nhập kinh tế quốc tế và thông tin chuyên sâu về đơn vị điều tra.
Thời gian thu thập thông tin: đối với doanh nghiệp, hợp tác xã từ ngày 1-3 đến hết ngày 30-5-2021; đối với đơn vị sự nghiệp, hiệp hội từ ngày 1-3đến hết ngày 30-4-2021; đối với hộ xuất kinh doanh cá thể từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-7-2021; đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng từ ngày 1-7 đến hết ngày 30-7-2021.
Tổng điều tra kinh tế năm 2021 thực hiện điều tra toàn bộ kết hợp với điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ thu thập các thông tin cơ bản; điều tra chọn mẫu thu thập thông tin chuyên sâu về đối tượng điều tra.
Về phương pháp thu thập thông tin: Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, hiệp hội, đơn vị điều tra thực hiện cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Tổng điều tra kinh tế 2021.
Đối với hộ xuất kinh doanh cá thể và đơn vị tôn giáo, tín ngưỡng, điều tra viên đến từng đơn vị gặp người cung cấp thông tin (chủ cơ sở) phỏng vấn trực tiếp, kết hợp quan sát để ghi đầy đủ các câu trả lời vào phiếu điều tra điện tử trên thiết bị di động.
Dự kiến, cuộc tổng điều tra sẽ công bố kết quả sơ bộ tháng 12-2021; công bố kết quả chính thức vào tháng 1-2022.
Dựa trên kết quả của tổng điều tra có thể đánh giá sự phát triển về số lượng, quy mô và lao động của các cơ sở kinh tế; kết quả sản xuất kinh doanh (xuất kinh doanh); mức độ ứng dụng công nghệ thông tin; cơ cấu, sự phân bố của các cơ sở và của lao động theo địa phương, theo ngành kinh tế và theo hình thức sở hữu nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý của Đảng, nhà nước, các Bộ, ngành và địa phương.
Trước đó, Tổng cục Thống kê đã triển khai điều tra thí điểm tại 4 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hải Phòng, Phú Yên, Tiền Giang. Từ đó, nêu ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện hơn cho cuộc Tổng điều tra kinh tế năm 2021.
Tổng hợp từ TTXVN
Xem thêm: lmth.coun-ac-iv-mahp-nert-1202-man-et-hnik-art-ueid-gnot/231413/nv.semitnogiaseht.www