Đến nay Hải Dương đã ghi nhận 665 ca bệnh. Tỉ lệ người lành mang bệnh lên đến 80%, cao gấp đôi so với các đợt dịch trước đây - Ảnh: PHẠM TUẤN
Thông tin này được GS.TS Trần Như Dương - phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương - cho biết tại cuộc họp trực tuyến đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch COVID-19 và bàn, thống nhất các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy sáng 1-3.
Chưa để 1 ca bệnh COVID-19 nào tử vong
Theo ông Dương, thời điểm này Hải Dương ghi nhận 665 ca bệnh nhưng chưa để bất cứ 1 trường hợp tử vong nào.
Ông Dương đánh giá, việc chống dịch lần này ở Hải Dương rất phức tạp và khó khăn hơn nhiều so với các đợt dịch trước đây.
Đầu tiên, dịch ở Hải Dương lần này là do biến chủng kiểu Anh, virus có khả năng lây lan rất nhanh và mạnh.
Thứ 2, tỉ lệ người lành mang bệnh lên đến 80%, cao gấp đôi so với các đợt dịch trước đây. Chính vì vậy rất khó phát hiện các ca bệnh thông qua các biện pháp giám sát thông thường mà bắt buộc phải thông qua xét nghiệm diện rộng.
Lực lượng CDC Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở ổ dịch xã Kim Liên, huyện Kim Thành - Ảnh: CHÍ TUỆ
Thứ 3, ổ dịch ở Chí Linh và huyện Cẩm Giàng được phát hiện muộn gây nên lây nhiễm lớn, khó kiểm soát và đã tạo ra những trọng điểm dịch phức tạp. Sau đó, chúng ta đã quyết liệt và cơ bản đã giải quyết được.
Tại Chí Linh, dịch xảy ra ban đầu ở môi trường khu công nghiệp đông công nhân nên lây nhiễm cao và tạo ra mối liên quan dịch tễ lớn trong cộng đồng dân cư ở nhiều nơi khác nhau trong tỉnh. Có 6, 7 huyện bị "dính" bởi công nhân cư trú ở đây về và dương tính, trở thành những điểm dịch.
Còn tại Cẩm Giàng, dịch xuất phát từ dịch vụ nhạy cảm là karaoke nên mối liên quan dịch tễ càng lớn và việc truy vết rất khó khăn. Nhờ có lực lượng công an quyết liệt kịp thời mới khoanh vùng, dập dịch thành công chứ không phải dễ dàng.
Hơn nữa dịch xảy ra gần Tết và dồn dập với số ca mắc lớn trong một thời gian ngắn nên ở giai đoạn đầu khó khăn lại càng khó khăn hơn: phải tổ chức cách ly tập trung F1 với số lượng quá lớn, công tác xét nghiệm đòi hỏi phải nhanh, số lượng bệnh phẩm đổ về hàng ngày cao gấp vài chục lần so với bình thường...
"Việc chúng ta thần tốc quyết đoán khoanh vùng ngay được tâm dịch POYUN là một trong những thành công rất lớn của tỉnh, đóng góp rất quan trọng cho chống dịch cũng như ở Chí Linh, ở toàn tỉnh Hải Dương và giữ an toàn cho cả nước" - ông Dương nói.
Hải Dương tiếp thu và khắc phục ngay những tồn tại trong chống dịch
Sau 33 ngày sát cánh với Hải Dương chống dịch, ông Dương nhận thấy đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã rất nỗ lực, quyết liệt và kịp thời trong chống dịch.
Hải Dương cũng đã rất trách nhiệm cùng cả nước chống dịch với tinh thần chống dịch không chỉ riêng cho Hải Dương mà còn để giữ an toàn cho cả nước.
Tỉnh cũng đã rất cầu thị, tiếp thu và khắc phục ngay những vấn đề tồn tại mà Trung ương yêu cầu.
Ổ dịch ở Chí Linh xuất phát từ công ty POYUN đến nay đã được dập tắt - Ảnh: ANH CƯỜNG
"Ngày mùng 3 Tết, đoàn công tác của Trung ương rất lo lắng về việc có thể có những lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung và đề nghị tỉnh phải khắc phục ngay. Ngay tối hôm đó, tỉnh đã lập tức cho chuyển toàn bộ công nhân của công ty POYUN sang cách ly tập trung tại một số cơ sở sang địa điểm mới. Đồng thời cho giãn cách tối đa các khu cách ly tập trung, siết chặt kỷ cương kỷ luật tại các khu cách ly" - ông Dương nói.
Sớm dập tắt ổ dịch Kim Thành
Tuy nhiên, ông Dương cũng nhấn mạnh nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn hoàn toàn có thể xảy ra nếu tỉnh Hải Dương lơ là, chủ quan không tiếp tục thực hiện tốt, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch.
Hải Dương phải coi việc phòng chống dịch COVID-19 một cách quyết liệt, thường xuyên, liên tục, là một phần của cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.
Người dân xã Kim Liên, huyện Kim Thành xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: CHÍ TUỆ
"Trước mắt tỉnh cần tập trung nguồn lực cao nhất, quyết liệt khoanh vùng để dập tắt ổ dịch ở huyện Kim Thành trong thời gian sớm nhất" - ông Dương nói.
Ông Dương đề nghị tỉnh cũng nên định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, chọn mẫu cho một số nhóm người có nguy cơ cao, một số cộng đồng có nguy cơ cao, một số công ty nhà máy để đánh giá nguy cơ và theo dõi tình hình dịch trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời giám sát kế hoạch chỉ đạo của Trung ương để có kế hoạch chuẩn bị cũng như triển khai thật tốt việc tiêm vắc xin COVID-19 trên địa bàn trong thời gian sắp tới theo sự phân bổ của tỉnh, Trung ương.
TTO - Tỉnh Hải Dương kết thúc giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ thị 16 của Thủ tướng đúng thời hạn từ 0h ngày 3-3. Đồng thời chuyển toàn tỉnh sang trạng thái mới, 'thực hiện mục tiêu kép'.