Gần đây, độc giả rất quan tâm đến việc Việt Nam xuất siêu 19 tỷ USD hàng hóa nhưng lại nhập siêu tới 12 tỷ USD dịch vụ. Trung bình giai đoạn 2011-2019, mỗi năm cả nước nhập siêu 3 tỷ USD dịch vụ. Riêng năm 2020 con số này tăng vọt lên 12 tỷ USD. Theo ông, tại sao lại có sự đột biến này?
Năm 2020 là một năm rất đặc biệt. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng cũng như thế giới nói chung đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.
Một trong những cách ứng phó của Việt Nam và các nước là phong tỏa biên giới và các hoạt động giao thông quốc tế để chống dịch, cho nên hầu như không có khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Như vậy, xuất khẩu dịch vụ của chúng ta giảm rất nhiều đến mức gần như bằng không.
Mặt khác, nhập khẩu dịch vụ lại có xu hướng tăng lên. Vì chúng ta xuất siêu hàng hóa rất lớn, nên đương nhiên chi phí cho các dịch vụ hàng hải, vận tải quốc tế tăng cao. Hai yếu tố đó kết hợp đã tạo ra chênh lệch lớn, lên tới 12 tỷ USD.
Thời gian qua, cũng có nhiều lo ngại về việc dòng tiền trong nền kinh tế đang không chảy vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mà là các hoạt động mang tính đầu cơ. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Rất khó phân biệt giữa đầu tư ngắn hạn và đầu cơ, nên nếu bây giờ chúng ta cho rằng dòng tiền đó được mang đi đầu cơ thì có lẽ là hơi nóng vội, và tạo ra kỳ vọng không tốt cho môi trường đầu tư.
Dòng vốn cũng giống như dòng nước, không bao giờ đứng yên, mà sẽ chảy từ chỗ này qua chỗ khác, nó cần có một kênh đầu tư, kênh tài sản để "dừng chân". Một lượng vốn quá lớn được bơm vào nền kinh tế trong năm 2020 để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và kích thích tiêu dùng, đầu tư công… giúp cho nền kinh tế không bị ngưng trệ, bị đổ vỡ.
Chúng ta phải hiểu, tiền bơm ra thì nó phải nằm ở đâu đó. Đâu ai để tiền trong két sắt, vì nó sẽ mất đi giá trị theo thời gian.
Chúng ta phải để tiền ở một tài sản hay kênh đầu tư nào đó. Nhưng sản xuất kinh doanh thì ngưng trệ, doanh nghiệp sản xuất không được, thì lẽ tất yếu, nhà đầu tư phải tìm những tài sản có tính chất bảo toàn giá trị như vàng, ngoại tệ và đất đai.
Năm 2020 kết thúc cũng đánh dấu nhiều thành công lớn. Chúng ta đã đạt mục tiêu kép, vừa chống dịch thành công và đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, được nhiều tổ chức quốc tế dự báo có triển vọng tươi sáng, một chu kỳ kinh tế mới… thì chuyện người ta đầu tư chứng khoán cũng bình thường.
Đầu tư chứng khoán cũng như đầu tư vào tương lai của nền kinh tế. Tôi cũng đi mua chứng khoán mà (cười). Vì tôi thấy có những mã cổ phiếu có giá rất thấp khó có thể giảm sâu được nữa, tôi không dùng đòn bẩy, có lỗ cũng không thể lỗ quá lớn, về lâu dài vẫn có lợi hơn gửi tiết kiệm.
Vậy còn những lo ngại về vấn đề tăng trưởng tín dụng cao trong khi tăng trưởng kinh tế lại thấp?
Những lo ngại này là có cơ sở và cần thiết. Nhưng tôi cho rằng sẽ rất vội vàng nếu như chúng ta có những chính sách thắt chặt tín dụng, hay siết lại dòng vốn. Ném chuột coi chừng vỡ bình. Nếu làm thế, có thể chúng ta sẽ bóp nghẹt động lực tăng trưởng kinh tế trong khi hiện nay tình hình đang rất khó khăn.
Các cơ quan điều hành vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nên quan sát và đánh giá một cách hết sức thận trọng và có những bước đi phù hợp. Tôi tin rằng, các nhà hoạch định chính sách của chúng ta, họ có đủ thông tin, kinh nghiệm và bản lĩnh để có thể kiểm soát được chuyện này.
Theo tôi, tình hình chưa quá nguy cấp đến mức tạo ra bong bóng giá tài sản, hay làm tăng bất ổn vĩ mô.
Với sự quay trở lại của Covid-19 lần này, theo ông, tác động đối với nền kinh tế sẽ mạnh hơn hay nhẹ hơn những lần trước?
Covid-19 bùng phát trở lại, ai cũng ở trong tâm trạng bất an, không biết lần này dịch có nặng nề hơn không, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ. Đây là câu hỏi ai cũng quan tâm, nhưng cũng khó trả lời.
Dịch bệnh ngày càng khó đoán hơn. Một năm vừa qua đã quá đủ cho Việt Nam nói riêng và toàn thế giới nói chung nhìn nhận một cách chính xác về sự đáng sợ của Covid-19.
Cái đáng sợ nhất, theo tôi không phải vấn đề bệnh tật, chết chóc nếu so với các dịch bệnh khác, mà là tính bất định. Không ai biết quyết định nào là đúng, là sai với căn bệnh này. Từ những quyết định có tính chất cá nhân cho đến các quyết sách vĩ mô.
Vừa rồi, có nên mua vé về quê ăn Tết hay không cũng đã là một câu hỏi khó trả lời, vì không thể biết dịch sẽ bùng lên thế nào. Chúng ta hầu như không có câu trả lời cho những gì sẽ diễn ra với Covid-19, giới kinh tế học gọi là bất định. Không có lý thuyết, chính sách nào được đưa ra để xử lý vấn đề bất định cả.
Tuy nhiên, nhìn một cách tích cực thì năng lực chống dịch của Chính phủ đã được nâng lên một tầm mới. So với 1 năm trước đây, Chính phủ đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chống dịch, kiểm soát thông tin và điều hành kinh tế.
Nếu như trước đây, chúng ta phong tỏa cả nền kinh tế, thì bây giờ Chính phủ phong tỏa cục bộ, chỉ phong toả những điểm có dịch và làm quyết liệt chỗ đó.
Đồng thời, hệ thống y tế chúng ta cũng đã thiện chiến hơn, thành thục hơn và quan trọng là ý thức người dân đã được nâng lên cao hơn. Tình người trong dịch cũng là những điều rất tích cực, mà không có Covid-19 chưa chắc đã được thể hiện.
Covid-19 chắc chắn khiến chúng ta chịu mất mát, bị thiệt hại và phải sống chậm lại, nhưng cũng giúp chúng ta phát hiện ra những giá trị và sức mạnh mới: sự đoàn kết của dân tộc, trên dưới một lòng, niềm tin của công chúng vào Chính phủ được củng cố.
Tôi cho rằng, Covid-19 cũng đã tạo những nguồn lực mới, những sức mạnh mới để chúng ta khống chế và chiến thắng dịch bệnh.
Nếu nhìn về thông tin tích cực, thì chỉ trong hai tháng đầu năm, Việt Nam liên tục đón nhận thông tin tích cực về đầu tư nước ngoài với sự mở rộng của Foxconn, Intel, LG. Ông đánh giá thế nào về điều này?
Đó là khởi đầu rất tích cực cho nền kinh tế nói chung và trong năm 2021 nói riêng. Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam cần phải khẩn trương chuẩn bị cho việc "dọn ổ đón đại bàng". Đại bàng ở đây là những tập đoàn đa quốc gia có quy mô, tiềm lực, có thương hiệu và đặc biệt là có thế mạnh về công nghệ.
Đón được các công ty đa quốc gia này, bên cạnh việc thu hút được nguồn vốn đầu tư khổng lồ thì cái quan trọng hơn và mang lại giá trị lớn đó là hiệu ứng lan toả của dòng vốn FDI.
Khi vào Việt Nam, các công ty đa quốc gia này sẽ kéo theo những doanh nghiệp "cộng sinh", là những công ty cung cấp hàng hoá, dịch vụ phụ trợ và các sản phẩm kèo theo. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp liên quan phát triển.
Đồng thời, chúng ta cũng đang kêu gọi tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Sự có mặt của các tập đoàn lớn sẽ thúc đẩy và hỗ trợ việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, tôi cho rằng "dọn ổ đón đại bàng" sẽ cần nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa. Cá nhân tôi cảm thấy chúng ta mới dừng lại ở ngôn từ, khẩu hiệu, còn chính sách cụ thể thì chưa thực sự rõ nét. Những ưu đãi mà chúng ta thực hiện bấy lâu nay, giờ đã có phần lạc hậu. Ví dụ như giảm thuế, đơn giản thủ tục hành chính, ưu đãi giá thuê đất, hỗ trợ đào tạo nhân công… giờ xưa rồi.
Nếu "dọn ổ đón đại bàng" thực sự là một tư duy mới thì cần phải có nội hàm mới. Cần có chính sách sao cho các tập đoàn lớn thấy rằng đến Việt Nam thực sự là một sự lựa chọn tích cực và mang đến nhiều thuận lợi, chứ không chỉ là giải pháp để đa dạng hóa đầu tư và tránh sự trừng phạt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Cần biến những lợi thế có tính bị động từ thương chiến Mỹ Trung thành chủ động.
Đợt dịch lần này, theo ông có cần có chính sách hỗ trợ mới cho doanh nghiệp hay không? Đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn của dịch?
Đây là câu hỏi tôi suy nghĩ rất nhiều. Bây giờ nếu hỗ trợ thì hỗ trợ cái gì?
Trong năm 2020, trải qua nhiều đợt dịch, Chính phủ cũng đã lên kế hoạch, đề ra rất nhiều gói hỗ trợ, nhưng đến lúc thực thi thì bế tắc. Việc đó cũng rất dễ hiểu, bởi bộ máy thi hành không có kinh nghiệm trong hoàn cảnh này.
Bây giờ nếu nói rằng điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khắt khe quá, doanh nghiệp không chạm tới được là đúng. Nhưng đứng ở góc độ người phê duyệt, nếu không làm kỹ, chặt chẽ, sau này hậu kiểm có sai phạm thì họ có thể bị kỷ luật chứ?
Nếu bây giờ đề ra gói hỗ trợ mới, đến công tác giải ngân vẫn có thể tiếp tục bị tắc. Thứ hai, trong một hội nghị mới đây tôi tham dự đã có tiến hành khảo sát và chỉ ra là hơn 90% thắng lợi kép của chúng ta là nhờ ý chí tự lực, tự cường, tự vượt qua khó khăn, là sức mạnh nội tại của doanh nghiệp.
Theo tôi, doanh nghiệp giống như cơ thể con người, thay vì cho liều thuốc giảm đau, thì nên bồi bổ, để doanh nghiệp có sức đề kháng tốt hơn. Họ được hoạt động trong môi trường thể chế tốt hơn, cảm thấy các chính sách công hỗ trợ họ nhiều hơn. Cần loại bỏ những chính sách làm khó, cản trở doanh nghiệp, đó mới là cách hỗ trợ tốt nhất.
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5%, nhưng các tổ chức quốc tế thì có phần lạc quan hơn chúng ta, họ cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể lên tới 6,8-7%. Theo ông, những mục tiêu này có quá sức với chúng ta hay không, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thể quay trở lại bất cứ lúc nào?
Dự báo của các tổ chức quốc tế dựa trên một tương lai quá tươi sáng, và tại thời điểm trước khi dịch bùng phát trở lại. Mặt khác, năm 2020, tuy chúng ta tăng trưởng dương, nhưng đã xuống mức rất thấp, nên dĩ nhiên trên nền thấp như vậy thì tăng trưởng năm 2021 sẽ phải cao hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, những mục tiêu này là rất thách thức trong tình hình hiện tại. Vì kinh tế vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tình hình y tế, và ít nhất trong 6 tháng đầu năm, chúng ta vẫn còn khó khăn do tình hình dịch bệnh dự kiến sẽ còn kéo dài. 6 tháng cuối năm dịch có thể được khống chế hay không?
Nền kinh tế có đủ sức hoạt động mạnh và nhanh để bù lại cho tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm hay không? Là những câu hỏi khiến cho các mục tiêu tăng trưởng đã nêu trở nên vô cùng thách thức.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo – Viện trưởng Viện Công nghệ tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM
Theo tôi chúng ta không nên đặt nặng con số 5 hay 6% tăng trưởng trong bối cảnh bất định. Điều nên tập trung để phát huy là trong đại dịch, chúng ta đã thể hiện được sự đoàn kết, sự tin tưởng của người dân vào chính phủ, vào lãnh đạo đất nước.
Chúng ta đã không chế được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo các hoạt động kinh tế được duy trì và không để xảy ra đỗ vỡ.
Quan trọng hơn là nhiều xu thế mới đã hình thành trong đại dịch, chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy để tạo ra các chuyển biến tích cực cho nền kinh tế.
Ví dụ như cải cách môi trường vĩ mô, cải cách thể chế để đón nhận dòng vốn quốc tế từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng; Xây dựng nền tảng sản xuất đa dạng, không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, cả các yếu tốc đầu vào và thị trường đầu ra; Tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Những yếu tố kể trên đáng lưu tâm hơn nhiều so với con số 6% tăng trưởng. Thành quả tăng trưởng qua những con số rồi cũng sẽ nhanh chóng qua đi, nhưng giá trị về lực lượng lao động, chất lượng thể chế, môi trường đầu tư thì có tính dài hạn và quan trọng hơn nhiều.
Cảm ơn ông!