vĐồng tin tức tài chính 365

Toàn văn bài trần tình của lãnh đạo Facebook sau cuộc chiến giữa Facebook và Úc ở tuần qua

2021-03-01 17:07

Tuần trước, Facebook đã khiến cả thế giới choáng váng với quyết định đột ngột chặn 14 triệu người dùng Úc đọc hay chia sẻ tin tức từ các hãng sản xuất tin tức. Hành động này của Facebook đã vấp phải làn sóng phản đối và chỉ trích không chỉ ở nước Úc mà trên toàn thế giới. Nhiều nước thậm chí còn xem ‘chuyện Facebook cấm người dùng ở Úc đọc và chia sẻ thông tin là một hành động bully – bắt nạt’.

Theo đó, trang Facebook của các công ty tin tức như Nine, News Corp, Australian Broadcasting Corp - vốn đóng vai trò là nguồn thông tin tham khảo chính trong các đợt thiên tai, đã không có nội dung gì. Các trang của chính quyền Úc như Sở Y tế bang Queensland và Nam Úc - nguồn thông tin tham khảo quan trọng của hơn 5 triệu người trong dịch COVID-19, cũng bị chặn. Đáp trả, Úc cũng rút hết tất cả quảng cáo của Chính phủ trên Facebook.

Sau đó, khi "tỉnh táo" lại, Facebook cũng cảm thấy phản ứng của mình có phần thái quá, nên đã gỡ bỏ lệnh cấm chỉ sau 5 ngày.

Trên thực tế, đây là hành động đáp trả của Facebook với Luật báo chí mới của Úc, trong đó yêu cầu các công ty công nghệ như Facebook hay Google sẽ phải trả phí cho các hãng sản xuất tin tức nếu nội dung của các hãng này xuất hiện trên Facebook hay trên kết quả tìm kiếm của Google.

Ban đầu, cả Google lẫn Facebook đều phản đối. Google cũng từng đánh tiếng là sẽ dừng hoạt động ở Úc chứ không tuân thủ theo dự luật mới, nhưng sau đó họ đổi ý và đi đến đàm phán với các hãng truyền thông lớn ở Úc. Ngược lại, Facebook phản đối đến cùng và đã có hành động chống đối quyết liệt như đã kể ở trên.

Hiện tại, mặc dù cả hai đã đạt được thỏa thuận và Facebook của người dùng ở Úc đã trở lại như bình thường, song hình ảnh của ông lớn công nghệ này đã bị ảnh hưởng xấu đáng kể. Thế nên, mới đây ông Nick Clegg – Phó chủ tịch về các Vấn đề toàn cầu của Facebook đã có một bài trần tình khá dài, nhằm phần nào vãn hồi hình ảnh cho doanh nghiệp mình, đồng thời giúp người đọc có một cái nhìn toàn cảnh về ‘cuộc chiến’ giữa cả hai.

Sau đây là toàn văn bài trần tình của ông Nick Clegg:

Tuần trước, Facebook đã tuyên bố dừng việc chia sẻ tin tức của người dùng trên nền tảng Facebook tại Úc, một động thái có thể khiến nhiều người cảm thấy đột ngột và bất ngờ. Vấn đề này hiện đã được giải quyết sau các cuộc thảo luận với Chính phủ Úc với mong muốn đạt được thỏa thuận mới với các cơ quan báo chí và cho phép người dùng ở Úc chia sẻ các liên kết tin tức.

Nhiều người đã đúng khi đặt câu hỏi: rốt cuộc điều gì đã xảy?

Theo quan điểm của Facebook, mấu chốt vấn đề ở đây là sự hiểu lầm cơ bản về mối quan hệ giữa Facebook và các cơ quan báo chí. Bản thân các cơ quan báo chí là người lựa chọn chia sẻ câu chuyện/tin tức của mình trên mạng xã hội, hoặc cho phép người dùng chia sẻ chúng, vì họ được hưởng lợi từ điều này. Đó là lý do tại sao các trang tin luôn có nút chia sẻ, khuyến khích độc giả chia sẻ tin tức.

Nếu nhấp chuột vào một liên kết được chia sẻ trên Facebook, bạn sẽ được chuyển hướng đến trang web của tờ báo. Bằng cách này, năm ngoái, Facebook đã tạo ra khoảng 5,1 tỷ lượt "giới thiệu miễn phí" đến các cơ quan báo chí ở Úc, tương đương khoảng 407 triệu đô la Úc cho ngành công nghiệp tin tức của nước này.

Toàn văn bài trần tình của lãnh đạo Facebook sau cuộc chiến giữa Facebook và Úc ở tuần qua - Ảnh 1.

"Cuộc chiến" giữa Facebook và Chính phủ Úc là tâm điểm của tuần qua.

Gần đây, nhiều ý kiến cho rằng Facebook ăn cắp hoặc sử dụng báo chí nguyên bản vì lợi ích riêng – đây là một khẳng định sai lầm. Chúng tôi bị yêu cầu trả giá rất cao cho những nội dung mà chúng tôi không lấy cắp và cũng không đòi hỏi. Thực tế, các liên kết tin là một phần nhỏ trong trải nghiệm mà hầu hết người dùng Facebook nào cũng có.

Trong số 25 bài đăng trên News Feed, nhiều nhất chỉ có một bài chứa liên kết tới một tin tức, trong khi nhiều người dùng còn cho biết họ không muốn xem nhiều bài chia sẻ tin tức và nội dung chính trị.

Ông Tim Berners-Lee, người phát minh ra World Wide Web, đã cảnh báo đạo luật của Úc sẽ khiến internet "không còn tác dụng". Ông cho rằng "việc yêu cầu trả tiền cho việc chia sẻ liên kết giữa một số nội dung trực tuyến có thể vi phạm nguyên tắc cơ bản của web".

Tất nhiên, internet đã và đang gây xáo trộn cho ngành công nghiệp tin tức. Bất kỳ ai kết nối với internet đều có thể tạo một trang web hoặc viết một bài đăng, trong khi không phải ai cũng có thể bắt đầu một tờ báo. Khi quảng cáo bắt đầu chuyển từ báo in sang báo điện tử, phương thức kiếm tiền từ tin tức đã thay đổi và ngành công nghiệp này buộc phải thích ứng.

Một số tờ báo đã chuyển đổi thành công sang thế giới trực tuyến, trong khi một số khác vẫn phải vật lộn để thích nghi. Có thể hiểu được việc một số tập đoàn truyền thông coi Facebook như một nguồn tiền tiềm năng để bù đắp cho khoản lỗ của họ, song liệu điều này có đồng nghĩa với việc họ có quyền đòi hỏi một tờ séc trắng?

Đây chính là điều mà pháp luật Úc đề xuất là sẽ thực hiện. Facebook đã có thể bị yêu cầu trả những khoản tiền, có thể là vô số, cho các tập đoàn truyền thông đa quốc gia dựa trên một cơ chế quyết định cố tình mô tả sai mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí và Facebook – thậm chí còn không hề có sự đảm bảo nào, rằng số tiền đó được dùng để trả cho báo chí, chưa kể các khoản hỗ trợ các hãng tin nhỏ.

Điều này giống như việc buộc các nhà sản xuất ô tô trả phí cho các đài phát thanh chỉ vì mọi người có thể nghe đài khi lái xe – và cho phép các hãng phát thanh tự quyết định mức giá. Thật mỉa mai khi một số cơ quan báo chí lớn vốn từ trước tới nay luôn cổ vũ cho thị trường tự do và cam kết thương mại tự nguyện, thì nay lại tỏ ra ủng hộ cách thức định giá do nhà nước tài trợ. Những gì diễn ra ở Úc cho thấy nguy cơ ngụy tạo một cuộc đấu thầu về trợ cấp tiền mặt đằng sau việc xuyên tạc về cách thức hoạt động của internet.

Để tuân thủ quy định này, Facebook có hai lựa chọn: trợ cấp không giới hạn cho các tập đoàn truyền thông đa quốc gia hoặc loại bỏ liên kết tin tức ra khỏi nền tảng dịch vụ của mình ở Úc. Rất may là sau nhiều cuộc thảo luận, Chính phủ Úc đã đồng ý thay đổi, khuyến khích đàm phán công bằng mà không cần phải thực hiện các quyết định mạnh tay và khó lường.

Chúng tôi hiểu rằng quyết định chặn chia sẻ tin tức ở Úc có tính bất ngờ. Nhưng rõ ràng, Facebook đã chỉ rõ việc mình có thể bị ép vào tình thế này cách đây 6 tháng. Chúng tôi phải thảo luận với Chính phủ Úc trong ba năm để cố gắng giải thích với họ rằng tại sao dự luật được đề xuất sẽ không thể thực hiện được nếu không sửa đổi.

Đây là một quyết định khá quan trọng. Khi quyết định này xảy ra, chúng tôi phải hành động thật nhanh vì đó là điều cần thiết phải làm về mặt pháp lý trước khi luật mới có hiệu lực. Vì thế, chúng tôi thiên về việc thực thi quá mức dẫn tới một số nội dung đã vô tình bị chặn khi đó. Rất may là phần lớn đã được khắc phục nhanh chóng.

Toàn văn bài trần tình của lãnh đạo Facebook sau cuộc chiến giữa Facebook và Úc ở tuần qua - Ảnh 2.

Nhà sáng lập Facebook - Mark Zuckerberg đã nhận nhiều chỉ trích với quyết định chặn truy cập tin tức của 14 triệu người dùng Facebook ở Úc. Ảnh: CNBC

Có một phương án khác, đó là Facebook sẵn sàng hợp tác với các cơ quan báo chí. Chúng tôi hoàn toàn công nhận chất lượng báo chí là yếu tố quan trọng nhất trong cách thức vận hành của một xã hội cởi mở - cung cấp thông tin, trao quyền cho công dân và đảm bảo trách nhiệm giải trình của những đối tượng có quyền lực. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã đầu tư 600 triệu USD để hỗ trợ ngành công nghiệp tin tức từ năm 2018 tới nay và đang có kế hoạch đầu tư thêm ít nhất 1 tỷ USD trong ba năm tới.

Tháng trước, Facebook đã công bố về các thỏa thuận đạt được với The Guardian, Telegraph Media Group, Financial Times, Daily Mail Group, Sky News và rất nhiều các thoả thuận khác, trong đó có các cơ quan báo chí trong nước, khu vực và tờ báo về phong cách sống, để trả tiền cho những nội dung có trong mục Tin tức (Facebook News) – một sản phẩm của Facebook ở Anh.

Đây là một tab mới giúp người dùng tìm kiếm các tiêu đề và các câu chuyện, bên cạnh những tin tức được cá nhân hóa theo sở thích của họ. Facebook đã đạt được các thỏa thuận tương tự với các hãng tin ở Mỹ và hiện đang tích cực đàm phán với các cơ quan khác ở Đức và Pháp.

Có những quan ngại chính đáng cần được giải quyết về quy mô và quyền lực của các công ty công nghệ, cũng như những vấn đề nghiêm trọng về sự gián đoạn mà internet đã gây ra đối với ngành công nghiệp tin tức. Những vấn đề này cần được giải quyết theo hướng buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm và đảm bảo tính bền vững của hoạt động báo chí. Song, một phương thức giải quyết mới phải dựa trên thực tế là giá trị của việc đưa tin trực tuyến, chứ không phải việc mô tả ngược về cách thức lưu chuyển của thông tin và tin tức trên internet.

Internet cần những quy tắc mới phù hợp với tất cả mọi người, chứ không chỉ dành cho các tập đoàn truyền thông lớn. Bằng cách cập nhật quy định về internet, chúng ta có thể bảo vệ những giá trị tốt đẹp nhất của internet – đó là quyền tự do biểu đạt của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để xây dựng những điều mới mẻ. Các quy định mới chỉ có tác dụng nếu nó đem lại lợi ích cho số đông thay vì bảo vệ lợi ích của số ít.

Quỳnh Như

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

Xem thêm: nhc.61225225110301202-auq-naut-o-cu-av-koobecaf-auig-neihc-couc-uas-koobecaf-oad-hnal-auc-hnit-nart-iab-nav-naot/nv.zibefac

Comments:0 | Tags:No Tag

“Toàn văn bài trần tình của lãnh đạo Facebook sau cuộc chiến giữa Facebook và Úc ở tuần qua”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools