Sau 1 thời gian theo dõi, ngày 1/3 lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ 3 thùng xốp để ven đường bên ngoài ghi hoa phong lan Đăk Tô, không có địa chỉ người gửi, người nhận. Số hàng trên được gửi từ xe khách chạy từ các tỉnh phía Bắc vào thả dọc trên đường. Khi kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh tại Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2kg là các củ lớn có trọng lượng hơn 3 lạng được để riêng biệt.
Theo ông Ngụy Đình Phúc, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 cho biết: "Lực lượng đã bắt giữ được lô hàng không rõ nguồn gốc trên. Theo đó, các đối tượng buôn lậu thường thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh ngoài miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô rồi "đội lốt" sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán cho người tiêu dùng. Hiện sâm Ngọc Linh Kon Tum đang bước vào thời kỳ ngủ đông (rụng lá, cây bắt đầu ra lá mới) nên không thể có cây sâm Ngọc Linh như lực lượng chức năng vừa thu giữ".
Trước đó, ngày 3/2 Đội Quản lý thị trường số 2 đã phát hiện 7 thùng rượu với số lượng 112 chai rượu lá sâm Ngọc Linh (tại khối phố 8, thị trấn Đăk Tô huyện Đăk Tô). Tất cả số rượu trên còn nguyên chai, đựng trong hộp mang nhãn hiệu Rượu lá sâm Ngọc Linh. Địa chỉ sản xuất của lô hàng tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Mở rộng điều tra vụ việc, ngày 5/2, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam kiểm tra cơ sở trên phát hiện thêm hàng trăm chai rượu giả nhãn hiệu rượu sâm Ngọc Linh Kon Tum K5. Tất cả số hàng trên không có hóa đơn chứng từ hợp lệ.
Hiện tại tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Cụ thể, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty cổ phần Vingin (trồng 200 ha) và Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha). Sâm Ngọc Linh được gọi là "quốc bảo" nên thời gian qua rất nhiều tư thương đã lợi dụng thương hiệu này để bán hàng giả, hàng nhái làm ảnh hưởng đến thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Phạm Hoàng