Giá nông sản tăng vọt trên thị trường thế giới
Giá cả hàng hóa đang đồng loạt tăng trên toàn cầu giữa hy vọng rằng, đà phục hồi kinh tế trong năm COVID thứ 2 này, sẽ giải phóng nhu cầu bị dồn nén của người tiêu dùng và các công ty sản xuất công nghiệp đối với nguyên vật liệu thô. Nhưng khi thị trường nguyên liệu nói chung lên cơn sốt giá thì cũng khiến không ít quốc gia phải bối rối. Đó chính là câu chuyện của nhiều nước châu Âu lúc này và bài toán giá nông sản.
Hình minh họa
Phóng viên Bản tin Tài chính kinh doanh đã kết nối với phóng viên Lê Hồng Quang từ châu Âu để phân tích câu chuyện này.
PV: Xin chào anh Lê Hồng Quang, các nông sản đang được giao dịch với mức giá cao bất thường. Báo chí châu Âu nói gì về sự tăng vọt này thưa anh?
Phóng viên Lê Hồng Quang: Hầu hết các loại ngũ cốc, trong đó có gạo, đều tăng giá mạnh trong mấy tháng qua. Giá lúa mỳ tăng tới mức nước Nga phải áp thuế hạn chế xuất khẩu lúa mỳ để bảo vệ thị trường trong nước. Giá nông sản trên thị trường thế giới đã tăng mạnh trong mấy tháng vừa rồi. Có những nguyên nhân làm giảm nguồn cung ngũ cốc, hạn hán ở Nam Mỹ, mưa nhiều ở Đông Nam Á. Nhưng nguyên nhân chủ yếu mà báo chí châu Âu chỉ ra là Trung Quốc trong năm nay tăng gấp 3 nhập khẩu ngô, tăng gấp đôi nhập khẩu lúa mỳ. Trung Quốc cũng gia tăng mua gom đậu tương và nhiều loại ngũ cốc khác.
Trung Quốc tăng mua gom nhập khẩu nông sản đến mức độ ấy là điều rất bất thường trên thị trường nông sản thế giới.
PV: Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, giá lương thực thế giới đã tăng tháng thứ tám liên tiếp, chạm đỉnh gần 7 năm và dự báo còn biến thiên thời gian tới. Vậy các nước châu Âu có giải pháp gì không?
Phóng viên Lê Hồng Quang: Ngành chăn nuôi gia súc gia cầm ở châu Âu rơi vào thế lệ thuộc, bắt buộc phải chấp nhận nhập khẩu nông sản giá cao vì nhu cầu thức ăn gia súc vẫn thế, con bò con gà hàng ngày vẫn phải ăn. Thiếu ngũ cốc cho chăn nuôi là một nghịch lý. Châu Âu đất đai màu mỡ, thế nhưng từ hơn mười năm nay, khi giá ngũ cốc trên thị trường thế giới xuống quá thấp, nhập khẩu dễ dàng, diện tích trồng ngũ cốc đã giảm dần. Bây giờ muốn xoay chuyển cũng không thể kịp, muốn tăng diện tích trồng ngũ cốc phải cần tới nhiều năm.
Báo chí châu Âu viết rằng, an ninh lương thực phải được hiểu rộng hơn, bao gồm cả đảm bảo đủ ngũ cốc cho chăn nuôi trong nước nữa, chứ không chỉ là đủ lương thực cho người ăn.
Siêu chu kỳ hàng hóa mới đang xuất hiện?
Khi sự bùng nổ về giá cả hàng hóa dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, hiện đang có những tranh cãi về việc liệu đang hình thành một siêu chu kỳ mới trên thị trường hàng hóa, do nguồn cung nguyên liệu thô không linh hoạt hay không?
Hai ngân hàng hàng đầu nước Mỹ là JPMorgan Chase và Goldman Sachs đều cho rằng một siêu chu kỳ tăng giá của hàng hóa đã bắt đầu xuất hiện bởi thứ nhất, hậu COVID-19, nhu cầu tăng cường sản xuất dự báo tăng bất thường trên toàn cầu. Thứ 2, nhu cầu kim loại xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh như xe điện cũng tăng vọt. Thứ 3, nhà đầu tư bắt đầu rót tiền vào hàng hóa vì đây được xem là hàng rào chống lạm phát.
Nhưng dấu hiệu quan trọng hơn cả, theo ông Chris Watling, Giám đốc chiến lược thị trường của Longview Economics, trong quá khứ, 4 lần siêu chu kỳ hàng hóa trong thế kỷ 20 đều xuất hiện sau thời kỳ chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương.
Tuy nhiên vẫn có những ý kiến trái chiều.
Ông George Chevelay, Giám đốc quản lý danh mục đầu tư của Ninety One, cho biết: "Những gì chúng ta đang chứng kiến trên thị trường dầu mỏ và hàng hóa là một đợt phục hồi theo chu kỳ ngắn hạn, còn siêu chu kỳ có thể phải hai đến ba năm nữa mới xuất hiện".
Đà tăng hiện tại vẫn có thể chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư giảm nhưng nguồn cung của nhiều hàng hóa vẫn rất dồi dào nên đợt tăng giá hiện nay khó có thể trở thành một siêu chu kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.23364003210301202-neih-taux-gnad-iom-aoh-gnah-yk-uhc-ueis/et-hnik/nv.vtv