TS Nguyễn Thị Phương Mai trong một hội thảo - Ảnh: N.T.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai chia sẻ: "Tôi là sinh viên khóa 94, khóa đầu tiên của ngành Hàn Quốc học, khoa Đông phương Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tiền thân của khoa Hàn Quốc học hiện nay.
Tôi bắt đầu công tác tại khoa Đông phương thuộc nhà trường từ năm 2002 sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành Hàn Quốc học, ĐH Quốc gia Seoul.
Năm 2016, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành giáo dục tiếng Hàn cũng tại ĐH Quốc gia Seoul, tôi về nước và lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ trưởng bộ môn giáo dục tiếng Hàn, phó trưởng khoa và trưởng khoa Hàn Quốc học vào năm 2018".
* Nhiều giảng viên cho rằng việc nhà trường bổ nhiệm bà làm trưởng khoa là quá "thần tốc", không đúng quy trình, chỉ sau hơn một năm về khoa nên chưa đủ năng lực quản lý. Ý kiến của bà về việc này ra sao?
- Tôi là lứa sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc đầu tiên của trường, sau đó làm giảng viên và giữ các chức vụ quản lý rồi mới được bổ nhiệm làm trưởng khoa khi 42 tuổi, sau 16 năm công tác tại trường nên tôi hiểu rõ về khoa. Trong thời gian làm giảng viên tại nhà trường, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu....
Trong hai năm giữ chức vụ trưởng khoa Hàn Quốc học, ngoài việc đảm bảo số giờ chuẩn và nghiên cứu khoa học, tôi đã tổ chức và quản lý các hoạt động của khoa hiệu quả, nâng cao vị thế và uy tín của khoa.
Tôi cũng được tập thể tín nhiệm bình bầu là giảng viên giỏi, lao động tiên tiến, giấy khen của hiệu trưởng và chiến sĩ thi đua cấp trường liên tục trong các năm học từ 2017-2020. Nội dung cho rằng trường bổ nhiệm tôi "thần tốc" được các giảng viên kiến nghị lên Thanh tra Chính phủ, đã có hiệu trưởng giải thích việc này rồi.
* Theo các giảng viên, trưởng khoa đưa ra nhiều quy định bình chọn, đánh giá giảng viên cứng nhắc như đi họp trễ 15 phút coi như vắng, vắng họp vài buổi bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ... Bà có thể giải thích thêm về việc này?
- Ngoài giảng dạy và nghiên cứu khoa học, giảng viên còn có nghĩa vụ thực hiện các nhiệm vụ khác do đơn vị phân công theo thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT.
Đi họp không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của giảng viên như quyền được biết thông tin, quyền được biểu quyết, quyền được thể hiện ý kiến cá nhân..., đồng thời việc đi họp đúng giờ và đầy đủ cũng thể hiện sự tôn trọng đối với đồng nghiệp và tổ chức.
Việc đi muộn 15 phút không báo trước được xem là vắng họp và việc không được vắng quá 30% số buổi họp trong năm là một trong các tiêu chí tham khảo để đánh giá hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ họp khoa.
Các quy định này đã được toàn thể khoa thống nhất thông qua. Đi họp muộn có lý do chính đáng được chấp nhận. Thời gian qua, một số giảng viên chưa nắm rõ quy định, quy chế của nhà trường và nhiệm vụ của giảng viên, việc đưa ra các quy định này nhằm xây dựng nề nếp, kỷ luật của khoa tốt hơn.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về đánh giá phân loại viên chức thuộc về Hội đồng thi đua khen thưởng của nhà trường.
Ý kiến của trưởng khoa chỉ là một căn cứ để tham khảo. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ đánh giá giảng viên nào không hoàn thành nhiệm vụ chỉ vì lý do không đi họp đầy đủ mà chỉ nhắc nhở.
Kết quả đánh giá viên chức năm 2020 do khoa đề nghị gửi lên trường là 23/24 hoàn thành và hoàn thành tốt nhiệm vụ (một giảng viên không hoàn thành nhiệm vụ do không có công trình nghiên cứu khoa học và chưa hoàn thành các nhiệm vụ khác của khoa).
* Theo phản ảnh của giảng viên, trưởng khoa cho phép một công ty Hàn Quốc mở văn phòng làm việc tại văn phòng khoa. Vì sao lại có phản ảnh như vậy?
- Phản ảnh này sai hoàn toàn và đã được làm rõ trong kết luận của tổ xác minh. Giảng viên bị phản ảnh là người thầy của tôi, của đại đa số giảng viên và hầu hết các thế hệ sinh viên khoa Hàn Quốc học từ năm 1995 đến nay, là một trong những người có công lớn nhất trong việc xây dựng, phát triển khoa, đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên Hàn Quốc học.
Trên thực tế, trong số các giảng viên phản ảnh nội dung này có nhiều giảng viên là học trò đã được thầy dạy dỗ, dìu dắt, giúp đỡ trong công việc cũng như cuộc sống từ khi còn là sinh viên. Việc bị học trò của mình phản ảnh sai sự thật đã khiến thầy rất buồn.
Các giảng viên của khoa vẫn đến văn phòng khoa để làm việc, nghiên cứu, chuẩn bị bài giảng, hẹn gặp sinh viên... Tuyệt đối không có việc một công ty Hàn Quốc mở văn phòng làm việc tại văn phòng khoa.
* Các giảng viên nộp đơn xin nghỉ việc vì cho rằng không thể tiếp tục làm việc trong môi trường khoa thiếu dân chủ và thiếu đoàn kết như hiện nay. Bà lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
- Khi được góp ý về cách quản lý, tôi đã rút kinh nghiệm và cố gắng để có cách xử lý công việc linh hoạt, mềm mại hơn. Tuy nhiên, trước áp lực khối lượng công việc nhiều hơn trước và do nhiều đổi mới trong môi trường giáo dục đã dẫn đến việc một số giảng viên chưa quen, chưa nắm bắt kịp, chưa hiểu rõ vấn đề dẫn đến việc phản ảnh, kiến nghị vừa qua.
Tôi, ban chủ nhiệm khoa và lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần lắng nghe, giải thích để giải quyết khúc mắc nhưng nhóm giảng viên này vẫn thấy không thỏa đáng và không còn phù hợp với quy định, quy chế mới nên nghỉ việc chứ không phải do tôi thiếu năng lực quản lý.
Việc yêu cầu các giảng viên thực hiện đúng các nghĩa vụ theo quy định là việc cần thiết phải làm, hoàn toàn không vì mục đích cá nhân mà nhằm xây dựng khoa Hàn Quốc học vững mạnh hơn, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao ý thức tập thể, nề nếp kỷ luật, trách nhiệm của các thành viên phù hợp nhu cầu đổi mới.
* Bà nghĩ gì khi một nửa đồng nghiệp trong khoa cho rằng phẩm chất, đạo đức, tư cách và năng lực lãnh đạo của trưởng khoa đều hạn chế, các giảng viên muốn được bỏ phiếu tín nhiệm trưởng khoa?
- Khoa Hàn Quốc học trước khi xảy ra bất đồng ý kiến có 24 thành viên, không tính các thành viên đang học tập ở nước ngoài, trong đó 11 người nộp đơn nghỉ việc (12 người nộp đơn xin nghỉ sau đó 1 người rút đơn - PV).
Trong thời gian tôi giữ chức vụ trưởng khoa, khoa đã có những tiến bộ toàn diện: giảng viên dạy đủ giờ chuẩn, trên 90% giảng viên đã có công trình nghiên cứu khoa học, chất lượng đào tạo được tăng lên (thể hiện qua điểm chuẩn đầu vào, tỉ lệ tốt nghiệp, khảo sát kết quả khảo sát sinh viên toàn khóa, khảo sát nhà tuyển dụng...), chương trình hợp tác đào tạo đa dạng, hoạt động giao lưu với các tổ chức Chính phủ Hàn Quốc tăng lên nhiều hơn.
Trước và sau khi được bổ nhiệm, tôi luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách tốt nhất, xử lý công việc theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo quyền lợi của mọi người và luôn đặt lợi ích của khoa lên trên hết.
Tôi luôn có tính cầu thị cao chứ không làm việc chuyên quyền, độc đoán. Phẩm chất, đạo đức, tư cách và năng lực lãnh đạo của tôi cũng như những gì tôi đóng góp được cho khoa và nhà trường đã được tập thể khoa và nhà trường công nhận, bằng chứng là tôi được tập thể bình chọn danh hiệu thi đua trong các năm qua.
TTO - 12 giảng viên khoa Hàn Quốc học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã đồng thời nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 25-1-2021.