Một tòa án ở Myanmar hôm 1-3 đã đệ trình hai cáo buộc mới nhằm vào lãnh đạo bị phế truất Aung San Suu Kyi, khi người biểu tình tiếp tục xuống đường phản đối chính biến bất chấp cuộc trấn áp khiến 18 người chết của lực lượng an ninh vào ngày trước đó.
Bà Suu Kyi lần đầu xuất hiện sau chính biến, chịu thêm hai cáo buộc
Theo báo South China Morning Post (SCMP), hôm 1-3, bà Suu Kyi xuất hiện qua video tại tòa án ở TP Naypyidaw và đối mặt thêm hai cáo buộc.
Lãnh đạo bị phế truất của Myanmar - bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP
Luật sư Min Min Soe đại diện cho bà Suu Kyi cho biết nữ lãnh đạo 75 tuổi trông khỏe mạnh khi tham dự phiên tòa, dù bà có lẽ bị sút cân một chút. Ông Min Soe cho biết bà Suu Kyi đã yêu cầu được gặp nhóm pháp lý của mình.
Lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ Myanmar (NLD) không xuất hiện trước công chúng kể từ sau khi chính phủ của bà bị lật đổ trong cuộc chính biến hôm 1-2. Bà bị bắt cùng với các nhà lãnh đạo khác.
Bà Suu Kyi ban đầu đối mặt cáo buộc nhập khẩu bộ đàm trái phép, sau đó chịu thêm cáo buộc vi phạm các biện pháp hạn chế COVID-19 theo Luật Quản lý Thiên tai khi tổ chức sự kiện vận động tranh cử năm ngoái.
Trong phiên xử hôm 1-3, bà Suu Kyi chịu thêm hai cáo buộc, đó là vi phạm luật hình sự từ thời thuộc địa về cấm công bố thông tin “gây sợ hãi hoặc hoảng loạn” và một cáo buộc theo luật viễn thông quy định giấy phép sở hữu thiết bị, luật sư Min Soe cho biết.
Phiên tòa tiếp theo diễn ra vào ngày 15-3.
Khi bà xuất hiện qua video tại tòa, cảnh sát ở TP Yangon sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay để giải tán người biểu tình. Sự việc diễn ra một ngày sau vụ bạo lực tồi tệ nhất khiến 18 người chết kể từ chính biến.
Người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường bất chấp sự kiện 18 người chết
Hôm 1-3, người biểu tình Myanmar tiếp tục xuống đường bất chấp cuộc trấn áp khiến 18 người chết của lực lượng an ninh hôm 28-2, theo kênh Channel News Asia.
Người biểu tình tuần hành ở thị trấn Kale (tây bắc Myanmar), giơ cao ảnh của Cố vấn nhà nước Suu Kyi và hô vang “Dân chủ, chính nghĩa của chúng ta, chính nghĩa của chúng ta”.
Người biểu tình giơ cao băng rôn phản đối chính biến trong cuộc biểu tình ở Yangon hôm 1-3. Ảnh: EPA
Theo video được phát trực tiếp trên Facebook, một đám đông nhỏ đội mũ bảo hộ lao động tụ tập trên một con phố ở Lashio, Shan State, hô vang khẩu hiệu khi cảnh sát tiến về phía họ.
“Đã một tháng kể từ cuộc chính biến. Họ trấn áp chúng tôi bằng các vụ xả súng hôm qua. Hôm nay chúng tôi sẽ trở lại” – thủ lĩnh biểu tình Ei Thinzar Maung viết trên Facebook.
Hiện chưa có báo cáo về thương vong hôm 1-3. Hôm 28-2, cảnh sát nổ súng vào đám đông tại nhiều khu vực khác nhau của Myanmar, khiết 18 người thiệt mạng.
Quân đội Myanmar không bình luận về vụ bạo lực hôm 28-2, người phát ngôn của cảnh sát và quân đội không trả lời khi hãng tin Reuters liên hệ.
“Hành động mạnh tay”
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi quân đội lên nắm quyền sau khi cáo buộc cuộc bầu cử tháng 11-2020 với chiến thắng thuộc về NLD có gian lận.
Theo Reuters, trong bài phát biểu của mình, Thống tướng Min Aung Hlaing cảnh báo sẽ có hành động đối với những công chức từ chối làm việc cho quân đội.
Người biểu tình tham gia lễ cầu nguyện cho những người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến ở TP Yangon, Myanmar hôm 28-2. Ảnh: Ye Aung THU/AFP
Ông Aung Hlaing nói rằng quân đội đang điều tra những gì ông gọi là sự tham nhũng của chính quyền dân sự, cáo buộc chính quyền dân sự sử dụng tiền cho nỗ lực ngăn chặn COVID-19 sai mục đích.
“Các bộ tương ứng đang làm việc để tìm ra những lạm dụng tài chính này” – ông nói. Ông Aung Hlaing nói thêm hành động sẽ được thực hiện nhằm vào những tổ chức được phát hiện có quỹ ngoại tệ.
Ông nói rằng một ủy ban do những nghị sĩ thuộc chính quyền dân sự bị lật đổ thành lập, thông báo thành lập một chính phủ lưu vong là bất hợp pháp và những ai ủng hộ chính phủ này sẽ bị trừng phạt.
Quân đội đã cam kết tổ chức một cuộc bầu cử mới nhưng không ấn định ngày.
Hôm 1-3, quốc hội Myanmar tuyên bố quân đội là một tổ chức khủng bố, đồng thời lên án bạo lực chống lại người biểu tình là “lời tuyên chiến với dân thường không có vũ khí”.