Dù giá mía được đánh giá là cao so với các năm trước nhưng lợi nhuận mang theo người dân vùng nguyên liệu mía ở Khánh Hòa là vẫn thấp. Đó là chưa kể, hàng trăm hecta đất từng trồng mía ở Khánh Hòa phải bỏ mía tạm thời giờ là bãi đất trống, chưa biết trồng cây gì.
Ngày càng không hiệu quả
Dù giá mía hiện tại được đánh giá cao so với những năm gần đây, song nông dân thu hoạch cũng không phấn khởi như thời cây mía ăn nên làm ra.
Tại xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), cách đây 5 năm về trước, cây mía đã giúp nhiều nông dân thoát nghèo, vươn lên khá giả nhờ trồng diện tích lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc trồng mía không còn hiệu quả nữa, diện tích mía trên địa bàn liên tục giảm.
Ông Võ Ngọc Phi Vũ - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân - cho biết, đến niên vụ 2020 - 2021, toàn xã chỉ còn 500ha mía, giảm 800ha so với niên vụ 2018 - 2019.
Theo ông Vũ, cây mía trồng không hiệu quả là do biến đổi khí hậu, mưa nắng, bão lũ thất thường dẫn đến ảnh hưởng năng suất, chất lượng cây mía.
Bên cạnh đó, nông dân thu hoạch mía cũng gặp nhiều khó khăn như công lao động khan hiếm, chi phí vận chuyển mía tăng cao... trong khi giá mía thu mua ở mức thấp, như niên vụ 2017 - 2018 chỉ khoảng 780.000 đồng/tấn (10 CCS) nên nông dân thu hoạch thua lỗ.
Bà Võ Thị Hậu Phương (thôn Trung, xã Ninh Tân) cho biết, vụ này gia đình thu hoạch mía cho năng suất khoảng 40 tấn/ha, chữ đường trên 10 CCS. Với năng suất, chữ đường và giá mía bán ra vụ này là cao, nhưng bà Phương nhẩm tính chỉ lãi chút ít.
Tương tự, gia đình ông Hồ Quang Hiếu (thôn Bắc, xã Ninh Tân) dù sở hữu ruộng mía đến 3 hecta nhưng phần lớn cây còi cọc, thấp tè. Với kinh nghiệm gần 20 năm trồng mía, ông Hiếu dự kiến tổng sản lượng thu hoạch toàn bộ diện trên khoảng 100 tấn là cùng, với giá hiện nay cũng không hiệu quả lắm. 3 năm nay việc trồng mía của gia đình ông Hiếu không hiệu quả nên sau vụ thu hoạch này anh dự định một là cho thuê đất hoặc tạm thời bỏ đất trống, tìm cây trồng gì phù hợp để chuyển đổi.
Loay hoay chuyển đổi cây trồng
Một số địa phương vùng nguyên liệu mía ở Khánh Hòa rất trăn trở không biết định hướng, khuyến khích cho nông dân chuyển mía sang trồng cây gì cho phù hợp. Thực tế, người nông dân đã chủ động chuyển đổi một ít diện tích mía sang trồng cây ăn quả như mít, xoài… đối với những vùng chủ động nước tưới.
Ngược lại, những vùng đất đồi, không chủ động nước tưới, nông dân chuyển mía sang trồng keo, nhưng diện tích chuyển đổi các cây trồng trên cũng không nhiều. Do đó, hiện còn hàng trăm hécta ở thị xã Ninh Hòa nông dân bỏ mía tạm thời bỏ đất trống, chưa biết trồng cây gì.
Ông Vũ cho rằng, trồng cây ăn quả hiện chưa đánh giá được hiệu quả ra sao vì cây trong giai đoạn chăm sóc, kiến thiết. Còn cây keo thu nhập cũng không khá hơn cây mía là bao mà thời gian chờ được thu hoạch lại dài.
Ông Phan Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa - thì cho rằng, những năm gần đây cây mía không còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Điều này thể hiện khi diện tích mía trên địa bàn ngày càng giảm.
Cụ thể, niên vụ mía 2020 - 2021 toàn TX chỉ còn 6.200ha, trong khi trước đây khoảng 8.200ha. Đối với niên vụ này, ông Liêm đánh giá dự kiến năng suất, sản lượng mía cũng không cao, do hầu hết nông dân “bỏ mặc” không đầu tư chăm sóc cây mía.
Trước tình hình này, hiện thị xã Ninh Hòa đã có kế hoạch quy hoạch lại bản đồ thổ nhưỡng, nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Từ đó, thị xã sẽ đẩy mạnh xúc tiến kêu gọi nhà đầu tư thực hiện liên kết với các hợp tác xã để chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả hoặc bỏ trống sang trồng cây mới như thơm (dứa) phục vụ xuất khẩu trong và nước ngoài. Khi đó việc chuyển đổi cây trồng của người dân sẽ được hiệu quả và bền vững.
Được biết, niên vụ mía 2020 - 2021 toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 12.790ha, trong khi thời điểm niên vụ 2016 - 2017 gần 20.000ha.
Trước tình hình cây mía không còn hiệu quả, trong năm 2020, huyện Cam Lâm chuyển 45,7ha sang trồng xoài và cây ăn quả khác, TX.Ninh Hòa chuyển 184ha sang xoài, bưởi, mít.
Hiện Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Khánh Hòa đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt kế hoạch chuyển đổi cây trồng giai đoạn 2021 - 2025 để có cơ sở cho sở này xây dựng chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện kế hoạch chuyển đổi và áp dụng NĐ 98, NĐ 57 về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp.
Xem thêm: odl.127488-gnort-yac-iod-neyuhc-yaoh-yaol-aoh-hnahk-o-aim-gnort-nad-gnon/et-hnik/nv.gnodoal