Lô đất của ông Phương (cạnh căn nhà) chưa được xem xét chuyển thành đất ở do ông không có địa chỉ thường trú tại huyện Củ Chi - Ảnh: T.Đ.P.
Những khu đất và đối tượng được Nhà nước "lên kế hoạch" trong năm nay mà chưa có nhu cầu trong kỳ kế hoạch này thì được chuyển sang kỳ kế hoạch sau. Nếu làm được như vậy thì việc phát triển của các khu ở, khu dân cư mới đi vào quy củ, đúng kế hoạch của Nhà nước đề ra ban đầu, Nhà nước kiểm soát được phát triển đô thị.
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM)
Nhiều người mua đất đã đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) từ năm 2019, nhưng đến cuối năm 2020 mới nhận được thông báo mình không thuộc diện được chuyển mục đích sử dụng đất của năm này.
Huyện nói làm đúng theo chỉ đạo
Ông Đình Phương (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đã đăng ký xin chuyển mục đích thành "đất ở" cho một lô đất tại xã Phú Mỹ, huyện Củ Chi từ tháng 9-2019. Đến cuối tháng 11-2020, kế hoạch sử dụng đất của huyện Củ Chi mới được UBND TP.HCM phê duyệt và UBND huyện mới bắt đầu nhận hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất vào đầu tháng 12-2020.
Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi không nhận hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của ông Phương, kèm lời giải thích là ông Phương không có... hộ khẩu ở huyện Củ Chi.
Ông Phương ngỡ có nhầm lẫn gì đó vì những năm trước, ông cũng đăng ký và đều được giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất vào năm sau khi Nhà nước duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Nhưng đến ngày 22-12, ông Phương nhận được văn bản của UBND huyện Củ Chi gửi các đơn vị liên quan, chỉ đạo chưa xem xét chuyển mục đích sử dụng đất cho những trường hợp người sử dụng đất có nơi cư trú ngoài địa bàn huyện Củ Chi, và các trường hợp thay đổi tên trong danh sách phê duyệt kế hoạch sử dụng đất ban đầu.
Nhiều người như ông Phương vì thế đã lỡ kế hoạch xây nhà, lỡ hẹn giao đất ở cho khách hàng trong năm 2020, đối diện với nguy cơ phải đền hợp đồng...
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Việt Dũng, phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, giải thích rằng quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 trên địa bàn huyện Củ Chi của UBND TP có quy định: do chỉ tiêu đất ở nông thôn (tại huyện Củ Chi - PV) còn rất hạn chế... (nên) chỉ xem xét giải quyết chuyển mục đích sang đất ở nông thôn cho hộ gia đình, cá nhân đối với các gia đình chính sách, các trường hợp thật sự khó khăn về nhà ở; hiện đang cư trú trên địa bàn huyện...
Mới đây có thông tin huyện Củ Chi đề nghị những trường hợp đã đăng ký chuyển mục đích theo kế hoạch năm 2020 mà chưa được xem xét thì đăng ký lại cho kế hoạch sử dụng đất vào năm 2021.
Lãnh đạo UBND huyện Củ Chi cho biết vì chỉ tiêu diện tích đất chuyển thành đất ở năm 2020 trên địa bàn huyện vẫn còn thừa nên sẽ được chuyển sang thực hiện trong năm 2021. UBND huyện sẽ làm việc với cơ quan chức năng để kế hoạch sử dụng đất năm 2021 được phê duyệt sớm và không bị hạn chế đối tượng chuyển mục đích sử dụng đất như năm 2020.
Xây dựng kế hoạch bị ngược
Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận xét rằng về bản chất, kế hoạch sử dụng đất là công cụ của Nhà nước để điều tiết phân bổ và khoanh vùng việc sử dụng đất đai theo quy hoạch trong từng năm.
Qua kế hoạch sử dụng đất, Nhà nước sẽ định hướng được không gian phát triển cho nhà ở, nông nghiệp, đô thị... cho từng giai đoạn. Như vậy hằng năm, khu vực nào được chuyển mục đích thành đất ở, diện tích bao nhiêu là do cơ quan phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đưa ra tiêu chí cho từng địa phương.
"Cách làm ở TP.HCM hiện nay có hai cái ngược. Thứ nhất là việc buộc người dân đăng ký nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất rồi Nhà nước mới ban hành kế hoạch sử dụng đất hợp thức hóa nhu cầu của người dân. Hai là kế hoạch thực hiện trong năm nhưng đến cuối năm mới ban hành. Vì vậy mới có chuyện người dân phản ứng định hướng của Nhà nước về kế hoạch sử dụng đất", luật sư Ly Tao giải thích.
Theo ông, đáng ra UBND TP.HCM phải duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cho các địa phương từ cuối năm 2019. Trên cơ sở các tiêu chí về tổng diện tích đất, đối tượng... được chuyển mục đích sử dụng đất, UBND cấp quận, huyện sẽ nhận hồ sơ xem xét chuyển mục đích sử dụng đất cho người dân có nhu cầu mà đạt được các tiêu chí, nằm trong phạm vi diện tích mà UBND TP đã định hướng.
TTO - Những ngày qua, có nhiều người dân nợ tiền sử dụng đất được ghi trong “sổ đỏ” nháo nhào làm thủ tục trả nợ cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo quy định, tùy vào thời điểm nợ mà cần và nên đóng trước ngày 1-3. Vậy ai không cần phải trả nợ gấp?