Theo thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường (Bộ Công thương), sau một thời gian theo dõi, ngày 1/3 lực lượng chức năng đã phát hiện xe khách chạy từ phía Bắc vào, khi đến địa bàn huyện Đăk Tô đã bỏ xuống 3 thùng xốp, bên ngoài ghi "hoa phong lan Đăk Tô" và không có địa chỉ người gửi, người nhận.
Sau khi kiểm tra 3 thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện có 2 kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ.
Củ sâm giả tại "thủ phủ" sâm Ngọc Linh Kon Tum - Ảnh: QLTT |
Theo ông Ngụy Đình Phúc - Đội trưởng Đội QLTT số 2, từ 2 tháng qua đơn vị này đã mật phục, theo dõi, nắm quy luật hoạt động đến nay mới phối hợp với lực lượng công an bắt giữ. Rất tiếc, lợi dụng đêm tối, các đối tượng đã bỏ hàng để lẩn trốn.
Ông Phúc khẳng định, số hàng được thu giữ là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển vào địa bàn huyện Đăk Tô đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa bán cho người tiêu dùng.
Sâm Ngọc Linh được xem là “Quốc bảo” của Việt Nam, phân bố ở khu vực rừng núi cao ở Kon Tum và Quảng Nam. Huyện Đăk Tô là cửa ngõ để đi lên vùng núi Ngọc Linh - "thủ phủ" của sâm Ngọc Linh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh rất có giá trị, mỗi ký có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng (tùy loại).
Thời gian qua rất nhiều tư thương đã thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô rồi đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để bán làm ảnh hưởng đến thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.
Hiện tại, tỉnh Kon Tum mới chỉ cấp phép cho 3 đơn vị có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20 ha), Công ty CP Vingin (trồng 200 ha) và Công ty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum (600 ha).
Quốc Thái
Xem thêm: lmth.3968241a-taht-mas-uhp-uht-iat-yagn-aig-hnil-cogn-mas-uig-uht/nv.moc.enilnounuhp.www