Sáng 2-3, ông Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cùng ông Nguyễn Hoài Anh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND và ông Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã có chuyến xông đất đầu năm xóm nhà chồ ven sông Cà Ty, Phan Thiết.
Ông Dương Văn An đang trao đổi với đại diện các cơ quan tại vị trí dự kiến của dự án
Tất cả lãnh đạo tỉnh đều đi bộ vì không thể có phương tiện nào lưu thông được trong những con hẻm ngoằn ngoèo sâu hun hút mà hai người đi ngược chiều còn phải nghiêng người mới lách qua được.
Xóm nhà chồ nằm ven sông Cà Ty thuộc phường Phú Trinh, TP Phan Thiết là xóm nghèo, nhà cửa ở đây đều tạm bợ vá chằng vá đụp. Hầu hết những căn nhà trong xóm đều xiêu vẹo, lắc lư và kêu răng rắc mỗi khi thủy triều lên, nghiêng ngả như những mảnh đời ở đây. Có nhà mặt sàn chỉ 40 m2 nhưng có tới bốn hộ gia đình chen chúc nhau ngụ cư.
Sáng nay, cả xóm xôn xao khi thấy những cán bộ trẻ, đứng đầu tỉnh ghé xông đất. Thật vậy, ông Dương Văn An vừa tròn 50; ông Nguyễn Hoài Anh 44 tuổi còn ông Lê Tuấn Phong 47 tuổi. “Tam trụ" của Bình Thuận có thể là nhiệm kỳ lãnh đạo trẻ nhất trong nhiều nhiệm kỳ qua ở tỉnh này.
Lách qua những con hẻm, thỉnh thoảng họ dừng lại trước nhà người dân, hỏi ý kiến họ về việc nếu dọn đến nơi ở mới khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Ai nấy đều bất ngờ rồi gật đầu đồng ý ngay.
Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hỏi ý kiến những người dân về việc di dời
Ông Dương Văn An cho biết dự án kè phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty, Phan Thiết là dự án cấp bách cần phải làm ngay.
Dự án này có mục tiêu bảo vệ, giữ ổn định bờ sông, cải tạo cảnh quan, chỉnh trang đô thị; tăng cường khả năng thoát lũ, giảm ngập lụt cho thành phố Phan Thiết.
Khi dự án hình thành sẽ tạo mặt sông thông thoáng, cải tạo cảnh quan vệ sinh môi trường và phát triển các hoạt động văn hóa, du lịch và thể dục thể thao.
Ông Dương Văn An chia sẻ, việc triển khai xây dựng dự án là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phải thực hiện trong thời gian sớm nhất. Không thể để người dân tiếp tục sống trong điều kiện thiếu thốn, ô nhiễm, tạm bợ kéo dài ngay trong lòng thành phố.
Ông Lê Tuấn Phong (trái) và ông Nguyễn Hoài Anh trao đổi tại hiện trường
“Phan Thiết là một trong số ít những thành phố vẫn còn xóm nhà chồ. Do đó, nếu không triển khai quy hoạch xây dựng lại là lãnh đạo tỉnh có lỗi với người dân. Việc đầu tư xây dựng góp phần chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại và những giá trị lâu dài về sau” - ông An nói.
Khi cả đoàn dừng chân ở cầu Bát Xì trên đường Lê Thị Hồng Gấm, dù đeo khẩu trang nhưng ai cũng nhận ra con rạch này quá ô nhiễm, bốc mùi khó chịu, nước đen như dầu hắc, bề mặt đầy rác rưởi.
Sở dĩ dân Phan Thiết gọi là cầu Bát Xì là do vào thời Pháp thuộc, ông Trần Gia Hòa, một đại gia giàu nhất nhì Phan Thiết làm cầu bắc qua con rạch. Do ông Trần Gia Hòa được triều đình Huế phong chức Bát Phẩm nên người dân ghép chức Bát phẩm và Xì là tên tục của ông Hòa rồi gọi “chết tên” cho đến ngày nay.
Sơ đồ dự án tại cầu Bát Xì
Được biết, dự án này sẽ xây dựng tuyến kè bảo vệ bờ sông dài 440m, từ bờ tả cầu Dục Thanh hướng về cầu Bát Xì với hy vọng sẽ cải tạo bộ mặt, cảnh quan TP Phan Thiết ở khu vực này.
Trao đổi với PLO, ông Dương Văn An cho biết trước mắt khẩn trương xây cầu Văn Thánh và chuẩn bị khu tái định cư để người dân xóm nhà chồ yên tâm dời về nơi ở mới khang trang, giao thông thuận lợi, nhường đất để thực hiện dự án.
Dự án kè phòng chống lũ lụt, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, gắn với cải tạo môi trường sông Cà Ty, Phan Thiết hiện có bốn phương án được đưa ra tính toán, xem xét. Cụ thể, tổng diện tích đất thu hồi dự kiến của bốn phương án thấp nhất là 19.266 m2, cao nhất là 36.769 m2; số căn nhà giải tỏa thấp nhất là 320, nhiều nhất là 766; tổng mức đầu tư thấp nhất là 304 tỉ đồng, cao nhất là 675 tỉ đồng. |