vĐồng tin tức tài chính 365

Nông sản Hải Dương bao giờ qua cơn bĩ cực?

2021-03-02 18:12

Kể từ khi Hải Dương căng thẳng vì dịch Covid, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, kéo theo nông sản của các địa phương này rớt giá, thậm chí không thể tiêu thụ được. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tỉnh Hải Dương như "ngồi trên đống lửa" vì hàng tồn kho lớn, nhiều đơn hàng bị huỷ...

Việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản từ Hải Dương chịu tác động mạnh do dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Đặc biệt khi nhiều tỉnh, thành phố ban hành quy định không tiếp nhận người từ Hải Dương tới hoặc không cho người hoặc phương tiện từ Hải Dương qua lại địa bàn.

GIÁ BÁN THẤP, NÔNG DÂN LỖ NẶNG 

Ông Nguyễn Trung Kiên, xã Nam Tân, huyện Nam Sách cho biết, cả xã có 17 đội, mỗi đội ước tính trồng khoảng 100 ha hành tỏi, như vậy toàn xã Nam Tân có khoảng 1.700 ha hành, tỏi. Nhưng đến thời điểm này, toàn bộ các ha hành tỏi của xã đều đã đến vụ thu hoạch, song đầu ra chưa có, nếu có thì mức giá rất thấp. Giá hành tỏi bán tại ruộng ở Nam Tân hiện vẫn đang ở dưới mức thấp kỷ lục, chỉ 4.500 đồng/kg hành củ, bằng ¼ mức giá bán thông thường 15-16.000 đồng/kg.

Riêng nhà ông Kiên trồng gần 3 ha hành, tỏi, mỗi vụ (4 tháng) cho thu hoạch 60 tấn. Mỗi một sào tính cả phí nhân công, giống, phân bón mất khoảng 4 triệu, chưa kể tiền công thu hoạch mất tới hơn 1 triệu đồng/sào. Ông Kiên tính toán, chưa có dịch thì doanh thu từ hành, tỏi của gia đình ông khoảng 12 triệu/sào, lợi nhuận thu được khoảng 7 triệu. Nhưng nếu giờ bán ra chỉ thu được khoảng 6 triệu/sào, như vậy số lãi thu được khoảng 1 triệu mỗi sào – con số này chia cho 4 tháng lao động vất vả thì coi như lỗ. Chính vì vậy, nhà ông Kiên đành thu gom về sấy khô, đợi dịch qua đi, vận chuyển thông suốt, khi ấy kỳ vọng mức giá bán ra sẽ cao trở lại.

"Mong rằng khi hết thời gian giãn cách, mọi sinh hoạt kinh doanh sản xuất trở lại, giá hành tỏi sẽ tăng cao hơn. Sau dịch, chúng tôi cũng mong muốn được các đơn vị của xã, huyện, tỉnh giúp bà con tìm được đầu ra lớn cho số lượng hành tỏi tồn đọng từ trước Tết tới nay", ông Kiên hi vọng.

Hiệp hội Gà đồi Chí Linh có 650 hội viên, mỗi hộ nuôi khoảng 2.000 con gà thịt nên số lượng khá lớn. Người nuôi gà ở Chí Linh kỳ vọng thu lợi cả năm ở tháng Tết nhưng Tết Tân Sửu lại thất thu vì dịch bệnh, không bán được. Ông Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, lượng gà tồn đến tuổi xuất bán tính đến ngày 26/2 còn hơn 500 nghìn con gà, mỗi con 3kg. Do giãn cách, trung chuyển khó, ở các điểm chốt không cho sang hàng. Người buôn không vào để bắt gà được, trong khi các tỉnh khác không cho người Chí Linh, Hải Dương đưa gà vào bán. Lái xe phải có giấy xét nghiệm mới qua các chốt. Trong khi giấy xét nghiệm phải lên tỉnh cấp và có thời hạn 3 ngày, trừ 1 ngày chờ lấy giấy thì còn 2 ngày. Mỗi lần xin giấy xét nghiệm mất hơn 800.000 đồng. 

"Nếu tính hạch toán kinh tế thì 800.000 đồng cho 2 ngày là quá lớn, nên lái xe ngại không làm. Vì số tiền lái xe thu được trong 2 ngày không bằng mức hơn 800 nghìn bỏ ra", ông Nhàn cho biết.

Không tiêu thụ được nông sản khiến tâm lý bà con chăn nuôi gà chán nản. Hiệp hội xoay xở tìm đến các bếp ăn của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh để mỗi ngày tiêu thụ được vài tấn gà, giúp người nuôi có khí thế chăm sóc số gà còn lại.

Tuy nhiên, điều khiến bà con nuôi gà thấp thỏm nữa là mức giá bán ra giảm mạnh. Giá xuất bán tại cửa chuồng hiện nay là 42.000 đồng/kg, giá giảm gần chục nghìn/kg so với thời điểm không có dịch. Còn nếu không bán, gà quá lứa nuôi thêm 1 tháng người dân đã thua lỗ nhiều, mỗi ngày 1.000 con gà ăn hết khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn.

"Chúng tôi giờ chả biết trách ai, tình thế này là do dịch bệnh. Tiêu thụ gà Chí Linh cũng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu các tỉnh. Nên chỉ hy vọng dịch bệnh nhanh hết, hết thời điểm giãn cách để gà xuất chuồng được giá. Quảng Ninh hỗ trợ người nuôi gà, mỗi con gà vài chục nghìn nhưng Hải Dương chưa có. Hy vọng dịch hết, tỉnh có cơ chế ưu đãi giúp bà con chăn nuôi Chí Linh vực dậy sản xuất như hỗ trợ vay vốn, giảm lãi vay...", ông Nhàn mong muốn.

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU BỒN CHỒN 

Không chỉ người nông dân, các doanh nghiệp thương mại cũng loay hoay trong đại dịch. Chủ yếu làm hàng nông sản như bắp cải, cà rốt, súp lơ, cải thảo... xuất sang thị trường Nhật, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Singapore, Trung Đông... nhưng do dịch bệnh hàng hoá không đưa được ra cảng Hải Phòng nên hàng tồn kho của Công ty cổ phần nông sản Hưng Việt (trụ sở tại thôn Tằng Hạ, xã Gia Xuyên, Gia Lộc, Hải Dương) khá lớn. 

Chia sẻ với phóng viên tờ Kinh tế Việt Nam ngày 25/2, ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết, số lượng tồn kho của Hưng Việt hiện lên tới gần 1.000 tấn hàng do không xuất được đúng thời hạn, đối tác huỷ đơn hàng. Chi phí lưu kho, bảo quản mỗi tháng hết hơn 400 triệu, chưa tính khấu hao máy móc. Dự kiến, chỉ trong đợt dịch bệnh này doanh nghiệp Hưng Việt thiệt hại tới 5 tỷ đồng. Chưa kể số lượng sản phẩm nằm ngoài đồng chưa thu hoạch kịp hết, nếu để kéo dài chất lượng sẽ kém đi rất nhiều.

Tình huống này khiến doanh nghiệp rơi vào bế tắc. Bởi với hàng nông sản đã đóng vào kho bảo quản chỉ được nửa tháng, bảo quản như vậy nhưng thời gian tới tiêu thụ được hay không cũng rất khó, vì chất lượng hàng sẽ kém đi. Bắp cải nếu bảo quản tốt được 1 tháng, nếu không chỉ 1 tuần đã xuống mã, trong khi để từ trong Tết đến giờ đã nửa tháng. Hàng đóng xuất khẩu thì mỗi khách hàng đóng một mẫu khác nhau nên khách hàng này không lấy cũng không thể chuyển sang cho khách hàng khác. Khách hàng nhập khẩu mới (nếu có) cũng không chấp nhận hàng lưu kho, họ muốn mua hàng mới. Nhưng số lượng khách hàng mới không nhiều.

Còn bài toán đưa những sản phẩm chưa xuất khẩu được về phía Nam tiêu thụ cũng không đơn giản. Lái xe e ngại không dám chạy vào Nam vì sợ khai báo, cách ly. Hơn nữa, quy cách đóng gói hàng xuất khẩu không như tiêu thụ trong nước. Trong nước cần độ tươi còn hàng qua đông lạnh thì khó bán.

Sau khi có đề nghị của tỉnh cho xe qua Hải Phòng đến cảng, dù vận chuyển đã nới lỏng hơn nhưng vẫn rất khó khăn. Ông Trường cho hay, cước vận chuyển mỗi xe tăng gấp đôi, lên 7 triệu/container do vận tải mất nhiều thời gian hơn, trước kia mất 2 giờ đến cảng giờ mất 4 tiếng. Lái xe ngại do thời gian chờ đợi lâu nên họ không chạy. Không có lái xe phải chuyển tải, sang hàng... dẫn tới chi phí vận chuyển cao, chất lượng sản phẩm kém đi. Do đó, doanh nghiệp rất cần hỗ trợ sau Covid để hồi phục sản xuất. Theo ông Trường, chính sách cần hỗ trợ trực tiếp (bao nhiêu % thiệt hại) cho doanh nghiệp và nông dân.

Cũng trong tình cảnh tương tự, Công ty TNHH chế biến nông lâm sản xuất khẩu Hùng Sơn (xã vĩnh Hòa, Ninh Giang, Hải Dương) xuất khẩu 13 loại mặt hàng nông sản sang nhiều thị trường nhưng từ trước Tết đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. "Hàng xuất đi Nhật cũng không được dù dưa, ớt đã đóng thùng. Không biết vài hôm nữa Hải Phòng có mở cửa cho container vào để chúng tôi đóng hàng hay không. Chúng tôi đang lo phát sốt đây. Củ kiệu, cà rốt, dưa, ớt chế biến... tồn khoảng 170 tấn – 8 container", ông Dũng lo lắng.

Đau đầu hơn, ông Dũng có 2 nhà máy, 1 năm mỗi nhà máy sản xuất hơn chục nghìn tấn sản phẩm nông sản xuất khẩu. Nếu trong 1 tháng không hoạt động sẽ mất gần 1 nghìn tấn. "Chúng tôi xuất khẩu sang Nhật, Hàn, Nga, Mỹ... đều phải hoãn 1 tháng, dù là bạn hàng truyền thống nhưng nếu cứ kéo dài nữa thì hàng bị hỏng, mất đơn hàng do họ không chờ đợi được", ông Dũng chia sẻ.

Không chỉ vậy, tổn thất ở Hoà Bình cũng nhiều. Hùng Sơn còn đầu tư gần chục ha cho nông dân trồng dưa ở Hoà Bình. Do thời gian giãn cách, không lên thu hoạch được nên công ty để bà con mang về sử dụng, cân lên tính ra tiền để doanh nghiệp bồi thường. "Doanh nghiệp cũng rất cần hỗ trợ nhưng có được hỗ trợ hay không mới là quan trọng. Hy vọng tỉnh có chính sách chung hỗ trợ toàn bộ các doanh nghiệp Hải Dương", ông Dũng nói.

Từ 0 giờ ngày 3/3, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương thống nhất kết thúc 15 ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, gỡ bỏ phong tỏa đối với Tp.Chí Linh và huyện Cẩm Giàng, đồng thời chuyển toàn tỉnh sang một trạng thái mới, vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển KT-XH. Từ ngày 3/3 áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đối với 4 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Kim Thành, Cẩm Giàng, Tp.Hải Dương, thị xã Kinh Môn cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương còn lại gồm: Bình Giang, Gia Lộc, Nam Sách, Ninh Giang, Thanh Hà, Thanh Miện, Tứ Kỳ và Tp.Chí Linh cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ 17 giờ ngày 26/2, thành phố Hải Phòng tạm dừng hoạt động 8 chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn để đáp ứng yêu cầu lưu thông hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Hải Dương ra cảng thuận lợi. Các chốt kiểm soát còn lại vẫn tiếp tục hoạt động nhưng không kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa; chỉ kiểm soát các phương tiện chở người, vận tải hành khách, phương tiện thô sơ chở hàng hóa và người đi bộ. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng yêu cầu các chủ phương tiện, chủ giao nhận hàng áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và phải chịu trách nhiệm khi lái xe, phụ xe làm lây lan dịch bệnh trong quá trình vận chuyển và giao nhận hàng hóa.


Xem thêm: mth.61673304120301202-cuc-ib-noc-auq-oig-oab-gnoud-iah-nas-gnon/nv.ymonocenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nông sản Hải Dương bao giờ qua cơn bĩ cực?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools