Vận chuyển hàng hóa, nông sản vùng dịch: vẫn chưa có đường sáng
Lan Nhi
(TBKTSG Online) - Đã một tuần kể từ khi Thường trực Chính phủ họp trực tuyến với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid 19 yêu cầu các bộ sớm có quy trình hướng dẫn hàng hóa từ các vùng có dịch tiêu thụ trên thị trường nhưng đến ngày 2-3, mới chỉ có Bộ Công Thương ra văn bản hướng dẫn.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình "giải cứu" nông sản Hải Dương. Ảnh: TTXVN |
Một cơ chế thống nhất về lưu thông hàng hóa ra, vào vùng dịch là điều được chờ đợi hơn một tháng từ Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, những địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm mong mỏi khi có bùng phát dịch bệnh. Việc “mạnh ai nấy làm” trong hoạt động kiểm soát phòng chống dịch bệnh trong vận tải hàng hóa đã gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế và đời sống xã hội của địa phương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, ngành cần sớm có quy trình thống nhất về vận chuyển hàng hóa qua vùng dịch để trình lên. Nhưng đến ngày 2-3 mới có Bộ Công Thương chính thức có văn bản về việc này.
Theo công văn số 1083 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký (về việc hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch) thì sau khi thống nhất với Bộ Nộng nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Y tế, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản trên địa bàn theo 5 cách.
Cụ thể:
(1) Sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật.
(2) Hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, GTVT như công văn số 898/BYT-MT (7/2 ) về việc hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa (đối với các phương tiện vận chuyển, lái xe, áp tải, bán hàng, mua hàng, bốc vác, gia công và hậu cần) và các quy định hiện hành khác.
(3) Khi cần thiết, chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn; xử lý, hướng dẫn và tiếp nhận các thông tin về khó khăn, vướng mắc trong việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản; thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về đơn vị đầu mối này để các tổ chức, cá nhân biết, liên hệ khi cần thiết.
Hiệp hội vận tải tỉnh Hải Dương cho biết: từ khi có dịch (28-1) và dừng lưu thông đến ngày 25-2, có trên 100 đơn hàng xuất khẩu nông sản, khoảng 650 container loại 40 feet phải hủy hợp đồng, gây thiệt hại 100 tỉ đồng. Nếu nông sản tiếp tục bị tắc đến đầu tháng 3, sẽ thiệt hại khoảng 400 tỉ đồng, chưa kể chi phí giải quyết hậu quả... |
(4) UBND các tỉnh, thành phố thông báo các khu vực bị phong tỏa hoặc khu vực có ổ dịch trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định để các tỉnh, thành phố, các tổ chức, cá nhân biết, tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp, bảo đảm lưu thông hàng hóa.
(5) Các tỉnh, thành theo điều kiện thực tiễn tại địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện hướng dẫn của Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thu mua tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản và lưu thông trên địa bàn kịp thời, hiệu quả.
Trên thực tế, một số ý kiến cho rằng vẫn chưa có có một quy trình mang tính “đột phá” nhằm giải quyết cụ thể hoặc linh hoạt hơn đối với việc lưu thông hàng hóa qua các vùng dịch như mong đợi của các doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh nông sản khi mà “các tỉnh, thành theo điều kiện thực tiễn tại địa phương” chỉ đạo, tổ chức thực hiện hướng dẫn của các bộ.
Trước đó, Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã chuyển kiến nghị của các hiệp hội lên Thủ tướng Chính phủ, đề nghị UBND TP Hải Phòng và Hải Dương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khảo sát, lựa chọn địa điểm của đủ điều kiện (như trạm dừng nghỉ trên Quốc lộ hoặc đường cao tốc) làm “vùng đệm” để xử lý các biện pháp phòng dịch đối với lái xe, xe và hàng hóa; thực hiện việc đổi lái xe để điều khiển phương tiện vào địa phương mình như ở cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn); tiếp đến là xây dựng hành lang lưu thông riêng của các phương tiện này để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, áp dụng việc đăng lý danh sách lái xe...
Đặc biệt, Ban IV kiến nghị Chính phủ xem xét giảm phí cầu đường trong thời gian có dich bệnh bùng phát tại các cao tốc mà các vận tải phải đổi hành trình do các lộ trình cũ bị cách ly do có dịch.
Chính phủ cũng cần nghiên cứu chỉ đạo Văn phòng Chính phủ thiết lập nhanh một kênh thông tin để cập nhật mọi văn bản chỉ đạo, điều hành từ cấp trung ương với cấp địa phương về chống dịch để doanh nghiệp, người dân nắm bắt kịp thời và chủ động kế hoạch, tính toán chi phí, đảm bảo sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên đến thời điểm này, những kiến nghị của Ban IV chưa nhận được phản hồi.
Xem thêm: lmth.gnas-gnoud-oc-auhc-nav-hcid-gnuv-nas-gnon-aoh-gnah-neyuhc-nav/371413/nv.semitnogiaseht.www