Theo Quy hoạch Điện VIII, giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD. Để có tiền đầu tư điện trong thời gian tới, các chuyên gia năng lượng cho rằng, vốn do Nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới.
Cần bao nhiêu tiền phát triển điện lực
Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 95,4 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Như vậy, giai đoạn 2021 – 2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD (9,5 tỉ USD cho nguồn và 3,3 tỉ USD cho lưới).
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỉ USD. Trong đó, cho nguồn điện là 140,2 tỉ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỉ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư cho nguồn và lưới là 73%/27%. Tức là, giai đoạn 2031 – 2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỉ USD.
Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2030 và 12,3 Uscent/kWh giai đoạn 2021-2045.
Ông Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nhận xét, việc cần khoảng 13 tỉ USD/năm cho ngành điện cần tính toán rất hợp lý và khoa học, bởi đây là số tiền rất lớn. Do vậy, nên xem xét kỹ dự án nào cần thì làm, dự án nào chưa cần thì thôi. Công trình nguồn điện, lưới điện phải tính toán tối ưu, chứ không thể chạy theo mong muốn của các địa phương để đưa hết vào quy hoạch.
Để thu hút đầu tư điện cần có chính sách giá hợp lý
Để thu hút các nhà đầu tư trong ngành điện, xây dựng các công trình điện lực, GS.TSKH Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng - cần có một chính sách giá hợp lý - đây là điều quan trọng nhất.
Khi nhà đầu tư thấy mức giá bảo đảm thu lại được chi phí bỏ ra và có lợi nhuận, thì họ sẽ đầu tư. Thậm chí, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải để đảm bảo nguồn lợi nhuận này.
Giống như câu chuyện đầu tư phát triển điện mặt trời, điện mặt trời mái nhà trong thời gian vừa qua. Trước khi có chính sách ưu đãi về giá, cơ quan quản lý nhà nước hô hào mãi nhưng rất ít nhà đầu tư tham gia, nhưng khi có chính sách ưu đãi thì các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này rất nhiều.
“Thời gian qua, nhiều dự án nguồn điện lớn của nhà đầu tư nước ngoài được triển khai theo hình thức BOT hay làn sóng đổ bộ vào năng lượng tái tạo đã đóng góp rất đáng kể cho ngành điện. Một mặt, giảm áp lực, giảm gánh nặng trong việc thu xếp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, tham gia phát triển nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Nhưng điều đó cũng có nghĩa là, phía cơ quan nhà nước phải xác định rõ trách nhiệm trong bài toán giá điện khi muốn kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này", GS Long nói.
Theo GS Trần Đình Long, để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực điện lực, cơ quan quản lý nhà nước cần cho nhà đầu tư biết rõ cơ chế ưu đãi thế nào, vận hành như thế nào để tính toán phương án đầu tư, kinh doanh. Bộ Công Thương phải thúc đẩy hoàn thiện cơ chế đấu thầu, xác định giá cạnh tranh, bảo đảm minh bạch, khách quan
Để có tiền đầu tư điện trong thời gian tới, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho hay, vốn do nhà nước đầu tư chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại 80% phải đi vay từ các quỹ, tổ chức tín dụng trong nước và thế giới.
Tuy nhiên, việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng cũng rất khó khăn. Bởi hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng cũng đưa ra nhiều rào cản kỹ thuật về bảo vệ môi trường khi cho vay các dự án điện.
Đó là lý do Việt Nam phải xây dựng hệ thống hành lang, pháp lý rõ ràng như thay đổi luật Điện lực, xây dựng luật Năng lượng tái tạo để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển trong lĩnh vực điện lực.
Xem thêm: odl.580588-ut-uad-ed-uad-neit-neid-hnagn-ohc-dsu-it-31-nag-nac-man-iom/et-hnik/nv.gnodoal