Cơn sốt mới: NFT
Tháng 10/2020, 1 nhà sưu tập tác phẩm nghệ thuật ở Miami có tên Pablo Rodriguez-Fraile đã chi gần 67.000 USD để mua 1 video dài chỉ vỏn vẹn 10 giây mà ông hoàn toàn có thể xem miễn phí trên mạng. Nhưng đến tuần trước ông đã bán lại video này ở mức giá khiến bạn sẽ phải sửng sốt: 6,6 triệu USD.
Tác giả của video này là nghệ sĩ kỹ thuật số tên là Beeple, người có tên thật là Mike Winkelmann. Điều đặc biệt của tác phẩm nói trên là nó đã được công nghệ blockchain xác thực là độc bản.
Đây chính là ví dụ điển hình về 1 loại tài sản kỹ thuật số hoàn toàn mới được gọi là NFT (non fungtible token, tạm dịch là token không thể thay thế được). NFT hiện đang là khái niệm hot trong giới tiền số, càng được ưa chuộng trong đại dịch khi mà các nhà đầu tư mong muốn chi những khoản tiền khổng lồ cho các món đồ chỉ tồn tại trên thế giới mạng.
Công nghệ blockchain cho phép những món đồ này được xác thực công khai là độc nhất vô nhị, không giống như các tác phẩm truyền thống được bán trên mạng có thể được sao chép vô số lần. Các NFT cũng đối lập với những tài sản "có thể thay thế được" như đồng đôla, chứng khoán hay những thỏi vàng.
"Bạn có thể bước vào bảo tàng nghệ thuật Louvre, chụp ảnh bức tranh Mona Lisa nhưng bức ảnh đó không có chút giá trị nào bởi vì đó không phải là bản gốc. Tác phẩm có giá trị là bởi nguồn gốc và lịch sử đằng sau nó", Rodriguez-Fraile giải thích.
Khái niệm NFT bao trùm nhiều thứ, từ những tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số đến những "mảnh đất" trong không gian ảo hay quyền sử dụng tiền số trong 1 ví điện tử. Ở thuở sơ khai của internet, tên miền chính là 1 ví dụ về NFT.
OpenSea, 1 "chợ mua bán" NFT, cho biết doanh số bán hàng tháng 2 đã tăng vọt lên mức 86,3 triệu USD so với con số 8 triệu USD của tháng 1. Cách đây 1 năm doanh số hàng tháng chỉ vào khoảng 1,5 triệu USD.
Doanh số hàng tháng trên OpenSea
"Nếu như bạn dành tới 10 giờ mỗi ngày trên máy tính, hoặc 8 tiếng mỗi ngày trên các nền tảng kỹ thuật số thì các tác phẩm kỹ thuật số thực sự có ý nghĩa bởi vì thế giới ảo cũng quan trọng không kém so với thế giới thực", nhà đồng sáng lập Alex Atallah của OpenSea nói.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cẩn trọng. Có không ít người cho rằng đây có thể là 1 quả bong bóng. Giống như nhiều thị trường ngách khác, nhà đầu tư vẫn có nguy cơ lỗ lớn nếu như cơn sốt đột ngột hạ nhiệt. Và ở đây cũng có thể xuất hiện những vụ lừa đảo khi mà có quá nhiều người tham gia thị trường không sử dụng tên thật.
Ngày càng được công nhận là chính thống
Mới đây nhà đấu giá hàng đầu thế giới Christie’s cũng lần đầu tiên mở bán 1 tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số. Đó là 1 bức ảnh được ghép từ 5.000 bức ảnh cũng của nghệ sĩ Beeple và chỉ tồn tại dưới dạng NFT. Theo chia sẻ từ Christie’s, hiện bức ảnh đã được trả giá lên đến 3 triệu USD và sẽ đợt đấu giá sẽ kết thúc vào ngày 11/3. Trước đây chưa từng có tác phẩm kỹ thuật số nào có giá trên 1 triệu USD.
Trong 1 động thái khác, nhà đấu giá có lịch sử lâu đời từ tận năm 1766 mới đây cũng thông báo sẽ chấp nhận thanh toán bằng đồng tiền số Ether bên cạnh các đồng tiền chính thống.
Các NFT đang được hưởng lợi từ cơn sốt tiền số và blockchain. Và cơn sốt NFT cũng trùng hợp với làn sóng các nhà đầu tư nhỏ lẻ tràn vào thị trường chứng khoán trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh.
Bức ảnh này được trả giá lên tới 3 triệu USD.
Thời gian đầu, cơn sốt NFT có liên quan đến sự kiện ra mắt website Top Shot của Liên đoàn bóng rổ nhà nghề Mỹ. Trang web này cho phép người dùng mua và bán các NFT dưới dạng các video tóm tắt những trận đấu. 5 tháng sau khi ra mắt, nền tảng này đã có hơn 100.000 người mau và doanh số đạt gần 250 triệu USD. Phần lớn các giao dịch diễn ra trên chợ trực tuyến theo hình thức P2P và NBA nhận được tiền bản quyền trên mỗi giao dịch.
Top Shot cho biết doanh số của tháng 2 đã đạt 198 triệu USD, tăng gấp 5 lần so với mức 44 triệu USD của tháng 1. "Mỗi video có 1 số seri độc nhất với tính độc bản và quyền sở hữu được bảo vệ bởi công nghệ blockchain", trên trang web Top Shot viết. Cho đến nay giao dịch có giá trị cao nhất diễn ra ngày 22/2 vừa qua, khi 1 người trả 208.000 USD cho 1 video ghi lại cú slam dunk của huyền thoại LeBron James.
1 người có biệt danh "Pranksy" cho biết đã đầu tư 600 USD vào 1 dự án NFT từ năm 2017 và hiện đã xây dựng 1 danh mục có giá trị "7 con số" gồm NFT và tiền số. Người này đã chi hơn 1 triệu USD mua NFT trên Top Shot và kiếm được khoảng 4,7 triệu USD nhờ mua đi bán lại.
Andrew Steinwold, người đứng sau 1 quỹ đầu tư trị giá 6 triệu USD chuyên tập trung vào NFT, cảnh báo giá trị của phần lớn NFT có thể trở về 0 trong tương lai. Tuy nhiên, giống như nhiều người ủng hộ công nghệ blockchain và tiền số, ông tự tin rằng một số NFT sẽ giữ vững được giá trị và NFT chính là tương lai của quyền sở hữu đối với các tài sản kỹ thuật số, mở ra 1 thế giới mới mà trong đó con người sống, liên lạc và kiếm tiền hoàn toàn trong môi trường ảo.
"Tôi tin rằng sẽ có 1 ngày giá trị các NFT có thể chạm mốc hàng nghìn tỷ USD".
Tham khảo Reuters