Mỹ xây dựng liên minh kềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc
Khánh Lan
(TBKTSG Online) - Mỹ đang xây dựng các liên minh trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với mục đích kìm tỏa các tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Các quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay các cuộc trao đổi ban đầu của Mỹ với các đồng minh về việc hình thành các liên minh nói trên đã được khởi động, dù nỗ lực thiết lập sự hợp tác này dự kiến mất nhiều tháng.
Một cơ sơ sản xuất bán dẫn của công ty Renesas Electronics ở Bắc Kinh. Ảnh: AP |
Chiến lược này vừa mang tính tấn công và mang tính phòng thủ. Bằng cách kết hợp các yếu tố này, Mỹ và các đồng minh có thể chi tiêu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) với mức vượt trội so Trung Quốc, nước đang có ngân sách R&D tăng trưởng mạnh mẽ, gần bắt kịp Mỹ. Các liên minh dưới sự chủ trì của Mỹ cũng có thể phối hợp chính sách để ngăn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng để trở thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.
Liên minh bao gồm hầu hết các cường quốc công nghiệp
“Chúng tôi có lợi ích thực lớn trong việc bảo đảm rằng các nền dân chủ công nghệ tập hợp lại với nhau hiệu quả hơn để mà chúng tôi là những người thiết lập các chuẩn mực và quy tắc công nghệ”, ông Antony Blinken nói tại phiên điều trần phê chuẩn chức vụ ngoại trưởng của ông tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ hồi tháng 1 năm nay.
Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho hay Mỹ có kế hoạch tổ chức các liên minh khác nhau tùy thuộc vào từng vấn đề công nghệ. Nhìn chung, các liên minh này sẽ bao gồm hầu hết các cường quốc công nghiệp của khối G7 cộng thêm với một số nước khác.
Chẳng hạn, một liên minh về lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ bao gồm Israel, nơi có đội ngũ nghiên cứu giỏi nhất thế giới trong lĩnh vực này. Một liên minh khác liên quan đến vấn đề kiểm soát xuất khẩu có thể sẽ bao gồm Ấn Độ để bảo đảm rằng Trung Quốc bị cấm nhập khẩu một số công nghệ quan trọng. Vị quan chức cấp cao của Nhà Trắng nói rằng để khuyến khích các nước gia nhập các liên minh mà không lo ngại phản ứng của Trung Quốc, Nhà Trắng có thể không thông báo về sự tham gia của họ.
Những người nắm rõ kế hoạch trên của Mỹ cho biết các liên minh sẽ vận hành linh hoạt và tránh các thủ tục hành chính rườm rà. “Việc tạo ra thêm một tổ chức quốc tế sẽ dẫn dến những thông báo ồn ào nhưng không làm được điều gì cả. Với công nghệ, bạn có thể linh hoạt”, Anja Manuel, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush, nói.
Những lĩnh vực được xem là đã sẵn sàng để thành lập liên minh bao gồm kiểm soát xuất khẩu, tiêu chuẩn công nghệ, máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, viễn thông 5G và các quy dịnh quản lý công nghệ giám sát. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng danh sách trên cần thu hẹp lại vì tiến hành nhiều nỗ lực cùng một lúc sẽ mất rất nhiều thời gian và gây quá sức đối với các quan chức chính phủ.
Phong tỏa xuất khẩu công nghệ bán dẫn cao cấp
Công nghệ bán dẫn là ưu tiên hàng đầu trong danh sách trên vì các con chip máy tính đang vận hàng nền kinh tế hiện đại. Trung Quốc là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới, nhưng hơn 80% nguồn cung chip, đặc biệt là các sản phẩm chip cao cấp của nước này đến từ nhập khẩu hoặc được sản xuất bởi các công ty nước ngoài ở Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang tiếp nối chính sách phong tỏa xuất khẩu công nghệ quan trọng sang Trung Quốc. Nhà Trắng cho biết hồi tháng 2, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã trao đổi với người đồng cấp Hà lan, Geoffrey van Leeuwen về Trung Quốc và công nghệ cao cấp. Các chuyên gia xem thiết bị sản xuất bán dẫn như là công nghệ mang tính chốt chặn. Chỉ ba nước gồm Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan đang nắm quyền kiểm soát các thiết bị này, vì vậy, nếu hợp tác với nhau, họ dễ dàng kiểm soát xuất khẩu chúng. Một liên minh bán dẫn cũng sẽ bao gồm các nhà sản xuất chip lớn ở châu Âu cũng như Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan. |
Bắc Kinh đã chi hàng chục tỉ đô la Mỹ trong những thập niên gần đây để nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay vẫn còn kém xa so với các đối thủ phương Tây. Chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn duy trì sự cách biệt này.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã hợp tác với Hà lan để ngăn chặn hãng hãng ASML (Hà Lan) bán máy sản xuất bán dẫn cao cấp sử dụng tia tử ngoại cực ngắn cho SMIC, nhà sản xuất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc.
Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã đưa SMIC vào danh sách đen nhằm ngăn cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và công nghệ cho hãng này.
Cùng với việc hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc, các thành viên của liên minh này có thể hợp tác trong hoạt động R&D bao gồm hỗ trợ tài chính cho các nhà máy sản xuất bán dẫn có vốn đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ bên ngoài Trung Quốc.
Trung Quốc xiết nguồn cung đất hiếm để trả đũa
Nỗ lực này có thể khiến Trung Quốc lo ngại và thậm chí trả đũa đũa khi Bắc Kinh đang đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài.
Bắc Kinh đã sử dụng quyền lực kinh tế của mình để uy hiếp các đồng minh của Mỹ bao gồm việc dừng nhập khẩu rượu vang và than của Úc sau khi Canberra kêu gọi mở cuộc điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2.
Việc Mỹ vận động nhà sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc xem như là một tỉnh ly khai đang chờ thống nhất, sẽ làm Trung Quốc thêm lo lắng.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố nhấn mạnh rằng một liên minh bán dẫn do Mỹ dẫn đầu ‘vi phạm các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và cạnh tranh công bằng..., hủy hoại các quy tắc thương mại quốc tế’.
Bắc Kinh có nhiều phương án để trả đũa. Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm bao gồm 17 kim loại hiếm, được sử dụng để sản xuất các linh kiện điện thoại di động, hàng điện tử và thiết bị quân sự. Năm 2010, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản vì các căng thẳng xung quanh cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo ở biển Hoa Đông.
Gần đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đề xuất các quy định siết chặt quản lý sản xuất và xuất khẩu đất hiểm đồng thời đánh giá mức độ phụ thuộc của các công ty nước ngoài vào nguồn đất hiểm sản xuất ở Trung Quốc. Một số chuyên gia công nghệ cho rằng đây là động thái cảnh báo của Trung Quốc.
Gần đây, Tổng thống Joe Biden ký sắc lệnh đánh giá sự phục thuộc của Mỹ vào nguồn cung đất hiếm từ nước ngoài. Giới chức Mỹ đang bàn bạc với Úc và các nước khác để thúc đẩy khai thác và chế biến đất hiếm cũng như tạo ra những vật liệu tổng hợp có thể thay thế các kim loại hiếm này.
Hãng tin Bloomberg ngày 2-3 đưa tin tại kỳ họp quốc hội thường niên khai mạc vào ngày 5-3 tới, các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phê chuẩn đề án chính sách 5 năm nhằm cắt giảm sự phụ thuộc nguồn cung các linh kiện quan trọng như chip máy tính từ phương Tây, đồng thời khuyến khích đầu tư vào các công nghệ mới nổi từ xe chạy bằng nhiên liệu hydrogen, điện mặt trời cho đến công nghệ sinh học. Đề án này này sẽ huy động hàng ngàn tỉ đô la để hỗ trợ Trung Quốc vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thập kỷ này và sẽ củng cố mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đưa đất nước trở thành một siêu cường công nghệ toàn cầu. “Điều quan nhất là quy mô của tham vọng này lớn hơn bất cứ điều gì mà Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ từng làm. Tham vọng này sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc thông qua cánh cổng của cuộc cách mạng công nghệ”, Barry Naughton, giáo sư ở Đại học California tại San Diego, nói. |
Theo Wall Street Journal
Xem thêm: lmth.couq-gnurt-auc-ehgn-gnoc-gnov-maht-ehc-mek-hnim-neil-gnud-yax-ym/781413/nv.semitnogiaseht.www