"Giáo dục không chỉ truyền tải về những giá trị để mình tôi luyện bản thân mình mà giáo dục còn bao hàm việc làm thế nào để mình có thể nhân rộng cái tốt đẹp đó đến với người khác. Tiếng Anh có từ proactive – chủ động tích cực, mình phải học một cách chủ động.
Theo tôi, bắt đầu từ lớp 1 trở lên, chúng ta có thể định hướng cho trẻ tự vấn bản thân: mình đủ tốt chưa? Mình còn phải làm gì cho chung quanh mình tốt lên? Tôi đã nói đến từ proactive, ngoài việc phát triển bản thân, mình phải cảm thấy mình cũng có trách nhiệm và tự xây dựng năng lực và khả năng làm điều tốt cho người khác", bà Tôn Nữ Thị Ninh - Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TP. HCM, định nghĩa về giáo dục trong thời đại mới ở Tọa đàm Làm sao để nhân tài Việt tỏa sáng tại TQKS.
Giúp đỡ ai đó, ý hiện đại không phải là ‘cho’ mà phải là ‘với’, mong muốn là 'cho' nhưng làm việc 'với' họ, chứ không phải mình đang ‘ban phước’. Không có ‘ban phước’ ở đây! Ví dụ: nếu mình thấy tiếng Anh họ chưa tốt, mình làm ‘với’ người ta để tiếng Anh của họ tốt hơn. Chúng ta phải trao cho họ quyền năng để họ tự vươn lên. Tư duy hiện đại trong giáo dục phải thế này: giáo dục tạo quyền năng để người ta tự học, chứ không như trước kia cô thầy phải chỉ dạy từng giây từng phút. Như mình cắm điện cho cái máy và cái máy tự chạy.
Giáo dục hiện đại phải là giáo dục tạo điều kiện và khuyến khích thanh thiếu niên đứng trên đôi chân của mình, suy nghĩ bằng khối óc của mình và luôn luôn lắng nghe trái tim của mình. Đồng thời, chúng ta cần phải mở to mắt ra để nhìn tất cả những cái đẹp của tạo hóa trong lẫn ngoài nước, để mình góp phần gìn giữ di sản thiên nhiên, lịch sử dân tộc và đất nước mình.
"Có một lần Giáo sư Ngô Bảo Châu ghé TP. HCM cách đây vài năm. Sau tôi có thúc đẩy trường ĐH KHXH&NV mời Giáo sư tới giao lưu với sinh viên. Tôi nhớ, đề tài nói chuyện của Giáo sư Ngô Bảo Châu với sinh viên được một tổ chức nghệ thuật đặt ra như thế này: mối quan hệ giữa cái đẹp nghệ thuật và khoa học nghệ thuật.
Vào cuối buổi, đáp trả lời đề nghị ‘Giáo sư có điều gì muốn nói với tuổi trẻ Việt Nam thì sẽ nói gì’, anh Ngô Bảo Châu chia sẻ: tuổi trẻ cần hướng thượng và hướng thiện. Hướng thượng tức mỗi con người phải cố vươn lên cao hơn bản thân như giỏi hơn, đẹp hơn; hướng thiện là làm điều tốt cho bản thân, cộng đồng, nhân loại. Giáo dục phải đạt 2 chiều đó song song và cùng nhau. Và tôi rất tâm đắc với những phát biểu của anh Châu", bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định.
Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng: giáo dục là phải vừa hướng thượng vừa hướng thiện.
Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, nền giáo dục Việt Nam vẫn chưa thể chạm tới cùng lúc 2 mục tiêu nói trên. Ví dụ tiêu biểu: về mục tiêu hướng thượng – mặc dù tiếng Anh đang là ngôn ngữ toàn cầu và là phương tiện quan trọng để giúp mỗi người có một sự nghiệp thành công sau này song đây vẫn là môn thi thuộc vào loại thấp điểm nhất ở mỗi kỳ tốt nghiệp PTTH; về hướng thiện, không ít người Việt vẫn dễ bị cái xấu tác động, đặc biệt là trên mạng xã hội.
Môn tiếng Anh kết quả thấp vì các em học sinh cấp III vẫn chưa tìm thấy động lực thực sự
"Việc trong mỗi kỳ thi PTTH, tiếng Anh luôn là môn có điểm thi trung bình thấp nhất – đặc biệt ở khu vực nông thôn, đến từ rất nhiều nguyên nhân. Nguyên do lớn nhất là vì các em thiếu động lực: các em chưa có mong muốn học tiếng Anh một cách tử tế và sự thật là phải khi có nhu cầu cần học thì các học sinh mới thật lòng hưởng ứng.
Đơn cử, chúng ta cứ vào các trung tâm hợp tác xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ thấy, tất cả thanh niên đều nghiêm chỉnh ngồi học. Vì có mục tiêu nên họ không rụt rè. Than khó cũng không được! Ai hơi chậm luôn sẵn sàng dựa vào bạn bè hỗ trợ", bà Tôn Nữ Thị Ninh bày tỏ.
Giải pháp ở đây là có thể đợi khu vực nông thôn dần nâng cao mức sống, từng bước được đô thị hóa. Lúc đó, các em học sinh cấp III sẽ có cả điều kiện khách quan (công cụ/phương thức học tập phong phú hơn) lẫn chủ quan (thấy sự cần thiết của tiếng Anh trong thực tế đời sống) để có động lực học tập tiếng Anh hơn.
Ví dụ: ở Sapa có một cô gái nọ đã lập ra một homestay phục vụ người nước ngoài, rồi chủ homestay đó quay lại dạy tiếng Anh cho các thanh niên trong thôn bản để họ có thể làm việc cho homestay của cô. Tất nhiên, lúc đó các thanh niên rất chăm học. Động lực phát triển là phải từ xã hội mà ra.
Trong khi chờ đợi việc đô thị hóa nông thôn, thì việc tạo động lực sẽ là trách nhiệm khá lớn của các thầy cô giáo. Bởi nếu học sinh đã không có động lực học tiếng Anh mà giáo viên còn dạy một cách máy móc không chút sinh khí thì mọi chuyện càng tệ.
"Vì họ nghĩ mình vô danh trên Facebook nên dễ dàng thể hiện sự thấp hèn, kéo cái tốt xuống"
"Tôi không có nhu cầu xài Facebook nên đã không dùng. Bởi ngoài lớn tuổi và chậm chạp khi làm quen với các công nghệ mới, tôi cũng không có nhiều thời gian, cũng như cảm thấy khó làm chủ phương pháp truyền thông đặc biệt này. Mỗi việc trả lời email thôi, cũng làm tôi thấy hết hơi rồi!
Hơn nữa, khi chúng ta xài Facebook thì sẽ phải chịu sức ép ‘gia tốc’, chúng ta không trả lời chậm được, như kiểu cà phê hoà tan – phải hành động/phản ứng ngay lập tức. Trong khi, rõ ràng mình không nhất thiết phải làm vậy.
Tôi đang hướng dẫn một vài nhân viên ngoại giao cách làm việc với truyền thông. Tôi hay nói với các em: quyền hỏi là của báo chí, còn quyền trả lời là của mình; đặc biệt, trong quyền trả lời có quyền không trả lời. Các Tổng thống và Thủ tướng thường 'nhảy' qua câu hỏi, nếu họ cảm thấy không thể trả lời hoặc không phù hợp với chủ đề chung", Nhà ngoại giao kỳ cựu này tiết lộ.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh khẳng định: từ lâu mình đã ở giai đoạn biết mình muốn cái gì, tức đã làm chủ được bản thân; nên nếu có một ngày, bà lên thử dùng Facebook cũng sẽ không bị sa đà, bởi bà biết khi nào nên ‘say no’, "bởi ‘say no’ luôn khó hơn ‘say yes’".
"Theo quan điểm của tôi, điều tốt của các mạng xã hội như Facebook chính là điều tốt đẹp được phản ánh rất nhanh. Những hoạt động thiện nguyện hoặc gương người tốt qua sự phản ánh của mạng xã hội được lan tỏa nhanh hơn và rộng hơn. Nhưng đồng thời, không ít cái đẹp đang bị bóp nhỏ bởi sự hung hãn, thấp hèn, đen tối… của cư dân mạng xã hội và tình trạng đó ngày càng lan rộng.
Tôi thấy Facebook rất nguy hiểm, vậy nên chúng ta cần phải được ‘tiêm chủng’ rồi mới thu hoạch được cái hay của mạng xã hội và biết thêm cái hay cái tốt của mọi người. Còn nếu chúng ta chưa ‘tiêm chủng’ rất dễ bị lây virus xấu từ trên mạng xã hội", bà Tôn Nữ Thị Ninh phân tích.
Lý do cho sự lệnh lạc ở đây là: khi nói chuyện mặt đối mặt, người ta không dám nói điều xấu bởi sợ phải chịu trách nhiệm; mạng xã hội khiến mọi người nghĩ mình ‘vô hình’ và sẽ không phải chịu trách nhiệm với hành động – lời nói của mình. Nhiều người thậm chí lập một lúc nhiều nickname rồi sẵn sàng văng tục khắp nơi. Rõ ràng, việc nghĩ mình vô danh đã khiến người cư dân mạng dễ dàng thể hiện sự thấp hèn, kéo cái tốt xuống.
"Có thể nói, tôi thuộc trường phái bảo thủ. Tôi vẫn luôn băn khoăn việc có nên để cho trẻ con dùng mạng xã hội hay không?! Tôi bây giờ chưa có cháu, nhưng con trai tôi có quan điểm giống tôi, nên nhiều khả năng sau này nó sẽ không để đứa bé 10 tuổi tiếp xúc với những người lạ trên mạng xã hội như Facebook. Tôi đang nói về Facebook mở, còn Facebook chỉ có một nhóm hẹp lại khác", Chủ tịch Chủ tịch Quỹ Hoà bình và Phát triển TP. HCM kết luận.
Quỳnh Như
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị