Tổng thống Myanmar Win Myint - Ảnh: REUTERS
Luật sư của ông Win Myint, ông Khin Maung Zaw, ngày 3-3 cho biết ngoài cáo buộc vi hiến, Tổng thống Myanmar còn đối mặt với cáo buộc vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, luật sư Khin Maung Zaw vẫn chưa biết ngày xét xử cụ thể của ông Win Myint.
Trong diễn biến liên quan, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã không thể đạt được bước tiến mới trong vấn đề Myanmar sau cuộc họp trực tuyến giữa 10 bộ trưởng ngoại giao chiều tối 2-3.
Dù tất cả 10 nước thành viên ASEAN đồng lòng kêu gọi kiềm chế, chỉ 4 nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar thả các lãnh đạo bị bắt giữ, trong đó có cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
“Chúng tôi khẳng định ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar theo cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng” - Brunei, nước đang nắm cương vị chủ tịch luân phiên ASEAN, tuyên bố.
Truyền thông Myanmar ngày 3-3 cũng đưa tin Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin do quân đội chỉ định đã tham gia cuộc họp của ASEAN để “trao đổi góc nhìn về các vấn đề trong khu vực và thế giới”, nhưng không nhắc đến mục đích của cuộc gặp.
Tờ Global New Light of Myanmar cho biết ông Wunna Maung Lwin đã “thông báo trong cuộc họp về các bất thường trong bỏ phiếu” của cuộc bầu cử năm 2020, cũng như các kế hoạch của chính quyền quân sự.
Phía quân đội Myanmar tuyên bố họ giành lấy quyền lực và bắt các lãnh đạo dân sự để phản ứng lại các nghi vấn gian lận xoay quanh cuộc bầu cử tháng 11-2020. Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ của bà Suu Kyi thời điểm đó đã chiến thắng vang dội để giành được thêm nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo.
Hôm 1-2, quân đội tiến hành đảo chính, bắt giam nhiều lãnh đạo của chính quyền dân sự Myanmar, bao gồm Tổng thống Win Myint và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi. Hầu như mỗi ngày trong hơn một tháng qua kể từ hôm đảo chính, người dân Myanmar tràn xuống đường tuần hành, phản đối chính quyền quân sự.
Các cuộc biểu tình phản đối đảo chính và chính quyền quân sự tại Myanmar vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong ngày 3-3. Theo Hãng tin Reuters, lực lượng an ninh đã bắn súng chỉ thiên để cảnh cáo khi người biểu tình tập trung tại một địa điểm ở thành phố Yangon vào sáng sớm 3-3. Cho tới nay, ít nhất 21 người đã thiệt mạng kể từ cuộc chính biến ngày 1-2.
TTO - Cần tính đến tư duy của ban lãnh đạo quân đội Myanmar khi xem xét các giải pháp hóa giải khủng hoảng. Nếu không làm như vậy thì các chính sách sẽ trở nên vô nghĩa và có nguy cơ dẫn đến những tính toán và hành động sai lầm.
Xem thêm: mth.47453551130301202-hcid-gnohc-gnohp-mahp-iv-neih-iv-coub-oac-ib-ramnaym-gnoht-gnot/nv.ertiout