Trước tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch xảy ra ngày càng thường xuyên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc mới được bổ nhiệm của HSX - ông Lê Hải Trà vừa đưa ra đề xuất nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống.
Nâng lô để giảm tải hệ thống?
Việc nâng lô giao dịch từ 100 chứng khoán như hiện nay lên 1.000 đơn vị được kỳ vọng sẽ làm giảm được số lệnh nhỏ đưa vào hệ thống, giảm áp lực xử lý lệnh tại HSX. Lãnh đạo HSX đưa ra tính toán, nếu áp dụng lô giao dịch tối thiểu 1.000, có thể làm giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch.
Trước đó, từ phiên giao dịch đầu tiên của năm 2021, HSX cũng đã nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 lên 100, cũng với mục đích hạn chế tình trạng nghẽn lệnh. HSX kỳ vọng việc điều chỉnh này làm giảm 18% số lệnh vào sàn.
Tình trạng nghẽn hệ thống giao dịch xảy ra ngày càng thường xuyên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Tuy nhiên thực tế, hiệu quả đạt được không cao. Việc hệ thống giao dịch của HSX gặp trục trặc đã trở thành "cơm bữa" khi thanh khoản liên tục ở mức cao, từ mức gần 12.500 tỷ đồng/phiên trong tháng 12/2020, tăng lên 16.800 tỷ đồng/phiên trong tháng 1/2021, tức là tăng tới gần 26%. Giao dịch bình quân tháng 2 dù giảm nhiệt số với tháng đầu năm, nhưng cũng đạt gần 13.900 tỷ đồng/phiên. Trong khi năng lực xử lý của HSX chỉ đạt tối đa 900.000 lệnh/phiên.
Vì vậy, sự cố nghẽn hệ thống giao dịch đã không chỉ dừng ở phiên chiều hay sau thời điểm thanh khoản lên 10.000 tỷ đồng, mà xuất hiện cả trong phiên sáng khi thanh khoản còn rất thấp.
Nâng lô lên 1.000 tỷ đồng: Liệu có bỏ rơi nhà đầu tư nhỏ?
Với thị giá ngày hôm nay, 1 cổ phiếu VNM đang được giao dịch ở mức hơn 100.000 đồng/chứng khoán. Nếu nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đơn vị, nhà đầu tư sẽ phải có trong tay hơn 100 triệu mới có thể nghĩ đến chuyện sở hữu cổ phiếu bluechip này.
Đây chỉ là một ví dụ cho thấy, nếu nâng lô giao dịch, thì các nhà đầu tư nhỏ sẽ rất khó có nguồn lực để mua vào các cổ phiếu mệnh giá lớn. Hiện trên HSX thực tế cũng chỉ có 12 cổ phiếu có mệnh giá trên 100, nhưng vấn đề không nằm ở số lượng, mà là quyền tiếp cận một cách công bằng tới tất cả các cổ phiếu trên sàn cho mọi nhà đầu tư trên thị trường.
Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho biết, e ngại lớn nhất của họ nếu áp dụng lô giao dịch lên 1.000 chính là điểm này. Ngoài ra, hàng loạt vấn đề khác đặt ra như nhà đầu tư cá nhân cần thời gian để mua bán, sắp xếp lại danh mục của mình cho chẵn lô. Nhà đầu tư cá nhân, có thể sẽ phải dùng tới đòn bẩy nhiều hơn, tăng margin để có thể sở hữu những cổ phiếu mệnh giá lớn. Và cũng có khả năng, nhà đầu tư sẽ phải tìm đến các cổ phiếu thị giá thấp nhiều hơn… nên cũng chưa chắc đã cải thiện số lệnh vào thị trường.
Khó cho cả công ty chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết?
Bản thân các công ty chứng khoán cũng có những e ngại với việc nâng lô giao dịch lên 1.000, nếu triển khai. Họ sẽ lại phải bỏ tiền nâng cấp hệ thống giao dịch, phát sinh thêm nhân sự để xử lý việc giao dịch lô lẻ. Với hơn 1.000 mã chứng khoán hiện nay, các công ty chứng khoán sẽ phải bỏ ra nguồn lực tài chính không nhỏ để "ôm" cổ phiếu lô lẻ cho các nhà đầu và các vấn đề phát sinh như mua cổ phiếu lô lẻ ở mức giá nào? Biên độ giá là bao nhiêu để đảm bảo cả công ty chứng khoán và nhà đầu tư đều không thấy mình bị thiệt hại?
Việc hệ thống giao dịch của HSX gặp trục trặc đã trở thành "cơm bữa" khi thanh khoản liên tục ở mức cao. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Chưa kể với các công ty chứng khoán 100% vốn ngoại, việc giao dịch lô lẻ sẽ được tính như một khoản mục tự doanh. Do vậy, họ sẽ gặp khó với các cổ phiếu đã chạm trần sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư "lỡ" mở tài khoản tại công ty chứng khoán nước ngoài sẽ phải ứng xử như thế nào? Khi doanh nghiệp niêm yết chia cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng bằng cổ phiếu… phát sinh cổ phiếu lô lẻ thì có đặt trách nhiệm tổ chức phát hành phải mua lại hay không hay để nhà đầu tư tự chịu?
Nâng lô… ngược thông lệ thị trường?
Trong thông điệp của mình, Tổng Giám đốc HSX cho biết, việc nâng lô giao dịch đã được HSX tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính quốc tế cho rằng, đề xuất này của Việt Nam đang "ngược dòng" thị trường, như Singapore đã giảm lô giao dịch từ 1.000 chứng khoán xuống còn 100 đơn vị từ đầu năm 2015. Tương tự, Nhật Bản cũng giao dịch ở lô tối thiểu 100 và đang có lộ trình giảm tiếp… Còn tại Đài Loan (Trung Quốc), nhà đầu tư có thể mua bán cổ phiếu từ 1 đơn vị, với sự phân hóa về giá nếu giao dịch cổ phiếu lẻ. Những ví dụ này cho thấy xu hướng quốc tế là giảm dần số đơn vị giao dịch tối thiểu nhằm tăng quyền tiếp cận của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ với các mã bluechip, giảm rủi ro đầu tư, cũng như tăng thanh khoản cho thị trường.
Do đó, chỉ có thể coi việc nâng lô giao dịch lên 1.000 là giải pháp tạm thời để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh hiện nay, khi chờ hệ thống giao dịch mới đi vào hoạt động.
Giải pháp "đỡ tệ" nhất?
Chuyển một số cổ phiếu từ HSX sang "tạm trú" tại một bảng điện riêng trên HNX, nâng lô giao dịch, nâng bước giá tối thiểu là những giải pháp tình thế đang được nhắc đến, nhằm gỡ bớt nút thắt giao dịch trên HSX. Không có một giải pháp nào được coi là hoàn hảo cho tất cả, chỉ có sự lựa chọn nào là khả dĩ nhất lúc này.
Chủ tịch Công ty chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng cho rằng, giải pháp xử lý sự cố tắc nghẽn hệ thống vì quá tải luôn có mặt trái, nhưng nếu không tháo gỡ, thì có thể có những hệ lụy lớn hơn và gây thiệt hại nhiều hơn cho toàn thị trường và thiên về phương án nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 chứng khoán, như một phương thuốc đặc trị cho thị trường lúc này.
Ông Hưng cũng chia sẻ, cần có các giải pháp kèm theo để giảm thiểu tác động tiêu cực nếu áp dụng của việc nâng lô tối thiểu, như khuyến khích và tạo thuận lợi nhất cho các công ty chứng khoán mua cổ phiếu lô lẻ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Việt Nam muốn mở rộng sự tham gia của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán để phát huy tính hiệu quả của kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế này. Hiện với tỷ lệ chưa đầy 3% dân số có tài khoản chứng khoán, so với con số tại Thái Lan là 6 - 7%, hay Đài Loan (Trung Quốc) lên tới 30% rõ ràng vẫn là một tỷ lệ khiêm tốn, nhưng còn khiêm tốn, mà hệ thống đã không thể tải được giao dịch của nhà đầu tư.
Cái thị trường cần lúc này là ngoài những giải pháp trước mắt cần những giải pháp lâu dài, căn cơ và có cơ sở cho thị trường, chứ không chỉ là những nhận định chủ quan từ người đứng đầu HSX.
VTV.vn - Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng, nếu nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 đơn vị, sẽ giảm tải được khoảng 50% số lệnh vào sàn hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!